Đóng kịch như thật
Chị Đỗ Thị Hường, sinh năm 1990, người Nam Định chia sẻ chị bị lừa mà vẫn không hề hay biết cho tới tận khi chị vô tình đọc được thông tin cảnh báo lừa đảo từ công ty tuyển dụng này trên mạng của những người cũng bị lừa giống như chị.
Theo lời Hường, chị đọc được thông tin tuyển dụng từ một trang tìm kiếm việc làm trên mạng, sau đó chị gọi điện cho một người phụ nữ tên Thảo theo số điện thoại được ghi trên tin tuyển dụng. Hường hỏi người phụ nữ này xem công ty của chị ta còn tuyển người nữa không vì chưa kịp chuẩn bị hồ sơ thì chị này bảo chỉ cần mang theo CMTND, còn hồ sơ thì sau khi được nhận việc thì bổ sung sau cũng được.
Hường vội tìm đến địa chỉ công ty này ghi trên tin tuyển dụng là số 4 ngách 553 đường Giải Phóng, Hà Nội với hi vọng sẽ tìm được một công việc tốt. Đến đây, chị nhận thấy đây chỉ là một văn phòng rất nhỏ với diện tích chỉ hơn chục mét vuông nhưng thấy cũng có cả chục người đến ứng tuyển nên chị cũng vững dạ mà không hề nghi ngờ.
Văn phòng tuy nhỏ nhưng có tới tận 3 phụ nữ ngồi tư vấn cho những người đến xin việc. Phỏng vấn chị là người phụ nữ mà chị đã gọi điện hẹn đến từ trước. Sau khi tư vấn về công việc mà Hường định xin làm là bán xăng dầu với mức lương là 8 triệu/tháng và làm từ 6h đến 14h hàng ngày thì người phụ nữ tên Thảo này yêu cầu chị nộp 250.000 đồng.
Hường tỏ ra ngạc nhiên và thắc mắc là trên tin tuyển dụng nói rằng không thu lệ phí xin việc thì được người phụ nữ này giải thích đây là khoản phí làm các thủ tục hành chính và ai muốn xin việc cũng đều phải nộp trước khi được giới thiệu đến nơi nhận việc.
Để tạo thêm lòng tin đối với Hường, người phụ nữ này còn bảo Hường hãy cứ yên tâm, nếu bên đối tác không nhận chị vào làm thì chị sẽ được hoàn trả lại số tiền mà chị đã nộp và còn nói rằng mọi thông tin của chị đã được lưu lại trên máy tính và sẽ chuyển thẳng đến bộ phận tiếp nhận công việc.
Người này bảo nơi Hường đến nhận việc là văn phòng tại số 9 ngách 335 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Và chị ta cũng không quên dặn Hường phải đến luôn trong buổi sáng cùng ngày và đến đó sẽ nộp cho bộ phận tiếp nhận 100.000 đồng để làm thẻ nhân viên.
Hường lại tiếp tục tìm đến nơi được giới thiệu và đến đây lại một lần nữa Hường bất ngờ vì văn phòng quá bé cũng chả khá hơn văn phòng trước đó là bao. Nhưng khi được một người tiếp nhận là một phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi nói đây chỉ là nơi phỏng vấn tiếp nhận và đào tạo nghiệp vụ cho chị, còn công việc thì sẽ làm tại trạm bán xăng dầu thì Hường lại tin tưởng và tiếp tục nộp 100.000 đồng tiền lệ phí làm thẻ nhân viên.
Sau đó chị này giao cho Hường một tập tài liệu về các điều luật về phòng cháy chữa cháy và yêu cầu Hường mang về học trong 5 ngày và quay lại để làm bài kiểm tra đánh giá năng lực. Trước khi Hường ra về còn được chị này nhắc khi nào đến thì nhớ mang theo 4 ảnh 3x4 để làm thẻ và các thủ tục hành chính liên quan.
Sau 5 ngày “ôn luyện” chị Hường đến để làm bài kiểm tra đánh giá. Chị đinh ninh là đến làm bài trên giấy nhưng đến đây thì mới biết là công ty sẽ kiểm tra theo hình thức mặt đối mặt. Lúc đó chị rất lo vì có tận 65 câu hỏi rất dài và cũng rất khó nhớ nữa. Và dĩ nhiên chị Hường không thể vượt qua được bài kiểm tra khó như vậy.
Chị thất thần ra khỏi văn phòng và gọi điện cho người phụ nữ tên Thảo để nói rõ tình hình và được chị ta nói rằng sẽ gọi điện cho cấp trên để họ tạo điều kiện giúp đỡ. Không chỉ vậy, người phụ nữ này còn nói với Hường rằng nếu Hường vẫn muốn xin làm công việc này ở công ty của họ thì có thể nộp thêm 5 triệu để mua giấy chứng nhận là đã học qua nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy.
Sau một vài ngày thì người phụ nữ này gọi điện cho Hường thông báo chị không được tuyển dụng. Khi Hường thắc mắc hỏi về số tiền đã nộp thì được trả lời rằng theo thỏa thuận bên công ty họ đã chấp nhận cho chị học việc và rất muốn nhận chị vào làm nhưng chị không vượt qua được bài kiểm tra đánh giá, do vậy lỗi tại chị chứ không phải họ không nhận người nên chị không được nhận lại số tiền đã đóng.
