Sự đa dạng hóa các loại hình báo chí, sự “tấn công” mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới như Internet và mạng xã hội thông qua Internet, sự kén chọn khắt khe của bạn đọc cũng như sự thoái trào của báo in... đã ảnh hưởng từng ngày, từng giờ đến các cơ quan báo chí, trong đó có báo Pháp luật Việt Nam.
Tồn tại hay là chết? Chọn tồn tại, thì phải tồn tại thế nào trước sức ép cạnh tranh từ ba bề bốn bên ấy? Mà có chống được sức ép, thì Pháp luật Việt Nam thể hiện mình thế nào để vừa “tròn” cả “nhiều vai”: Vừa góp phần cùng Bộ Tư pháp hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, vừa vững vàng trong vai trò nhịp cầu truyền tải pháp luật đến nhân dân và tiếng nói của nhân dân phản ánh đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lại vừa có doanh thu, có lãi từ hoạt động báo chí trong buổi hội nhập và cạnh tranh khốc liệt mà vẫn đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, đúng định hướng chính trị trong khuôn khổ pháp luật quy định?
Không thể bỏ “vai” nào, đó là đương nhiên, vậy thì làm sao “vai” nào cũng “gánh vác” cho thật tốt. Câu hỏi ngắn nhưng khó giải này luôn là nỗi trăn trở từ Tổng Biên tập cho đến mỗi phóng viên, thậm chí, còn là chủ đề tranh luận sôi nổi ngay cả trong Câu lạc bộ “Bút trẻ”- nơi tập hợp những bạn trẻ yêu nghề báo nhưng...còn đang ngồi trên ghế nhà trường, còn đang học làm báo...
Một buổi đối thoại trực tuyến về an toàn giao thông trên Báo PLVN điện tử |
Nhiệm vụ chung, thế mạnh riêng
Ngay từ những ngày cuối cùng của năm cũ 2015, trước những yêu cầu mới đặt ra trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, báo Pháp luật Việt Nam đã xác định một hướng đóng góp cho sự nghiệp chung vừa thiết thực với nhiệm vụ chung, vừa phù hợp với đặc thù, thế mạnh riêng.
Đó là chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa” nhằm góp phần đưa kiến thức pháp luật lan tỏa đến bạn đọc thuộc khu vực biên giới, hải đảo; cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới – hải đảo; thực hiện một cách chủ động, sáng tạo nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.
Cùng với việc khẩn trương, nhanh chóng mở chuyên trang “Biên giới –Biển đảo” với thời lượng 3 kỳ/ tuần trên các số báo hàng ngày, một cuốn “Cẩm nang pháp luật về biển và hải đảo” cũng được tích cực xây dựng và in ấn với sự chung tay góp sức của nhiều đơn vị, doanh nghiệp như Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) v.v...
Trong năm 2016, hàng chục vạn tờ báo cùng hàng chục vạn cuốn cẩm nang này đã được chuyển tận tay các đối tượng thụ hưởng thuộc Hải Phòng và Quảng Ninh, thiết thực góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo; hàng ngày sát cánh cùng họ trong công cuộc giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt tại các thư viện, tủ sách pháp luật, góp phần từng bước làm biến chuyển nhận thức về pháp luật của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Và chính bằng chương trình đặc sắc này, báo Pháp luật Việt Nam phát huy tối đa thế mạnh của mình, vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị của một cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp vừa trọn vẹn trách nhiệm của một cơ quan, một đơn vị sự nghiệp với công việc chung của quốc gia; vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của báo chí vừa là nơi quy tụ, tập trung nguồn lực xã hội cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ chăm lo cho đời sống của nhân dân, gia tăng sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Một tờ báo, nhiều ấn phẩm
Sự bùng nổ của truyền thông kỹ thuật số đưa đến một sự thật: Nhiều tờ báo rơi vào suy thoái, sụt giảm số lượng phát hành, giảm sút bạn đọc. Nhưng ngay cả với “đề bài khó” này, lời giải của báo Pháp luật Việt Nam cũng thật ngắn gọn: Không để bạn đọc rơi vào cảnh “thiếu đói” kiến thức pháp luật.
