Tác động từ tâm lý chuộng “đại học”
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên cho biết, Ban giám hiệu các Trường đã luôn bám sát các chương trình, kế hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp giao. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành của các Trường trong năm 2016 đã có sự chủ động, sáng tạo, từng bước đưa hoạt động của các Trường vào nền nếp, chuyên nghiệp. Các lĩnh vực công tác của các Trường đã bước đầu triển khai đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Các Trường cũng từng bước kiện toàn, ổn định, phát triển tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt, sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Trường theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị thuộc Trường.
Nổi bật, các Trường đã tuyển sinh, đào tạo tổng số 1.535 học sinh, hỗ trợ miễn, giảm học phí cho 423 học sinh. Ngoài ra, các Trường đã mở được 9 lớp liên thông, liên kết đào tạo với Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Học viện Báo chí tuyên truyền, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Các Trường còn chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng như bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp tỉnh, bồi dưỡng kỹ năng nhận dạng văn bản, bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên…
Tuy nhiên, ông Kiên chia sẻ một số vướng mắc trong công tác năm 2016 của các Trường, đồng thời lý giải nguyên nhân của các vướng mắc. Chỉ nói riêng về công tác tuyển sinh, công tác này gặp nhiều khó khăn, nguồn tuyển sinh ngày càng hạn chế bởi một số địa phương tuy thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa có trình độ luật nhưng không tuyển dụng hoặc không cử đi học. Còn nguồn tiềm năng là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPL thì vì số lượng các trường đại học ngày càng nhiều, hạ điểm đầu vào, xét tuyển cộng thêm tâm lý chuộng học “đại học” khiến nguồn tuyển sinh cho các Trường bị ảnh hưởng đáng kể.
Phải đề cao sự chủ động
Các Trường cơ bản xác định trong năm 2017 sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành khoa học và toàn diện trên mọi lĩnh vực công tác; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Đối với công tác tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, bên cạnh tiếp tục triển khai theo kế hoạch đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, các Trường phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký với Bộ Tư pháp và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đa dạng hóa các hình thức, loại hình đào tạo…
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã mạnh dạn đưa ra nhiều giải pháp mới và đề xuất, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả công tác năm 2017. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Buôn Mê Thuột Nguyễn Hùng Vừa mong Bộ nghiên cứu có cơ chế biệt phái 1 – 2 năm đối với đội ngũ giáo viên để nâng cao trình độ, kinh nghiệm thực tế. Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên Nguyễn Văn Cường kiến nghị cho phép Trường tăng cường liên kết đào tạo với một số trường đại học có uy tín. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Đồng Hới Lê Vệ Quốc đề xuất Lãnh đạo Bộ quan tâm cho các Trường định hướng chiến lược để từng bước tiến tới tự chủ…
Đánh giá cao nỗ lực của các Trường năm 2016 và đề nghị tiếp tục phát huy trong năm 2017, Thứ trưởng Lê Tiến Châu trăn trở, nếu mở rộng quy mô đào tạo thì đối diện với nhiều khó khăn do chưa tương xứng với đầu tư, tâm lý của sinh viên và gia đình muốn vào trường đại học, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Đứng trước những thay đổi trong chính sách giáo dục - đào tạo, theo Thứ trưởng, các Trường cần có sự chuẩn bị khác hơn, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ như nắm bắt được nhu cầu xã hội; nắm chắc, bám sát những quy định mới trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo… Ngoài ra, các Trường phải vào cuộc thực sự, so với yêu cầu hiện nay không được phép “chậm” lớn mạnh và hết sức tránh lãng phí khi đầu tư cơ sở vật chất.
Điểm lại những kết quả tích cực đạt được trong công tác năm 2016 của các Trường, song Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng hiện nay còn nhiều thách thức. Đáng lưu ý là văn hóa truyền thống của người phương Đông vẫn trọng “đại học”, các Trường Trung cấp Luật lại sinh sau đẻ muộn trong bối cảnh “trăm hoa đua nở”, trình độ giáo viên còn chưa đáp ứng được. Khẳng định Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục quan tâm giải quyết các đề xuất của các Trường nhưng Bộ trưởng đề nghị các Trường chủ động rà soát lại tổng thể nhu cầu đào tạo, khả năng của mỗi Trường… bởi Bộ không thể “bao cấp” suy nghĩ cho các Trường. Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu giải pháp, cơ chế phù hợp cho đội ngũ giáo viên trong khuôn khổ thẩm quyền của Bộ. “Khuyến khích các Trường đa dạng hóa các nguồn tuyển sinh đầu vào, việc liên thông, liên kết đào tạo chưa chắc đã là hướng đi lâu dài” - Bộ trưởng nhấn mạnh.