Thiên nhiên ưu ái cho Việt Nam đường bờ biển dài 3.260km, đây là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển nghề khảm trai truyền thống. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dưới những đôi bàn tay khéo léo tài hoa của người dân làng Chuôi Ngọ, từng mảnh vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng, đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, mang niềm tự hào, tinh hoa của dân tộc Việt.
“Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Chuôn Ngọ với anh thì về
Chuôn Ngọ có cây bồ đề
Có sông tắm mát có nghề khảm khay”
Những câu ca dao trên không phải ngẫu nhiên lưu truyền trong dân gian, ngay từ triều Lý, làng Chuôn Ngọ (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước với nghề khảm trai được truyền từ nhiều đời. Nghề khảm trai còn được biết tới với những tên gọi khác như khảm xà cừ hay cẩn xà cừ.
Ông tổ nghề khảm trai là ai?
Sự tích về tổ nghề khảm trai được truyền với nhiều tích khác nhau. Điển hình như trong cuốn “Hà Tây làng nghề làng văn” của Tạ Phong Châu cho biết, có tích cho rằng, dưới thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) ở làng Thuận Nghĩa, Thanh Hóa có người làm nghề chài lưới rất khéo tay, tên là Nguyễn Kim. Một lần, nhìn những vỏ trai, hến ánh lên những màu sắc long lanh như cầu vồng, bèn nảy ra ý nghĩ: đem mài nhẵn ra, mỏng như giấy, dán vào chân bàn thờ.
Sau đó, ông Kim đem các dụng cụ cưa đục dao ra cắt khoét hình hoa lá trên một miếng gỗ, rồi lại cắt những mảnh vỏ trai đem gắn chặt vào gỗ đã khoét hình. Làm thử thành công, ông Kim bắt đầu khảm trai vào bàn thờ, do đó mà bàn thờ đẹp lên lạ kỳ, ai thấy cũng khen ngợi. Dần dà, các đồ đạc trong nhà từ cái hộp, khay nước, cho đến cột nhà, ông Kim đều đem khảm trai… Bà con trong làng đến chơi đều thích ngắm nghía những đồ đạc được khảm, cùng nhau bàn tán, bình phẩm.
Nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ có từ thời Lý (ảnh tư liệu). |
Thế rồi, họ đi đâu thấy mành trai ốc nào đẹp đều mang về cho ông Kim. Nhiều người đến học hỏi ông cách khảm trai và làng Thuận Nghĩa trở thành làng nổi tiếng làm và dùng đồ khảm trai. Tin đến tai quan trấn thủ Thanh Hóa, hắn cho quân về làng ông Kim, thấy nhiều đồ đẹp thì lóa mắt và muốn cướp hết. Hắn ra lệnh bắt trói ông Kim và kết tội chém đầu. Nguyễn Kim kêu oan, sau được thả nhưng đồ đạc khảm trai đã bị lấy đi hết.
Sợ tên quan kia kiếm chuyện tiếp, Nguyễn Kim bỏ làng, đem vợ con ra bắc, đến làng Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) sinh sống bằng nghề chạm khảm. Ông tiếp tục truyền nghề cho dân làng nơi đây. Sau khi ông mất, nhiều người thợ khảm trai của làng ra Thăng Long làm ăn và mở ra phố Hàng Khay ngày nay. Để tưởng nhớ ông, họ lập đền thờ ở làng Cựu Lâu, tôn ông làm tổ nghề khảm trai xà cừ. Làng Cựu Lâu sau mở phố Tràng Tiền nên đền Cựu Lâu cũng không còn.
Chuyện về ông tổ nghề Nguyễn Kim còn được kể theo cách khác. Có người cho rằng ông không phải họ Nguyễn mà là họ Vũ, vốn theo học chữ, nhưng không đủ sống nên ông lang thang khắp nơi, mò cua bắt ốc, rồi theo thầy địa lý.
Cuối cùng đến làng Thụy Ứng (Thường Tín) học nghề làm lược. Ban đầu ông nghĩ ra cách cẩn thêm mảnh vỏ trai có màu biếc vào chiếc lược cài đầu, về sau làm khảm thêm vào các đồ vật dụng như khay, hộp, từ đó mà hình thành nghề khảm. Đến đời con thì dời ra Thăng Long, nhiều người biết nghề này cũng theo ra đó lập thành nghề, thành phố Hàng Khay…
Miếu thờ ngài Trương Công Thành - một trong những vị Thánh tổ nghề khảm trai Chuôn Ngọ. |
Ngoài ra, cũng có truyền thuyết khác ở làng cho biết, tổ nghề khảm là ngài Trương Công Thành, ông sống dưới thời vua Lý Nhân Tông. Ông vốn là một tướng tài, có nhiều công lao dẹp giặc ngoại xâm. Làm quan một thời gian, ông lui về ở ẩn. Ông thường xuyên đi kiếm vỏ trai về khảm những đồ thờ cúng.