Muốn vậy, thay vì thu gọn số lượng ấn phẩm, báo Pháp luật Việt Nam “lội ngược dòng” với giải pháp kép: Gia tăng số lượng ấn phẩm cùng với điều tiết số lượng báo in, báo hàng ngày, báo hàng tuần và hàng tháng. Gia tăng số lượng ấn phẩm bằng tiếp tục tổ chức thêm các chuyên trang điện tử, sử dụng thế mạnh của truyền thông số để gia tăng kênh truyền tải pháp luật đến bạn đọc; còn điều tiết số lượng báo in, báo hàng ngày, báo hàng tuần bằng cách bám sát sức tiêu thụ của thị trường, đưa báo đến tay bạn đọc thông qua các chương trình xã hội, thông qua các đối tác v.v…
Với “giải pháp kép” trên, năm qua, bạn đọc yêu quý báo Pháp luật Việt Nam được tiếp cận nhiều phương thức truyền thông chỉ qua một măng –sét, với sự xuất hiện và nhanh chóng nổi bật của chuyên trang truyền thông Pháp luật Plus; Doanh nhân & Pháp luật điện tử- Doanhnhan.vn rồi Pháp luật TV.
Bên cạnh ấn phẩm Pháp luật Việt Nam hàng ngày cùng Câu chuyện pháp luật, Xa lộ pháp luật, Pháp luật& Thời đại… vốn quen thuộc trên các sạp báo, tờ Pháp luật 4 phương “chào đời” tháng 5/2015 nhanh chóng được bạn đọc đón nhận và có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc như một kênh thông tin đáng tin cậy về các vấn đề thời sự, pháp lý, hồ sơ – tư liệu trong và ngoài nước đáng tin cậy được chọn dịch và giới thiệu bởi các cây bút già dặn, nhiều kinh nghiệm.
Với cách tổ chức bài vở riêng, chọn lọc kỹ đề tài, vấn đề cũng như cẩn thận, chặt chẽ về câu chữ, Pháp luật 4 phương đã sớm chiếm trọn lòng tin của cả những bạn đọc khó tính nhất. Hàng tuần, chính những bạn đọc khó tính ấy lại “alo, tôi xin góp ý thế này…” cho nhóm chịu trách nhiệm thực hiện ấn phẩm; thậm chí, có bạn đọc “ham quá” mà đề nghị báo tăng kỳ lên 2 số/ tuần để rút ngắn thời gian chờ đọc kỳ tiếp theo của loạt bài yêu thích…
Rõ ràng, không có riêng một “con đường bằng phẳng trải hoa hồng” mà chỉ có thể tìm thấy lối ra bằng chính tâm huyết, sự nỗ lực và quyết tâm. Những nỗ lực, gắng gỏi bấy nay của báo Pháp luật Việt Nam không chỉ giúp tờ báo đứng vững trong thế cạnh tranh mỗi ngày mỗi gay gắt mà hơn thế, còn tạo nên sức gia tốc mạnh mẽ, cuốn kéo “con tàu” Pháp luật Việt Nam hướng về phía trước trong thế ổn định và tràn đầy năng lượng.
Dựa trên các quy định của pháp luật, lấy báo chí làm cầu nối chuyển tải, tuyên truyền pháp luật, dùng các vấn đề, sự kiện pháp luật làm đề tài chính yếu của tất cả các ấn phẩm, sử dụng các ấn phẩm để truyền tải pháp luật phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau v.v…tất cả đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, thành thương hiệu “Pháp luật Việt Nam” trung thành với tôn chỉ, mục đích "truyền thông pháp luật vì nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", luôn được "Đảng tin, dân yêu, doanh nghiệp đồng hành"…
Xuân mới lại về, đem lại niềm hứng khởi cho mỗi người, mỗi nhà, cho báo Pháp luật Việt Nam và mọi thành viên của mình. Niềm tin nội tâm mỗi “người pháp luật làm báo”, niềm tin của bạn đọc, sự trông đợi của ngành Tư pháp, của Đảng và Nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp đang tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng mạnh mẽ, để Pháp luật Việt Nam tự tin vươn lên tầm cao mới…
Gắng gỏi “chở luật” đến biên cương, ra hải đảo
Báo PLVN triển khai Chương trình "chung tay xóa nghèo pháp luật" tại Quảng Ninh |
Vượt qua quãng đường hơn 400km từ thủ đô Hà Nội tới TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), ngày 16/12/2016, Ban biên tập và cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng 11.000 tờ báo, 100 cuốn sách cho Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh; 5.500 tờ báo, 200 cuốn sách tặng TP Móng Cái; 3.600 tờ báo, 100 cuốn sách tặng UBND huyện Vân Đồn.
