Nằm khuất giữa những vạt rừng nơi lưng chừng núi có một xóm nghèo tồn tại, tách biệt với cuộc sống nhộn nhịp của vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa). Mấy đời sống tạm bợ trong những túp lều căng dây, khi vừa dành dụm cất được căn nhà “kiên cố” bằng tre nứa, họ lại bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ.
Nhà xấu phải dỡ?
Ngọn núi Hòn Rớ phía sau con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu là nơi sinh sống của những hộ dân nghèo thôn Thành Đạt (xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa). Người dân quẩn quanh bám trụ qua ngày trong những túp lều tuềnh toàng, nhếch nhác.
Trên diện tích hơn 1ha là đất ở gắn với mồ mả tổ tiên dòng họ của sáu hộ nghèo, bao gồm: ông Phạm Tấn An (SN 1962), anh Phạm Vinh Quang (SN 1988), ông Bùi Văn Mỹ (SN 1963), anh Nguyễn Đình Túc (SN 1981), anh Nguyễn Hữu Lam (SN 1979), bà Ngô Thị Tuyết Hằng (SN 1977). Tuy nhiên, những hộ dân này đang như ngồi trên đống lửa vì nguy cơ không chốn nương thân do chính sách của chính quyền UBND xã Phước Đồng.
Theo người dân trình bày: Nguồn gốc đất tại khu vực Hòn Rớ đều là đất khai hoang từ sau năm 1975, đến năm 1995 được chính quyền xã xác nhận là đất khai hoang dùng để làm vườn. Đất được các hộ dân trong vùng đều do mua bán tay hoặc cha mẹ để lại cho con cái. Trên vùng đất đồi núi này, các gia đình cất nhà để ở, sống ổn định và không có tranh chấp từ mấy chục năm nay.
Vào năm 1997, Nhà nước có chủ trương lấy đất làm khu đô thị Hòn Rớ, các hộ dân trong diện quy hoạch được bồi thường và cấp đất tái định cư. “Cũng từ đó mà cuộc sống của người dân xóm núi đỡ vất vả hơn”, một người dân cho hay.
Đến năm 2011, UBND TP. Nha Trang chủ trương xây dựng Khu biệt thự Nha Trang, tiếp tục thu hồi đất và cấp tái định cư cho các hộ trong vùng quy hoạch. Người dân xóm núi cứ chuyển dần đi nơi khác sinh sống, những hộ còn lại sống rải rác từ chân núi lên đến lưng chừng núi. Đây cũng là những hộ dân nằm ngoài khu quy hoạch, trong đó có sáu hộ dân kể trên, nằm sát ngay khu biệt thự đang trong quá trình xây dựng.
Đầu năm 2012, sau nhiều năm làm lụng tích cóp, các hộ dân cất nhà bằng tre nứa, quây bạt và lợp tôn để ở. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng có chỗ chui ra chui vào khiến những con người nghèo khổ yên tâm an cư lạc nghiệp.
“Vào ngày 17/10/2013, UBND xã Phước Đồng cưỡng chế phá bỏ các căn nhà do sáu hộ dân chúng tôi tốn bao công sức dựng nên. Chính quyền cho rằng sáu hộ chúng tôi xây dựng không có giấy phép, không đúng mục đích đất sử dụng.
Tuy nhiên, cùng trên một mảnh đất có nguồn gốc khai hoang, những hộ dân khác lại được xây cất nhà kiên cố mà không bị cưỡng chế. Bao nhiêu năm qua, chưa một hộ dân nào ở khu vực này cất nhà xong lại bị cưỡng chế phá dỡ như chúng tôi”.
Các hộ dân đều cho rằng, nguyên nhân chính quyền “tự dưng” làm như vậy do việc tồn tại sáu căn lều ngay bên cạnh khu biệt thự sẽ gây mất mỹ quan cho khu quy hoạch.
Nỗi niềm xóm núi nghèo đến cùng cực
Sau ngày bị cưỡng chế dỡ nhà bằng tre nứa, người dân dựng những túp lều bằng bạt để tá túc trên nền đất chật chội và ẩm ướt. Những túp lều nằm sát nhau, diện tích chỉ khoảng gần 10m2, chênh vênh giữa lưng chừng núi, dường như chỉ cơn gió nhẹ cũng khiến nơi an cư của các hộ dân bị thổi bay. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, điểm chung là đều nghèo đến cùng cực.
Ông Phạm Tấn An cụt tay chân do căn bệnh tắc tĩnh mạch |
Ông Phạm Tấn An tâm sự: Diện tích đất ông đang ở là do người cha khai hoang sau giải phóng. Cuộc sống nghèo khó lại đông con, 30 năm về trước ông bị bệnh tắc nghẹn tĩnh mạch, phải tháo bỏ và cắt dần khớp chân tay. “Từ đó tôi mất khả năng lao động, quanh năm suốt tháng chỉ ở nhà hoặc làm bạn với bệnh viện. Gánh nặng cuộc sống chỉ một mình vợ tôi gánh vác bằng thu nhập từ số tiền lượm cá dưới cảng. Cũng vì tàn tật, nghèo hèn mà quá nửa đời người, một chỗ ở ổn định chúng tôi vẫn chưa có”, người đàn ông tâm sự.
Nói rồi ông An lo lắng: “Thân mình tàn tật, chỉ mong được cất căn nhà tạm mà chính quyền gây khó dễ. Nếu đúng chủ trương tất cả các hộ gia đình đều như thế thì không một ai thắc mắc. Đằng này chỉ có sáu hộ sát khu quy hoạch mới bị cưỡng chế”.
Gia đình anh Phạm Vinh Quang cũng có hoàn cảnh đáng thương. Diện tích đất dựng lều hiện tại là của cha mẹ anh nhượng lại. Anh lấy vợ cách đây hơn hai năm, có một con trai. Người vợ bị bệnh tim từ nhiều năm, chỉ làm công việc nội trợ trong gia đình. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào số tiền lương lái taxi của người chồng.
Tuy nhiên tiền kiếm ra không thấm vào đâu với những lần đưa vợ đi nằm viện dài ngày. “Con trai tôi đã hơn một năm tuổi nhưng còi cọc, ốm yếu hơn những đứa trẻ khác. Cũng vì cuộc sống thiếu thốn lại ở trong căn lều xiêu vẹo, nhếch nhác nên mắc nhiều chứng bệnh. Những hôm trời mưa gió, tôi phải bế con chạy xuống núi để gửi cho láng giềng, còn vợ chồng thì chọn một góc chòi không bị dột để lánh nạn”.
Anh lo lắng: “Cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy thì gia đình tôi và các hộ khác chắc không thể tồn tại lâu dài. Nhưng ngoài nơi này, các hộ chúng tôi cũng chẳng biết đi đâu để sống nữa”.
Ngay sát khu biệt thự sang trọng đang khẩn trương xây dựng là mấy túp lều rách rưới của các hộ dân nghèo. Trong cái nắng gay gắt của buổi chiều miền Trung, những đứa trẻ con nhếnh nhác nghịch trên bãi rác, có những đứa trẻ chưa một ngày được đến trường, cứ chiều về lại buồn thiu ôm cột cửa chờ cha mẹ đi làm về. Một cuộc sống buồn với những con người khốn khổ, bất an, ẩn hiện trong cánh rừng xa thẳm./.