Không đúng với tinh thần giáo dục
Luật sư Huế viện dẫn điều 25 – Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, vì thế bất cứ ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình thông qua các hình thức khác nhau và trên các trang mạng xã hội.
Việc nhà trường cho rằng học sinh vi phạm điều 41 Thông tư số 12/2011/TT-BGD&ĐT, cụ thể là “Có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười trên mạng xã hội Facebook”, theo Luật sư Huế thì nhận định này chưa đúng với tinh thần của Thông tư 12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, Điều 41 của thông tư ghi rõ: “Các việc học sinh không được làm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác…”
“Thông tư số 12/2011/TT-BGD&ĐT với mục đích Ban hành về điều lệ trong các trường phổ thông vì thế nó tập trung hướng đến chủ thể là học sinh, cán bộ, giáo viên đang làm việc, học tập trong môi trường giáo dục phổ thông chứ không phải để bảo vệ các mối quan hệ hay các chủ thể khác”, Luật sư Nguyễn Danh Huế phân tích.
Ngoài ra, theo quan điểm của luật sư này thì, việc Ban giám hiệu trường THPT Kiến Tường (tỉnh Long An) căn cứ vào Khoản 1, Điều 1, Thông tư 12/2011/TT- BGD&ĐT để xử lý về hành vi trên là không hợp lý. Bởi vì điều khoản này thể hiện rõ việc học sinh không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” hay “xâm phạm thân thể ” nhưng việc học sinh bày tỏ quan điểm của mình hoàn toàn không phải là các hành vi trên.
“Có thể nói bệnh viện cũng là bên bán hàng (bán sản phẩm dịch vụ) và bệnh nhân là khách hàng (mua sản phẩm dịch vụ). Khi khách hàng không hài lòng thì họ hoàn toàn có quyền phản ánh hay bày tỏ ý kiến về quan điểm của mình đối với sản phẩm họ mất tiền để mua. Trong trường hợp này phía bệnh viện cần tìm hiểu thấu đáo, nếu những ý kiến của học sinh đó có căn cứ thì cần cầu thị, xem xét lại việc cải thiện chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn”, Luật sư Nguyễn Danh Huế chia sẻ.
Quyết định vội vàng, thiếu thuyết phục
Theo quan điểm của Luật sư Huế thì, việc xử lý của nhà trường trong vấn đề này tỏ ra quá vội vàng và thiếu thuyết phục, rất dễ làm tổn thương đến học sinh.
“Học sinh bày tỏ ý kiến của mình về một vấn đề cá nhân là chuyện bình thường, kể cả trong trường hợp những ý kiến đó sử dụng ngôn từ không đúng mực thì nhà trường cũng cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, góp ý, nhắc nhở để học sinh rút kinh nghiệm. Bên cạnh việc là nơi trang bị kiến thức thì nhà trường là nơi giáo dục về nhân cách đạo đức cho học sinh, vì thế những ứng xử của nhà trường đối với học sinh của mình phải xuất phát từ mục tiêu giáo dục và tính nhân văn sâu sắc”, luật sư Huế chia sẻ.
Trước đó vào ngày 5/3/2017, em P.T.T, học sinh lớp 12, trường THPT Kiến Tường (Long An) đăng tải lên trang cá nhân của mình trên facebook đoạn status (trạng thái) với nội dung: “Nói thật, thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi”.
Sau đó một ngày, nhà trường đã mời em T lên làm việc về nội dung status trên, và học sinh này đã xóa status ngay sau đó. Tuy nhiên đến ngày 16/3, hiệu trưởng trường THPT Kiến Tường đã ký quyết định xử phạt học sinh T với hình thức khiển trách, và hạ hạnh kiểm học sinh này xuống hạng trung bình.
Sau khi dư luận phản ứng, ngày 2/6/2017, trao đổi với báo chí, cô Nguyễn Thị Thảo, hiệu trưởng trường THPT Kiến Tường cho biết hội đồng đánh giá hạnh kiểm nhà trường đã tổ chức bỏ phiếu đánh giá lại hạnh kiểm đối với học sinh P.T.T. Kết quả 17/18 phiếu đồng ý xếp loại hạnh kiểm khá đối với học sinh này.
“Cần nói thêm là bên cạnh việc bị kỷ luật, em T. cũng đã có thêm một số sai phạm về nội quy của nhà trường như vắng học, đi trễ, có thái độ chưa chuẩn mực đối với giáo viên... Tuy nhiên, trước khi bỏ phiếu, tôi cũng có ý kiến với hội đồng đánh giá hạnh kiểm cần đánh giá theo hướng nhân văn hơn để tạo cơ hội tốt nhất cho T. trước ngưỡng cửa cuộc đời”, cô Thảo thông tin thêm.
Trong khi đó, theo mẹ em T, bà không đồng ý việc con mình bị xếp loại hạnh kiểm khá.
“Con tôi học giỏi từ xưa đến giờ, tự nhiên năm cuối cấp, học lực được 8,7 mà bị hạnh kiểm như thế, nói thiệt tôi rất đau lòng”, bà này bày tỏ.
Theo mẹ của T, trong suốt quá trình học hành của con, vợ chồng bà luôn theo dõi rất kỹ. T chỉ có một buổi vắng lao động tập thể và vắng phụ đạo, ngoài ra không nghe nhà trường phản ảnh vi phạm gì hơn.
“Tôi cũng nhìn nhận là con phát ngôn như thế là không nên, nó có lỗi thì phải biết tự sửa chữa, nhưng tôi không ngờ từ một lỗi như vậy và nó đã đi xin lỗi rồi, vẫn bị lôi ra hội đồng kỷ luật của nhà trường”, bà này kể.
Theo mẹ T, học lực cả năm nỗ lực được 8,7 điểm, nhưng với hạnh kiểm trung bình vừa qua, T chẳng được danh hiệu gì ở năm học cuối cấp.
“Con tôi buồn và sốc hết mấy ngày”, bà kể thêm và cho biết sẽ tiếp tục phản ánh với nhà trường nguyện vọng của gia đình trong buổi làm việc với nhà trường tới đây.