Bắt đầu từ 1/1 đến hết 31/12/2107, các ấn phẩm của báo Pháp Luật Việt Nam sẽ được phát hành tới 30 đồn biên phòng của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh; 15 xã, phường của TP Móng Cái, UBND huyện Vân Đồn. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, đưa ấn phẩm của Báo về các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
Trước đó, tháng 9/2016, báo Pháp luật Việt Nam cũng trao tặng huyện đảo Cát Hải 5.500 tờ báo, 100 cuốn cẩm nang pháp luật về biên giới, biển đảo; tặng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Hải Phòng 7.400 tờ báo, 100 cuốn sách; tặng Vùng Cảnh sát biển 1 5.500 tờ báo và 50 cuốn sách; tặng Trường PTTH Cát Hải 50 cuốn sách. Cùng đồng hành với báo, Công ty cổ phần điện tử Asanzo Việt Nam trao tặng huyện đảo Cát Hải 2 vô tuyến LCD, 5 nồi cơm điện và ấm đun nước siêu tốc do Công ty sản xuất; tặng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng 3 vô tuyến LCD; tặng Trường PTTH Cát Hải 1 vô tuyến LCD.
Tháng 7/2016, báo Pháp luật Việt Nam phối hợp cùng Công ty Luften Media phát miễn phí 14.600 tờ báo Pháp luật Việt Nam cho huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), ủng hộ số tiền 130 triệu cho xã Quảng Phong chung sức xây Nhà tưởng niệm các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Đồng hành cùng chương trình là sự chung tay, góp sức của những cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư như: Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) Cty TNHH Thương mại & Dịch vụ Quốc Huy, Cty TNHH Toàn Thắng, Cty CP Thương mại & Vật liệu Xây dựng Thiên Lương, UBND Phường Tràng Cát, Trường CĐ Dịch vụ Du lịch Hải Phòng, Trường THPT Lê Hồng Phong, Cty Cp Tập đoàn Việt Úc, Cty TNHH kỹ thuật Minh Anh Việt Nam, UBND Phường Đông Hải 1, Cty TNHH MTV 397, Trường Tiểu học Thái Phiên, Cty TNHH Hương Quỳnh, Cty CP sản xuất Tôn mạ màu Poshaco, Cty BOT Đại Dương, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Chi nhánh Cty CP Thiết bị phụ tùng cơ điện tại Hải Phòng, Cty TNHH Sản xuất Thương mại Duy Thái Hưng, Cty CP Sao Á, Cty CP Thành Đồng, Cty CP & phát triển Tùng Lâm, Cty CP xây dựng và thương mại Tam Long, Liên hiệp khoa học công nghệ tài nguyên khoáng sản môi trường và năng lượng, Cty TNHH Long Trọng, Cty TNHH MTV 618, Công ty TNHH MTV Duy Thái Hưng...
Nhận xét về chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này, bà Đỗ Bích Hoàn - Phó Chủ tịch UBND phường Ka Long(TP Móng Cái, Quảng Ninh) – nói: "Chúng tôi nhận thức rằng, mỗi ấn phẩm sách, báo của báo Pháp Luật Việt Nam là một tư liệu quý, thiết thực để phục vụ công tác tuyên truyền đặc biệt là đối với xã, phường biên giới". Đại tá Phạm Hồng Phong - Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Hải Phòng thì chia sẻ, “việc tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho các ngư dân, cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân và chiến sỹ. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực đối với bà con, cơ quan đơn vị TP Hải Phòng”.
“Chung tay xóa nghèo pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa” là một trong những hoạt động tích cực của báo Pháp luật Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện và là một sáng kiến quan trọng để triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Với việc thực hiện Chương trình này, báo Pháp luật Việt Nam cùng với nhà tài trợ đi tiên phong trong việc thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; góp sức cùng Chính phủ và các địa phương nâng cao nhận thức pháp luật, dân trí pháp lý và góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội.
Đến nay, hơn 2 triệu tờ báo PLVN đã đến với 1500 xã, 100 huyện trên cả nước cho thấy Chương trình là một hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc, khẳng định vai trò tiên phong của Báo và các doanh nghiệp tài trợ trong việc thực hiện quy định pháp luật, chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật...
Truyền thông pháp luật bằng công nghệ số
Tháng 10/2015, Ban Biên tập báo Pháp luật Việt Nam quyết định mở rộng kênh truyền tải pháp luật ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông số bằng việc xây dựng Chuyên trang điện tử truyền thông Pháp Luật Plus, với địa chỉ Phapluatplus.vn.
