Văn hóa đặc sắc một thời nay còn đâu?
Người Cao Lan đang đứng trước nguy cơ thất truyền văn hóa dân tộc. Các nghề thủ công dệt vải, đan lát, nông – công cụ độc đáo đã bị bỏ hoàn toàn. Tiếng nói, chữ viết, hát sình ca, điệu múa truyền thống, trang phục, phong tục cưới hỏi đang dần biến mất trong cuộc sống của người Cao Lan. Các kho truyện cổ, tư liệu nghiên cứu, sách đọc về văn hóa dân tộc đang bị thất truyền. Hiện tại, người Cao Lan hiện chỉ giữ nguyên tục thờ cúng tổ tiên.
Làng Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn là một làng văn hóa dân tộc Cao Lan điển hình ở tỉnh Tuyên Quang. Người Cao Lan đã định cư ở đây hơn 200 năm. Nhưng khi đến Giếng Tanh, người ta không nhận ra dấu ấn của một ngôi làng cổ của dân tộc Cao Lan. Nhà sàn, nông cụ, nghề dệt nay chỉ còn lác đác trong một số xóm của làng. Khan hiếm gỗ và sự bất tiện trong sinh hoạt khiến người trong làng dần bỏ nhà sàn truyền thống. Hiện nay, làng chỉ còn 2 căn nhà sàn.
Trò chuyện với người trông coi đình làng Giếng Tanh, ông Trần Văn Thành (62 tuổi) nuối tiếc cho biết: “Để giới thiệu về văn hóa Cao Lan, tôi phải mất một ngày mới nói hết. Đáng tiếc thay thế hệ trẻ bây giờ không còn tha thiết với văn hóa Cao Lan nữa. Nghề thủ công như dệt vải cũng không còn. May mắn có nhà ông Sáng trong làng Giếng Tanh vẫn còn lưu giữ khung cửi để se chỉ, đó có thể là khung cửi duy nhất sót lại trong làng”.
Bàn thờ của người Cao Lan |
Về tục cưới xin, người Cao Lan không có tư tưởng gả chồng cho con sớm. Nét đặc sắc trong phong tục cưới hỏi ở dân tộc này là hát sình ca. Sau các cuộc hát sình ca tìm hiểu nhau, người con trai về báo cáo với cha mẹ về địa chỉ cô gái mình yêu. Thuận vợ, thuận chồng, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ một ông mối (ông mòi) đi dạm lễ trầu cau, gọi là hoi mạc.
Trong lễ cưới của người Cao Lan, ông mối giữ vai trò đặc biệt, có ý nghĩa quyết định như: ngủ lại ở bản nhà gái để nghe ngóng, đem lá số về cho nhà trai, sửa lễ gá bạc, gánh lễ vật… Trong đám cưới, nhà gái chặn đường nhà trai, thách đố hát sình ca. Họ thậm chí có thể hát cả ngày và thực hiện nhiều nghi lễ cổ truyền như giã bánh dày, làm buồng mới cho cô dâu, giăng lụa đỏ đón nhà trai... Người Cao Lan tuyệt đối không mặc áo trắng trong lễ cưới. Nhưng ngày nay tục đưa đón dâu cổ truyền đã lược bỏ nhiều nghi lễ, đám cưới của người Cao Lan đã gần giống người Kinh. Bây giờ thanh niên bỏ tục hát sình ca, thay vào đó là hát karaoke.
Đáng báo động, phần lớn trẻ con, thanh niên Cao Lan không còn nói được tiếng, viết được chữ của dân tộc mình. Ông Thành cho hay: “Tôi hay bảo với các cháu, nếu có điều kiện hãy làm cái nhà sàn, sưu tầm dụng cụ của dân tộc Cao Lan để lớp trẻ biết đến cối xay gạo, cái dậu thời chúng tôi. Khi xưa các cụ vẫn hay kể cho tôi nghe những câu chuyện, bày trò chơi cho tôi biết. Trẻ con bây giờ còn không biết nói tiếng dân tộc thì sao biết đến những thứ khác. Như con cháu tôi bây giờ bắt chước tiếng nói không đúng. Chúng bảo khó quá, không học được. Trò chơi dân gian như đánh quay, tung còn hay hát sình ca chúng lại càng chịu”.
Ông Sầm Văn Dừn bên những cuốn sách sình ca cổ. |
Buồn thay, lớp người Cao Lan kế cận đang thực sự lạ lẫm với làn điệu sình ca, nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc. Thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương cũng được biết đến là một bản cổ của nhóm người Cao Lan du cư đến Tuyên Quang. Đến nay, bản đã có tới 7/8 thế hệ, với 95% người Cao Lan sinh sống. Trong thôn, ông Sầm Văn Dừn, người được nhận rất nhiều Bằng khen, Giấy khen, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Cao Lan cũng đau xót cho biết: “Để hát được sình ca, người hát phải hiểu ngôn ngữ. Ví dụ khi tôi hát một đoạn, tôi phải dịch, giải nghĩa thành tiếng Việt phổ thông thì các cháu mới hiểu được. Chúng tôi muốn truyền đạt cho các cháu nhưng tôi không thể làm thế nào để các cháu ham học văn hóa dân tộc mình. Khi chúng không hiểu nghĩa, không nói được thì việc bảo tồn sình ca cũng rất khó khăn”.
Đi tìm lời giải cho bài toán khó
Về mặt khách quan, thế hệ trẻ người Cao Lan đang sống và học cùng nhiều đồng bào dân tộc khác. Hiển nhiên, việc giao tiếp bằng tiếng Việt phổ thông khiến chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình bị lấn át. Mặt khác, thế hệ trẻ kế cận không chú ý việc nối dõi truyền thống văn hóa, vì đa số đều muốn lập nghiệp trên thành phố lớn. Sự ham thích tiến bộ là nguyên nhân chính ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa dân tộc của người Cao Lan. Những điệu múa, trò chơi truyền thống giờ chỉ còn trong ký ức các già làng do thanh niên yêu thích những trò chơi hiện đại như bạn bè cùng trang lứa.
Cụ Hoàng Trường Vinh bên tư liệu cổ của người Cao Lan |
Thêm vào đó, dân tộc Cao Lan cũng đang thiếu những người am hiểu và lưu giữ những tài liệu. Nếu các thầy cúng trẻ không được đào tạo thì sớm muộn tín ngưỡng của dân tộc cũng mất dần. Cụ Hoàng Trường Vinh (92 tuổi) là thầy cúng và cũng là chủ tế của lễ hội đình Giếng Tanh. Năm nay đã ngoài 90, sức khỏe của cụ không còn tốt nữa, do đó cụ không còn hành nghề cúng nhiều năm. Tuy nhiên cụ được coi là kho tàng sống của làng Giếng Tanh khi có đến hơn trăm cuốn sách bằng chữ Hán, chữ Nho, nhiều trang phục của thầy cúng, dụng cụ cúng và sản phẩm thủ công của người Cao Lan. Nhưng đến nay, bộ sưu tập đó vẫn nằm im trong tủ nhiều năm và không được dịch ra tiếng phổ thông hay có người kế cận nghiên cứu.
Những người nghiên cứu văn hóa Cao Lan như cụ Vinh, ông Dừn luôn mong mỏi tìm người chia sẻ, lưu giữ kho tàng của họ. Ông Dừn tâm sự: “Tôi rất muốn có người biết chữ Nho đến sao chép và nghiên cứu những tài liệu tôi sưu tầm cả đời. Thế hệ tôi yêu văn hóa của dân tộc mình mới có tâm huyết với sình ca, với tiếng nói dân tộc Cao Lan. Nhưng rồi đây nếu không được lưu truyền về sau, thế hệ con cháu không còn biết đến tiếng nói dân tộc thì có bao nhiêu tài liệu cũng thành vô dụng. Tôi rất mong có thể đưa những tài liệu cổ vào bảo tàng để gìn giữ nó và có những người sẵn sàng nghiên cứu thì văn hóa Cao Lan mới thoát khỏi nguy cơ mất gốc”./.