10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về Dự thảo BLDS (sửa đổi)

Bộ luật Dân sự bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. (Ảnh: Một phiên tòa dân sự)
Bộ luật Dân sự bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. (Ảnh: Một phiên tòa dân sự)
(PLO) - Trong hệ thống pháp luật của nước ta, Bộ luật Dân sự được coi là luật chung, luật gốc, điều chỉnh tương đối đầy đủ các vấn đề thuộc lĩnh vực tư.  
Thực hiện Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó giao các cơ quan thông tấn, báo chí mở chuyên trang, chuyên mục để phản ánh, đưa tin, đăng tải kịp thời các ý kiến đóng góp, những sáng kiến, đề xuất của Nhân dân về việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, từ hôm nay (8/1), Báo Pháp luật Việt Nam mở chuyên mục “Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi”. Mọi tin, bài viết cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: Báo Pháp luật Việt Nam, số 42/29 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội. Email: thoisuphapluatvn@gmail.com
Trong chuyên mục đầu tiên này, Báo Pháp luật Việt Nam xin trân trọng giới thiệu vắn tắt 10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
1. Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự 
Bộ luật Dân sự hiện hành quy định nguyên tắc tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ (Điều 9) nhưng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác trong việc thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự. Trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật về vụ, việc dân sự đó.
Dự thảo Bộ luật bổ sung Điều 19, theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào tập quán (Điều 11), nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng (Điều 12) để xem xét, giải quyết.
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của dự thảo Bộ luật vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, quy định như Dự thảo Bộ luật sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân một cách kịp thời và triệt để hơn vì Tòa án có trách nhiệm xem xét, giải quyết mọi tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật điều chỉnh;
Thứ hai, quy định như Dự thảo Bộ luật là nhằm triển khai thi hành một cách triệt để quy định tại Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp 2013, theo đó: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”;
Thứ ba, về kinh nghiệm quốc tế, ở nhiều nước cũng quy định Thẩm phán  không được từ chối giải quyết các vụ, việc dân sự, kể cả trong trường hợp chưa có quy định của luật.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định vấn đề này trong Bộ luật Dân sự vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, để Tòa án có thể giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật thì cần giao cho Tòa án quyền “giải thích pháp luật”. Theo đó, trong trường hợp không có luật thì Thẩm phán, Hội thẩm căn cứ các nguyên tắc chung của pháp luật, niềm tin nội tâm và lẽ công bằng để đưa ra phán quyết. Các khái niệm này lại quá trừu tượng, không có tiêu chí rõ ràng; đồng thời Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân không trao quyền giải thích pháp luật (theo nghĩa rộng như trên) cho Tòa án;
Thứ hai, Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Việc quy định Thẩm phán và Hội thẩm phải đưa ra phán quyết kể cả trong trường hợp không có luật là chưa phù hợp với Hiến pháp;
Thứ ba, quy định này thiếu tính khả thi vì việc thực hiện trên thực tế đòi hỏi Thẩm phán, Hội thẩm phải được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng giải thích pháp luật;
Thứ tư, quy định này liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án, cần nghiên cứu để nếu cần thiết thì quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hoặc Bộ luật Tố tụng Dân sự. 
2. Về quyền nhân thân 
Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 26 quyền nhân thân (từ Điều 26 đến Điều 51). 
Dự thảo Bộ luật tiếp tục quy định các quyền nhân thân cụ thể (từ Điều 31 đến Điều 50), sửa đổi một số điều cho phù hợp với Hiến pháp như quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (thay cho quyền bí mật đời tư)..., đồng thời bổ sung một số quyền mới như quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống... 
Ngoài ra, Điều 51 dự thảo Bộ luật quy định các quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật, theo đó, Bộ luật Dân sự cần cụ thể hóa các quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị Bộ luật Dân sự không nên quy định lại các quyền nhân thân đã được ghi nhận trong Hiến pháp mà chỉ nên quy định một số quyền nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự, như là: quyền về họ, tên, nơi cư trú và một số quyền nhân thân đặc thù không quy định cụ thể trong Hiến pháp, như quyền xác định lại giới tính, quyền đối với hình ảnh, quyền được khai sinh, khai tử...
Quyền nhân thân được Bộ luật Dân sự bảo hộ. (Ảnh: Cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm)
Quyền nhân thân được Bộ luật Dân sự bảo hộ.
 (Ảnh: Cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm) 
3. Về chủ thể của quan hệ 
pháp luật dân sự
Bộ luật Dân sự hiện hành quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. 
Dự thảo Bộ luật chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (từ Điều 119 đến Điều 121); một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương (từ Điều 115 đến Điều 118).
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như Bộ luật Dân sự hiện hành vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, hộ gia đình, tổ hợp tác là những thực thể đang tồn tại trong xã hội và tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự, như quan hệ sử dụng đất đai, điện, nước... Hiện nay có khoảng 370.000 tổ hợp tác đang hoạt động ở nước ta, mô hình tổ hợp tác đang ngày càng phát triển và là một trong những tiền đề để thành lập hợp tác xã và doanh nghiệp. Việc không ghi nhận tổ hợp tác như là một loại chủ thể quan hệ pháp luật dân sự có thể làm giảm vai trò và sự phát triển của các tổ hợp tác;
Thứ hai, việc quy định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là cần thiết, xuất phát từ các điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình và lịch sử của Nhà nước ta;
Thứ ba, một số luật hiện hành cũng đã ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Hợp tác xã...;
Thứ tư, các hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật về hộ gia đình, tổ hợp tác hiện nay là có thật nhưng có thể khắc phục được trong quá trình hoàn thiện pháp luật để tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho hộ gia đình, tổ hợp tác tồn tại và phát triển.
4. Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức
Điều 134 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. 
Khoản 1 Điều 145 Dự thảo Bộ luật quy định: 
“1. Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:
a) Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó; 
b) Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu”.
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật vì quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn ký kết, thực hiện hợp đồng ở nước ta; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục duy trì quy định như Bộ luật Dân sự hiện hành để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, theo đó, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức bắt buộc của giao dịch thì chủ thể của giao dịch phải tuân thủ hình thức đó, nếu không tuân thủ thì giao dịch bị tuyên bố vô hiệu; pháp luật hiện hành chỉ quy định giao dịch được xác lập dưới hình thức bắt buộc trong một số trường hợp liên quan đến bất động sản và động sản có giá trị lớn (ôtô, xe máy, tàu bay...) và việc quy định các bên bắt buộc phải tuân thủ hình thức này là nhằm góp phần quản lý nhà nước đối với các loài tài sản nêu trên. 
5. Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu
Điều 138 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định trường hợp giao dịch dân sự bị Tòa án tuyên bố vô hiệu nhưng tài sản là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu và chủ sở hữu được nhận lại tài sản của mình, trừ hai trường hợp: (1) Người thứ ba nhận được tài sản thông qua bán đấu giá; (2) Người thứ ba giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Điều 148 Dự thảo Bộ luật quy định: “2. Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu; 3. Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”.
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
6. Về hình thức sở hữu
Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu là: (1) Sở hữu nhà nước; (2) Sở hữu tập thể; (3) Sở hữu tư nhân; (4) Sở hữu chung; (5) Sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; (6) Sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Dự thảo Bộ luật quy định ba hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung (Điều 213 và các điều từ Điều 224 đến Điều 247).
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định hai hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân là một dạng đặc biệt của sở hữu chung (sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý).
- Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Bộ luật Dân sự cần quy định ba hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân và sở hữu chung.
7. Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác 
Điều 168 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: “Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. 
Điều 182 Dự thảo Bộ luật  quy định:
“1. Việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, nếu hợp đồng hoặc luật không có quy định khác. 
Trường hợp hợp đồng và luật cùng quy định nhưng khác nhau về thời điểm xác lập quyền sở hữu, vật quyền khác thì áp dụng theo quy định của luật. 
Thời điểm tài sản được chuyển giao được hiểu là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản.
2. Trường hợp tài sản đã được chuyển giao trước thời điểm hợp đồng được giao kết thì quyền sở hữu và vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác. 
3. Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”.
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định một nguyên tắc thống nhất, theo đó, thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác đối với bất động sản được tính từ thời điểm tài sản được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và các bên đã hoàn tất thủ tục trước bạ sang tên.
8. Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi 
Bộ luật Dân sự hiện hành không quy định Tòa án có quyền điều chỉnh hợp đồng của các bên khi hoàn cảnh thay đổi. Điều này thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối của Nhà nước đối với quyền tự do ý chí, tự do định đoạt của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng. 
Điều 443 Dự thảo Bộ luật về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi quy định trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng; trường hợp các bên không đạt được thoả thuận trong một khoảng thời gian hợp lý thì Toà án có thể: a) Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo những điều khoản do Toà án quyết định; b) Điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên các thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng. Tuỳ theo từng trường hợp, Toà án có thể buộc bên từ chối đàm phán hoặc phá vỡ đàm phán một cách không thiện chí, trung thực phải bồi thường thiệt hại.
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định trong Dự thảo Bộ luật.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định như Dự thảo Bộ luật vì quy định như vậy là không phù hợp với bản chất của hợp đồng là sự tự do ý chí, tự do thỏa thuận. Các cơ quan nhà nước, trong đó có Tòa án, không được và không nên can thiệp vào sự tự do của các bên khi tham gia các giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng. Bộ luật Dân sự hiện hành và Dự thảo Bộ luật đã quy định về sửa đổi hợp đồng, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi thì các bên có quyền thỏa thuận để sửa đổi hợp đồng, nếu hoàn cảnh thay đổi đến mức không thể thực hiện được hợp đồng thì hợp đồng chấm dứt theo sự thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Việc cho phép Tòa án can thiệp đến mức phân chia thiệt hại, buộc phải đàm phán, buộc bồi thường thiệt hại khi một bên không đàm phán như Dự thảo Bộ luật là không đúng với bản chất của hợp đồng và không khả thi trên thực tiễn.
9. Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Điều 476 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Điều 491 Dự thảo Bộ luật quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định một mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật Dân sự, không sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu, đồng thời quy định nguyên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này khi cần thiết.
10. Về thời hiệu
Điều 155 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định các loại thời hiệu sau: (1) Thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự (gọi chung là thời hiệu khởi kiện); (2) Thời hiệu hưởng quyền dân sự và (3) Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Trong đó, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện hoặc yêu cầu Toà án giải quyết vụ, việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện hoặc mất quyền yêu cầu. 
Dự thảo Bộ luật quy định chung về thời hiệu (Điều 167 – Điều 180) và thời hiệu thừa kế (Điều 646) theo hướng: cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu Tòa án giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn luật định; hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu như quy định hiện hành, Tòa án vẫn phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự. 
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định về thời hiệu khởi kiện như Bộ luật dân sự hiện hành.