Kỷ niệm 1 năm ra mắt chuyên trang phapluatplus.vn |
Đúng ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam 9/11/2015, Chuyên trang điện tử truyền thông Pháp Luật Plus chính thức ra mắt với nhiệm vụ đầu tiên là tổ chức tường thuật trực tiếp Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và tổng kết cuộc thi viết“Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”.
Đến 15h ngày 8/5/2016, Phapluatplus.vn vượt mốc 11 triệu lượt truy cập sau 6 tháng ra mắt với hơn 70.000 lượt visitor hàng ngày, trung bình mỗi ngày trên 90.000 lượt xem trang. Đặc biệt, đúng vào dịp kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6.2016, Tòa soạn Phapluatplus.vn đã có tác phẩm được trao Giải C - Giải Báo chí Quốc gia, với loạt bài điều tra 5 kỳ có tiêu đề: “Than tặc” hoành hành tại Quảng Ninh.
Ngoài nhiệm vụ cập nhật một lượng lớn thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đầy đủ đến với bạn đọc về các vấn đề chính trị, pháp luật, an sinh xã hội,... trong nước và quốc tế, Phapluatplus.vn còn tổ chức nhiều sự kiện lớn, tạo được dấu ấn riêng và có ấn tượng trong lòng độc giả khi đi đầu trong công nghệ mang tính "đột phá" mới trong làng báo điện tử Việt Nam đó là "công nghệ" truyền hình trực tiếp trên báo điện tử.
Là một Tòa soạn điện tử cởi mở, năng động, Phapluatplus.vn sẵn sàng đón nhận, đào tạo nhiều khóa sinh viên, các CTV từ các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành báo chí đăng ký thực tập và thử sức, làm tiền đề hướng nghiệp kế thừa nhân sự, học hỏi, rèn luyện để các sinh viên có thể tự tin đứng vững trên chính đôi chân của mình khi bước vào môi trường làm báo điện tử chuyên nghiệp.
Tính đến thời điểm kỷ niệm 1 năm ra mắt (11/2016), Phapluatplus.vn đã có trên 30 triệu lượt truy cập và hơn 20 triệu Visitor. Theo thống kê của Alexa, số lượng độc giả Quốc tế truy cập chuyên trang truyền thông điện tử Pháp luật Plus chủ yếu tại các cường quốc lớn trong các châu lục, đứng đầu là Mỹ, thứ hai là Nhật Bản, tiếp đó là độc giả đến từ Pháp, Úc… thống kê tại Việt Nam, lượng bạn đọc truy cập vào Pháp luật Plus lớn nhất tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình…
Một “mặt trận”, nhiều “hướng tiến công
Nắm bắt xu hướng chuyển biến nhanh chóng của báo chí hiện đại với sự ứng dụng ngày càng rộng rãi của công nghệ, kỹ thuật số, Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục trăn trở, tìm tòi những bước đi mới nhằm giữ vững tốc độ tăng trưởng cũng như nâng cao chất lượng truyền thông pháp luật.
Sau thành công và những kinh nghiệm từ việc xây dựng chuyên trang truyền thông pháp luật PhapluatPlus.vn, Báo Pháp luật Việt Nam quyết định xúc tiến, đưa vào hoạt động trang điện tử Doanh nhân&Pháp luật ở tên miền Doanhnhan.vn, mở thêm kênh truyền tải thông tin, kiến thức pháp luật trong và ngoài nước đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp; thiết lập cầu nối tìm hiểu pháp luật, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp đồng thời cũng là nơi các doanh nhân, các doanh nghiệp có thể chia sẻ, tìm hiểu, tạo sự thông cảm, hiểu biết, giúp nhau cùng làm giàu một cách chính đáng, góp phần chung vào sự phát triển của đất nước.
Chưa hết, tận dụng cơ sở kỹ thuật và điều kiện đặc thù của công nghệ số, báo Pháp luật Việt Nam cũng xây dựng và sớm đưa vào hoạt động một trang điện tử riêng cho các bản tin, phóng sự truyền hình, đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của bạn đọc. Đây cũng là bước đi nhằm thu hút nhiều hơn bạn đọc quan tâm, yêu mến thương hiệu “Pháp luật Việt Nam”, thỏa mãn nhu cầu đọc, nghe, xem của đa dạng các đối tượng bạn đọc; lấy các hình thức ấn phẩm khác nhau để truyền tải được tối đa các sự kiện, vấn đề pháp luật và pháp lý đến công chúng, theo tinh thần “nhiều mũi tiến công trên một mặt trận tuyên truyền phổ biến pháp luật”...