Vậy là hành trình vất vả đi xin việc tại công ty này của Hường chính thức kết thúc. Chị đành nuốt nước mắt vào trong và tự trách mình kém cỏi không làm được bài kiểm tra mà đâu hề biết rằng ai đến đây xin việc cũng đều “kém cỏi” và “không may mắn” giống như chị.
Một trường hợp khác là chị Bùi Thị Thủy, một sinh viên năm 3, cũng tìm đến công ty này ở văn phòng trên đường Giải Phóng sau khi đọc được thông tin tuyển dụng trên một tờ rơi và đã phải nộp tiền lệ phí để giữ chỗ. Thủy may mắn nghe được thông tin rằng đó là công ty lừa đảo nên không quay lại nữa.
Đến tối hôm đó thì người tuyển dụng liên lạc cho Thủy và hỏi bao giờ Thủy đến nộp tiền thì Thủy bảo bận đi học chưa đến được. Người tuyển dụng nói nếu Thủy không đến thì 50.000 đồng Thủy đã nộp để giữ chỗ coi như cũng mất luôn.Và dĩ nhiên sau khi biết được thông tin đây là công ty lừa đảo thì Thủy chẳng bao giờ dám quay lại đó thêm một lần nào nữa.
Không chỉ có sinh viên muốn tìm thêm việc làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học hành hay những người vừa mới ra trường chưa xin được việc làm mới tìm đến đây xin việc mà ngay cả nhiều người đã đi làm rồi nhưng vì đọc được những thông tin tuyển dụng với những lời quảng cáo về một công việc nhàn hạ lương cao, chế độ đãi ngộ tốt lại được nghỉ thứ 7 và chủ nhật nên vẫn tìm đến công ty này…
Nơi Công ty lừa tiếp nhận hồ sơ xin việc |
Để tạo niềm tin với người xin việc, công ty này đã ngụy trang rất khéo. Văn phòng có diện tích rất nhỏ, chỉ hơn 10m2 nhưng họ còn cố tình kê một tủ để hồ sơ bằng kính với nhưng tập tài liệu rất dày và mỗi bàn tuyển dụng đều có máy tính. Nhưng tất cả nhưng gì mà người xin việc làm chỉ là điền thông tin cá nhân trên một tờ phiếu họ đã in sẵn nhưng ngay cả tờ phiếu này công ty cũng giữ lại.
Nhiều người khi đến đây không mang theo tiền nhưng do những lời dụ từ những kẻ tuyển dụng lừa đảo này nên đã “bấm bụng” vay mượn bạn bè hoặc để lại giấy tờ quan trọng như CMTND, bằng lái xe hay thẻ sinh viên với hi vọng tìm được một công việc nhàn hạ mà lương lại cao.
Nhưng họ đâu biết rằng công ty lừa đảo này chỉ lợi dụng lòng tin cũng như tâm lý muốn xin việc làm của họ để trục lợi. Mà cứ 10 người đến xin việc thì phải đến 9 người nộp tiền “giữ chỗ”, tiền “làm thủ tục hành chính”, tiền “làm thẻ nhân viên” cho công ty này.
Và số tiền đó không bao giờ họ có thể đòi lại được với lý do rất “chính đáng” là theo thỏa thuận nếu công ty họ không nhận người thì họ mới trả lại tiền, còn trong trường hợp họ vẫn nhận người nhưng người lao động không đủ khả năng làm được thì họ không chịu trách nhiệm và cũng không trả lại số tiền này.
Nếu gộp cả hai lần nộp tiền lại thì số tiền sẽ lên tới 350.000 đến 400.000 đồng mà mỗi lần đến xin việc các ứng viên phải nộp. Số tiền đó không hề nhỏ, nhất là đối với các bạn sinh viên.Vì thế, công ty này đã lập ra hai chi nhánh văn phòng để thu phí từ người xin việc đến hai lần để tăng độ tin tưởng và chia nhỏ số tiền làm hai lần đóng.
Lần đầu là tiền giữ chỗ hay làm thủ tục hành chính, còn lần thứ hai là tiền lệ phí làm thẻ nhân viên như đã nói. Nhưng thẻ nhân viên chỉ được nhận sau khi đã trở thành nhân viên chính thức, còn trong quá trình “thử việc” bằng việc học tài liệu nghiệp vụ ở nhà thì sẽ chưa được cấp thẻ.
Khi đến văn phòng tiếp nhận việc ở đường Nguyễn Trãi thì bên này nói rằng chỉ tiếp nhận thông tin từ phía văn phòng ở đường Giải Phóng còn số tiền người xin việc đã nộp bên đó thì họ không chịu trách nhiệm và cũng không liên quan.
Hơn nữa, công ty này cũng không hề giao cho người nộp tiền bất cứ một giấy tờ nào liên quan để tránh trường hợp nếu người xin việc biết họ bị lừa thì cũng không thể có bằng chứng nào để kiện công ty.
Đã có nhiều người bị mất tiền oan nhưng không thể kiện công ty này được vì không có bất cứ một loại giấy tờ hay bằng chúng nào chứng minh họ đã nộp tiền cho công ty này. Cứ vậy họ vẫn đang kiếm tiền và trục lợi bất chính .
PLVN đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để vạch trần những thủ đoạn làm ăn gian dối có tính lừa đảo một cách tinh vi và có hệ thống này.