Năm 1099, trước khi mất Đức Trương Công Thành đã truyền nghề khảm trai lại cho người dân thôn Ngọ. Rồi từ đó, nghề khảm trai tiếp tục phát triển thêm khảm sơn mài và được truyền rộng ra nhiều làng trong xã Chuyên Mỹ cùng một số vùng khác, đem lại sinh kế và vinh hoa phú quý cho muôn đời.
Ngay cả các lão nghệ nhân trong làng cũng không biết ai là tổ nghề thực sự. |
Chưa ai có thể khẳng định Trương Công Thành, Nguyễn Kim hay Vũ Kim là tổ nghề thực sự của nghề khảm ở Chuyên Mỹ. Song cả ba câu chuyện về những ông tổ nghề này đều cho thấy họ đã có công phổ biến, truyền dạy nghề cho nhân dân.
Nghề khảm trai từng được sử sách ghi chép đã xuất hiện ở nước ta từ lâu, trước cả thời Nguyễn Kim và thời Lý. Từ thời Bắc thuộc, khoảng thế kỷ III - V, đồ khảm xà cừ của ta đã có tiếng, được sử sách Tàu ca ngợi là những báu vật.
Đến thời nhà Trần, kỹ thuật khảm đã tinh vi trên nhều chất liệu như gỗ, sừng, ngà, đồng… Những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ cho thấy nghề này còn phát triển trong Nam, Chiêm Thành… Những điều đó cho thấy nghề khảm trai đã có truyền thống lâu đời.
PGS.TS Đỗ Thị Hảo trong sách “Chuôn Ngọ, làng khảm trai truyền thống” lại cho biết, làng Chuôn Ngọ có ngôi đình làng thờ Trương Công Thành làm thành hoàng. Sự tích được viết trong bản thần tích hiện còn thì ông là người làng Ngọ, sinh ra đã khôi ngô tuấn tú, diện mạo lạ kỳ, thi đỗ Thái học sinh rồi đỗ tiếp khoa Bác học hoành từ, được Lý Đạo Thành gả con gái là Lý Tố Nương.
Dù bản thần tích không ghi rõ về việc truyền nghề của Trương Công Thành, song người dân Chuôn Ngọ hết thảy cho rằng vị tổ nghề khảm của họ chính là ngài.
Nức danh làng nghề Chuôn Ngọ
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, không có nhiều tư liệu ghi chép lại các bước hình thành và phát triển của làng nghề khảm trai Chuôn ngọ. Song, từng thế hệ người dân nơi đây hết đời này qua đời khác vẫn lưu truyền nghề quý xuyên suốt qua bao thế kỷ. Từ những mảnh vỏ trai, vỏ ốc vô hồn, trải qua quá trình chế tác tỉ mỉ, khéo léo, nghệ nhân làng Chuôn Ngọ đã cho ra những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đẹp mắt.
Nghệ nhân Trần Bá Dinh, người đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” bật mí rằng, nét nổi bật của tranh khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng và được gắn xuống gỗ rất khít. Chi tiết trang trí trên khảm trai rất sinh động, đặc sắc, đường nét sắc sảo, phối màu đẹp, rõ ràng và rất có hồn, khác hoàn toàn nơi khác.
Điều này có được là nhờ việc các nghệ nhân làng Chuôn Ngọ khi chế tác các chi tiết sẽ ghép nổi tạm thời như tranh hoàn chỉnh trên gỗ. Sau đó, thợ sẽ lấy bút chì vẽ đường viền của các chi tiết gắn tạm trên mặt gỗ, tiếp đến, thợ khắc sẽ khắc vỏ trai lõm xuống gỗ, phần khắc lõm sẽ được bôi keo, gắn các chi tiết vỏ trai.
Hộp khảm trai triều Nguyễn trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Nhiều người cho rằng, làng Chuôn Ngọ là đất tổ nghề nên có gì đó bí truyền khó lý giải. Có nhiều nghệ nhân nơi khác đến làng học nghề nhưng chỉ làm được một phần nào, trình độ họ không đặc sắc bằng người sinh ra tại làng. Những người sành chơi đồ khảm họ chỉ cần nhìn vào sản phẩm là biết những sản phẩm chỉ có người làng Chuôn Ngọ mới làm được.
Để có một sản phẩm khảm trai, nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn, nghệ nhân đều phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Chỉ màu của người thợ thêu, thuốc vẽ, sơn màu là chất liệu của người họa sĩ, còn đối với người thợ khảm Chuôn Ngọ thì vỏ trai, vỏ ốc chính là chất liệu nghề nghiệp của họ.
Vỏ trai có nhiều loại: trai cánh mỏng vỏ, sẫm màu, trai thịt trắng có vỏ dày, trai nứa trắng và mỏng mình, trai Nông Cống có nhiều vân và thâm thịt. Ốc bể có loại ốc xà cừ, xuất hiện nhiều ở vùng Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết... Hến bể lại có loại vỏ xác, có chất trắng như tuyết, dùng để khảm “diện” trong khảm chân dung, lại có cả màu vàng để cẩn hình cành cúc.
