Nghi vấn lấn chiếm đất đình làng
Theo đơn của một số hộ dân sống tại thôn Vĩnh Ninh, tại thôn có ngôi đình làng đã được xây dựng, tồn tại nhiều thế hệ để thờ cúng Thành hoàng làng. Sau này đình làng chỉ còn ngôi nhà ba gian, được Nhân dân tu bổ xây dựng lại. Tuy nhiên, một số diện tích đất đình làng lại được cho một số cá nhân thầu dài hạn, xây công trình trên đất đình làng.
“Khi Nhà nước thực hiện dự án một con đường dân sinh đi qua khu vực, người dân mới biết thời gian qua một phần diện tích đất đình làng đã được ông Nguyễn Văn T. sử dụng, sau đó ông T. bán lại cho ông Nguyễn Văn Th. làm nhà”, ông Đào Văn Giáp (một người dân địa phương) phản ánh.
Con đường được khởi công, trong đó nhiều bà con trong xóm đã hiến đất để làm con đường rộng ra, nhưng khi chạy ra đến khu vực đình làng (nối vào đường 428) thì bị vướng công trình bị cho là xây trên đất đình làng, nên nhà thầu buộc phải “nhảy cóc” một đoạn. Từ đó đến nay, đoạn đường khoảng 25m này vừa bị “thắt cổ chai”; lầy lội, trơn trượt mỗi khi mưa gió; trời nắng thì bụi bặm, gồ ghề; nên bà con đi lại rất vất vả, thậm chí có khi tai nạn vì bị hạn chế tầm nhìn.
Một số hộ dân thôn Vĩnh Ninh đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm sự việc. (Ảnh: Đoan Trang) |
Đại diện 25 hộ gia đình đã họp tại nhà văn hóa thôn bàn về vấn đề đòi lại phần đất đầu đường. Kết thúc cuộc họp 100% các hộ ủy quyền cho ông Đào Hoàng Thi làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng. UBND huyện sau đó có công văn về UBND xã chỉ đạo giải quyết nội dung trong đơn đề ngày 18/5/2022, cụ thể: Giao Chủ tịch UBND xã Tri Thủy kiểm tra, xác minh giải quyết vụ việc, xong trước ngày 30/6/2022.
Sự việc sau đó vẫn chưa được giải quyết dứt điểm theo chỉ đạo của huyện, nên ông Thi tiếp tục gửi đơn đến UBND Hà Nội vào tháng 10/2023. Ban Tiếp công dân TP có Văn bản 1663/PC-BTCD chuyển đơn kiến nghị, phản ánh đến UBND huyện Phú Xuyên đề nghị kiểm tra, khẩn trương giải quyết, trả lời công dân theo quy định pháp luật. Nhưng từ đó đến nay sự việc vẫn không có tiến triển.
UBND xã xác nhận nguồn gốc thửa đất là đất công
PV PLVN đã có buổi làm việc với UBND xã Tri Thủy, gồm ông Phạm Văn Tháp (Chủ tịch UBND xã), ông Hoàng Văn Chúc (Phó Chủ tịch UBND xã), cán bộ địa chính xã. Lãnh đạo UBND xã xác nhận thửa đất đang tranh chấp trước kia là đất ao (đất công). Trước năm 1993, xã giao cho gia đình ông Nguyễn Văn T. quản lý, sau đó ông T. lại chuyển giao cho ông Nguyễn Văn Th. Năm 2002, UBND xã đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho gia đình ông Th. và vợ là bà Phạm Thanh S. Sau đó, vợ chồng ông Th. ly hôn nên ông Th. giao quyền sử dụng mảnh đất cho bà S.
Về việc con đường qua khu vực bị ảnh hưởng vì thửa đất trên, Chủ tịch xã cho hay cán bộ địa chính xã đã nhiều lần mời bà S. và ông Th. đến giải quyết, nhưng ông Th. nói đã chuyển giao nhà đất nói trên cho bà S. sau khi ly hôn, nên ông Th. không đến. “Bà S. thì hiện đang sống ở Gia Lâm nên cũng không tiện về. Trong khi đó, mảnh đất trên hiện đã được cấp GCN nên xã không dám can thiệp”, lãnh đạo xã nói.
Đại diện UBND xã trong cuộc làm việc với PV. (Ảnh: Vy Hương) |
Lãnh đạo xã cũng cho biết sẽ làm việc với các bộ phận liên quan để xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc; kết quả việc xử lý sẽ thông báo sớm bằng văn bản, hoặc trả lời trực tiếp. Chủ tịch xã khẳng định: “Nếu pháp lý miếng đất kia không minh bạch, xã sẽ đề nghị thu hồi đất, trả lại cho Nhà nước”. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua, địa phương vẫn chưa phản hồi, dù PV đã nhiều lần liên lạc.
Nhận định về sự việc, Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) nói: “Thông tin UBND xã cung cấp cho thấy nguồn gốc của miếng đất trên có dấu hiệu là đất công. Vì vậy, cơ quan chức năng TP Hà Nội và huyện Phú Xuyên cần vào cuộc làm rõ, xác định có hay không việc đất công bị biến thành đất riêng; xác định có vi phạm hay không trong quá trình cấp sổ đỏ với khu đất trên. Vì sự việc này mà ảnh hưởng đến công trình đường dân sinh, phát sinh khiếu kiện tập thể, nên tôi cho rằng đây là sự việc cần giải quyết sớm và dứt điểm”, LS Trâm nói.