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn nâng cao cho giảng viên nguồn về kỹ năng xử lý, giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm pháp

Tập huấn nâng cao cho giảng viên nguồn về kỹ năng xử lý, giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm pháp

Tiếp nối thành công của Khóa tập huấn cơ bản tổ chức tại Ninh Bình, ngày 13 -17/4/2024, tại Quảng Ninh, Học viện Tư pháp phối hợp với UNICEF triển khai tổ chức khóa tập huấn nâng cao cho giảng viên nguồn về xử lý, giáo dục và phục hồi đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Đọc thêm

Nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật

Quang cảnh tọa đàm
(PLVN) -Thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2024), sáng 17/4, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật”. Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên chủ trì Tọa đàm.

Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ
(PLVN) -Bộ Tư pháp và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính, đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 17/4

Bộ Tư pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Bộ Tư pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến
(PLVN) -Trong năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. Bộ Tư pháp đã theo dõi, đôn đốc thường xuyên để thực hiện đúng tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ theo Kế hoạch CCHC cũng như các kế hoạch trong 07 lĩnh vực CCHC trọng tâm của Chính phủ.

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu 2024 toàn tỉnh Yên Bái đã thi hành xong gần 1.600 việc với hơn 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,36% về việc, 33,75% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

Học viện Tư pháp tổ chức Tọa đàm về nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp luật sư

Đại diện các cấp, ngành liên quan và lãnh đạo Học viện Tư pháp chủ trì tọa đàm.
(PLVN) - Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu bày tỏ mong muốn, từ chia sẻ của các diễn giả tham dự Tọa đàm, mỗi học viên là luật sư tương lai có được cái nhìn đầy đủ và nhiều kiến thức bổ ích hơn về nghề nghiệp. Các học viên cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội...

Quy định chặt chẽ hơn điều kiện miễn đào tạo nghề Luật sư

Quy định chặt chẽ hơn điều kiện miễn đào tạo nghề Luật sư
(PLVN) -Xây dựng Luật thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội) Bộ Tư pháp cho biết sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực làm việc với Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực
(PLVN) -Chiều ngày 12.4, tại Cục Thi hành án dân sự (THADS) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực đã có buổi làm việc với Cục THADS TP.HCM về tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS, THAHC 06 tháng đầu năm và kết quả tổ chức thực hiện Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.

Ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn, có giá trị cao nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
(PLVN) -  Ngày 11/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì.