Tuy nhiên, ngay tại môi trường học đường, dường như với quan niệm khi thầy luôn đúng, học sinh luôn sai, phụ nữ luôn phải phục tùng đàn ông… đã không mấy đổi thay trong cuộc sống hiện đại.
Tự vẫn ngay tại lớp học
Những ngày qua người dân tỉnh Vĩnh Long không khỏi hoang mang lo lắng, xôn xao trước trường hợp một học sinh lớp 8 uống thuốc trừ sâu tự vẫn ngay tại lớp học. Đó là em Huỳnh Anh Pha (14 tuổi, học lớp 8, Trường THCS Trà Côn, xã Trà Côn).
Hôm đó, khoảng 6 giờ sáng ngày 15/11, em Pha mặc quần áo chỉnh tề, trước khi đi, bà nội Pha còn hỏi cháu: “Mẹ có cho tiền không, bao nhiêu”?, Pha đáp lại: “Mẹ con có cho 11.000 đồng để bỏ túi mua bánh, nước mía”. Tuy nhiên, hơn nửa tiếng sau đó, gia đình em Pha nhận được hung tin từ phía Trường THCS Trà Côn là em Pha đã uống thuốc sâu tự tử và bảo gia đình đến phụ đưa đi cấp cứu.
Khi đến bệnh viện, các bác sĩ đã kiểm tra và rửa ruột cho em Pha. Sau 3 ngày tích cực điều trị, em Pha đã tỉnh dậy, hồi phục sức khỏe và tâm sự với người thân về việc làm nông nổi của mình. Và gia đình đã giật mình khi Pha cho biết, mình uống thuốc sâu tự tử là do thầy giáo hăm dọa sẽ mời gia đình đến trường để thông báo đuổi học.
Pha cho hay, một thầy giáo dạy ở khối lớp khác, có đến sinh hoạt với lớp khoảng 15 phút đầu giờ. Cũng trong thời gian người thầy này nói chuyện trên bục giảng thì phía dưới lớp, em Pha có trả lời với mấy bạn khi được hỏi thì bị thầy phát hiện và la rầy.
“Con tôi nói thầy giáo hăm dọa sẽ gửi giấy mời phụ huynh đến thông báo đuổi học, dọa sẽ nhốt con tôi vào phòng sinh hoạt đội tới chiều mới mở cửa cho về và còn dọa nhiều thứ nữa. Nó uống thuốc sâu là vì sợ thầy đuổi học”, bà Dung, mẹ phụ huynh cho biết.
Mới đây nhất, một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với một học sinh lớp 6. Ngày 30/11, Công an huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: Công an huyện này đang tiến hành làm rõ vụ một học sinh lớp 6 tại Trường THCS An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung) uống thuốc độc tử tử vì cho rằng bị cô giáo mắng sai.
Anh Phạm Ngọc Thanh (SN 1981) cho biết, vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 28/11, con trai anh là cháu Phạm Nguyễn Thành Long, đi học về, vào nhà lấy một chai thuốc diệt cỏ uống. Theo anh Thanh, suốt quãng đường từ Sóc Trăng lên TP.Hồ Chí Minh, cháu Long luôn nói: “Cô Cẩm Vân rầy oan con”.
Gia đình hỏi thì được một số bạn trong lớp cho biết: Sáng ngày 28/11, trong giờ Vật lý của cô Cẩm Vân, bàn của cháu Long có 3 bạn ngồi, các bạn chuyền nhau tờ giấy mà không chú ý nghe giảng nên cô Cẩm Vân la rầy.
Cô Lê Thị Cẩm Vân cho biết, đúng là giờ học hôm đó cô có nhắc nhở Long nhưng em có lời lẽ gay gắt, có biểu hiện vô lễ nên cô ghi vào sổ đầu bài, đồng thời yêu cầu ngày mai (29/11), Long phải xin lỗi cô trước mặt Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ lớp. Sau khi hết buổi học, cháu Long về nhà lấy thuốc diệt cỏ uống dẫn tới tử vong.
Vợ chồng anh Thanh bên bàn thờ bé Phạm Nguyễn Thành Long |
Trên đây chỉ là một trong số không nhỏ những sự việc đáng tiếc đang diễn ra trong các trường học. Bà Lê Quỳnh Lan, quản lý Văn phòng vùng Hà Nội, Tổ chức Plan cho biết: Qua khảo sát đối với 3000 học sinh ở 30 trường THCS và THPT tại Hà Nội, khoảng 80% học sinh bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần trong đời và hơn 70% cho biết mình bị bạo lực trong vòng 6 tháng lại đây.
Đối với con số ít nhất bị bạo lực một lần trong đời có 73% em bị bạo lực tinh thần, 41% em bị bạo lực thể chất, 19% em bị bạo lực tình dục ở trường. Và trong thời gian gần đây, 65% các em cho biết bị bạo lực tinh thần, 31% học sinh bị bạo lực thể chất và 11% các em bị bạo lực tình dục.
Qua trải nghiệm, hầu hết các em học sinh (HS) cho biết, các em bị bạo lực thể chất là do giáo viên, cán bộ trường học, bạn học…Về phía các thầy cô cho rằng, do HS chưa ngoan thì bị phạt. Và mặc dù bị bạo hành nhưng phần đa HS không có phản ứng hoặc nói chuyện với phụ huynh vì không muốn “rối rắm” thêm.
Ông Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS) cho biết: bạo lực giới trong trường học (BLGTH) gây tổn hại tình dục, thể chất em gái, em trai: hiếp dâm, bắt nạt bằng lời nói ở trường học, trên đường đi học,...
Có 4 hình thức BLGTH: bạo lực giới bằng thân thể (tát, xô đẩy, kéo tóc, đánh đập, đe dọa bằng dao và vũ khí); quấy rối và xâm hại tình dục (có cử chỉ tục tĩu, ép buộc tình dục, huýt sáo…); bạo lực tinh thần (tẩy chay, đánh giá ngoại hình, nhốt trong nhà vệ sinh,...)…
Cũng theo bà Lê Quỳnh Lan, có tới hơn 30% em gái đi học bằng xe buýt bị quấy rối tình dục, lấy đồ. Về trang phục, nhiều phụ huynh cho rằng, ăn mặc hở hang dẫn đến bị quấy rối... bà Lan cho rằng cách quan niệm này phải được thay đổi. Vấn đề là do những người đi quấy rối chứ không phải do các em ăn mặc.
Và “ sự im lặng của bầy cừu”
Điều dễ nhận thấy, luôn có một cái nhìn lệch lạc khi trong một lớp học các thầy cô luôn chỉ yêu mến những đứa trẻ học giỏi, thông minh mà hắt hủi những đứa trẻ “hơi chậm” một chút. Và trong một gia đình thì những đứa con thông minh vẫn thường được phụ huynh cưng chiều hơn?
Và khi chính các thầy cô còn cho rằng đàn ông có quyền quyết định mọi việc, phụ nữ chỉ lo bếp núc, làm tốt phận sự của mình thì đâu đó vẫn còn các thầy, các cô cho phép mình bạo hành với những đứa trẻ chỉ vì chúng “học ngu” hay “dám cãi lại thầy cô”.
Khi nào còn quan niệm “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” sẽ còn là nguồn gốc của bạo hành trong nhà trường và trong gia đình nếu chúng ta còn cổ vũ nó hay dung túng nó.
Theo bà Trịnh Thị Mai Anh (Tổ chức Plan), tại Việt Nam, các cấp quản lý không thực sự công nhận có bạo lực giới trong trường học, hoặc báo cáo miễn cưỡng một số trường hợp để tránh gây sự chú ý, việc này tạo ra một phông văn hóa miễn tội. Cha mẹ thường ngại báo cáo vì họ sợ mất chỗ học của con hoặc lo con bị kì thị…
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, những câu chuyện đau lòng trong nhà trường đang phản ánh một thực tế từ những điều đẹp đẽ đang mất đi. Khi mà ngay trong gia đình, chồng đánh vợ, vợ giận chồng “cắt của quý”, giận vợ hay giận chồng là trút giận lên những đứa con bé bỏng.
Và người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất là những đứa con. Sự chán nản không chỉ khiến các em bỏ bê học hành, buông thả, dễ dàng dẫn đến trầm cảm hay các rối loạn tâm thần với các mức độ khác, dẫn đến nhiều em đối xử hung hãn với người xung quanh.
Đồng thời, những hiện tượng về bạo lực, tính giả dối hay sự không chung thủy khiến con người ngày càng mất niềm tin vào nhau. Người ta đã không còn không dám dừng chân giữa đường để đưa bà lão qua đường vì sợ bị mọi người mắng là cản trở giao thông hay sợ bị giật đồ, cướp xe...
Sự nghi ngờ mang tính cộng đồng dẫn đến sự thay đổi giá trị nơi cá nhân. Những giá trị về lòng nhân ái, tính vị tha được ông cha ta dạy dỗ, lưu truyền thì giờ đây giới trẻ sợ bị lợi dụng nếu áp dụng triệt để những giá trị ấy…
Và chính sự im lặng trước cái ác, trước những điều vô cảm từ người lớn đang vô tình cổ súy cho cái ác nảy sinh. Nhà văn Nguyên Ngọc bày tỏ, tội ác ngày càng thản nhiên là bởi con người không có khả năng tự sự, tức khả năng kể chuyện, tưởng tượng, liên tưởng về những hậu quả do hành động của mình gây ra.
Một nền giáo dục mang đến cho con người khả năng tự sự ắt hẳn không phải là nền giáo dục rập khuôn của văn mẫu, của những quy định nhân danh bình đẳng trường học nhưng thực chất lại triệt tiêu cá tính, sự khác biệt.
Sự rập khuôn ấy không chỉ tước đoạt khả năng tự sự để trở thành người tử tế của học sinh mà còn làm tê liệt tư duy, dạy học sinh sự dối trá. Các em không được nói, được viết những điều mình nghĩ. Vì thế, có một mâu thuẫn là các em sẽ làm điều mình nghĩ hay điều mình nói, mình viết?
Rồi nữa, những hành động phản cảm của thầy cô khi họ không kiềm chế được xung đột dù ở trong hay ngoài nhà trường đều chỉ gây ra những phản ứng ngược và hậu quả khôn lường. Bởi mỗi học trò là mỗi con người khác nhau mà ở đó người thầy cũng như những người nghệ sỹ, họ chỉ có thể tới với các em bằng chính trái tim và sự tôn trọng những con người và những cá thể riêng biệt…
Cùng với đó, gia đình không thể đứng ngoài những nỗi đau và sự hoang mang khi các con rơi vào khủng hoảng mà họ không hay biết. Và dẫu ở hoàn cảnh nào, xin đừng để cái ác rơi vào thinh không…
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com