Nghệ thuật công phu, tinh tế
Ngày nay, nguyên liệu khảm trai ở Chuôn Ngọ không chỉ có vỏ trai, vỏ ốc trong nước mà còn nhập ngoại từ Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Indonesia... nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là trai ngọc môi vàng. Vì trai này thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày, màu óng ánh như sắc cầu vồng. Ngoài ra, ốc đỏ là nguyên liệu đặc biệt quý hiếm với làng khảm, vì nó có màu sắc rất đẹp, sang trọng, thường dùng để làm những cảnh núi non, cánh phượng, cánh công, hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm của vua chúa trong các bức khảm.
Từ chất liệu vỏ trai, người thợ khảm phải dùng nhiều công sức để hoàn thành một tác phẩm tranh khảm. Các khâu trong khảm gồm: sáng tác bản vẽ, mài, cưa, đục mảnh; hạ mặt tranh khảm; mài, đánh bóng mặt khảm. Trước đây, chủ đề trong các bức khảm thường là lựa từ các tích ở truyện Tam Quốc diễn nghĩa, Văn Vương cầu hiền, Giang Tả cầu hôn… hay khảm theo các mẫu ước lệ như tùng, trúc, cúc, mai, ngư, tiều, canh, độc. Về sau, đề tài có thêm các danh lam thắng cảnh của đất nước như chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Văn Miếu, khảm chân dung lãnh tụ Lê-nin, Hồ Chí Minh…
Khi đề tài được xác định, người nghệ nhân sẽ sáng tác bản vẽ. Với cây bút chì, người thợ vẽ ngay trên những miếng vỏ trai như thể đã thuộc nằm lòng. Khâu mài, cưa, đục các mảnh là khâu nặng nhất. Đối với mỗi mảnh vỏ trai, nghệ nhân gạn lọc được khoảng 3-4 miếng, nếu vỏ trai bị cong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn cho thẳng. Vỏ đều phải chẻ, dóc thành miếng. Vỏ của ốc xà cừ dễ chẻ hơn vì có thớ, khi đục phải theo thớ, có khi thớ này rất mờ, phải tinh mắt mới thấy, đục phải khéo nếu không sẽ bị vỡ.
Công đoạn mài miếng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn cao. Mài đến độ gần phẳng mới hơ lửa uốn, dùng đá ráp để mài, cho đến khi phần vỏ ngoài mòn hết và chỉ còn trơ lại lớp xà cừ. Độ dày mỏng của vỏ trai, vỏ ốc là khác nhau, do đó cần mài bằng tay mới đảm bảo được như ý, các loại máy móc chưa thay thế được bàn tay thủ công trong công đoạn này.
“Đã từng có nhà tư sản người Pháp mở xưởng khảm trai ở Nam Định trước Cách mạng Tháng Tám, dùng máy mài vỏ trai, nhưng bị thất bại”, nghệ nhân Trần Bá Dinh cho hay. Muốn được một miếng trai như ý, người thợ mài dùng cái cưa lưỡi nhỏ, giũa nhỏ và dẹt cùng dao tách trổ, cái cặp miếng trai, kiên nhẫn, tỉ mỉ để tạo ra hàng trăm ngàn mảnh hình khác nhau. Khi đã cưa đục các mảnh miếng của bức tranh, họ khảm và đục những mảng hình lên mặt hộ, người thợ hạ mặt tranh khảm, dùng sơn ta cẩn gắn vào mặt gỗ, lúc này bức tranh sinh động, lung linh dần hiện ra.
Mài mặt khảm và đánh bóng sẽ là khâu cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm. Việc mài cũng không hề đơn giản, phải có óc nghệ thuật khi dùng sơn hòa với nhọ đèn miết lên mặt tranh khảm rồi mài, sao cho phần trên mặt trai phẳng lỳ nhưng vẫn giữ được nét khắc chìm. Khi mài xong thì đánh bóng bằng cách lấy giấy ráp loại cát mịn chấm vào thuốc hoặc vôi bột mà đánh.
Mặt trai muốn bóng và không bị xước thì dùng lá ngái và vôi bột cho vào lòng bàn tay xoa thật đều lên mặt tranh khảm. Trong các loại gỗ dùng để khảm, gỗ trắc được ưa chuông nhất vì thớ của nó mịn và rắn chắc. Màu nền của gỗ có ánh đỏ, hồng, đối màu với các họa tiết trai ốc tạo nên màu sắc tương phản nổi bật rất đẹp mắt.
Sau này, cùng với kỹ thuật ghép tam khí ở Đại Bái (nay là huyện Gia Bình và huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) thì xuất hiện thêm các sản phẩm khảm trai trên đồng, rồi muộn hơn nữa là khảm trai trên đồi mồi.
(Kỳ 2: Khi khảm trai Chuôn Ngọ xuất ngoại)