Người Dao quan niệm rằng, nếu trong đời người không được cấp sắc thì linh hồn sẽ mãi mãi không khôn lớn và không được đoàn tụ với tổ tiên…
Huyện Bắc Quang (Hà Giang), tập trung đông đúc cư dân người Dao đỏ. Đồng bào Dao nơi đây họ vẫn còn duy trì tục cấp sắc, đó chính là nét văn hóa độc đáo mang tính cộng đồng, có ý nghĩa giáo dục, và cũng là dịp để đồng bào người Dao ôn lại các giá trị lịch sử. Người Dao ở Hà Giang được chia ra rất nhiều nhóm như Dao tiền, Dao áo dài, Dao đỏ…, hiện họ vẫn duy trì các phong tục của dân tộc mình.
Tục cấp sắc là một nghi thức tín ngưỡng quan trọng, bắt buộc người đàn ông Dao phải thực hiện để khẳng định mình đã trưởng thành. Thầy cúng Phàn Chòi Phú ở huyện Bắc Quang cho biết: “Tục cấp sắc là để công nhận người con trai đó trưởng thành, nó còn có ý nghĩa giáo dục, giúp cho người thụ lễ hướng đến cái thiện, tránh xa cái ác”.
Số đèn tương đương với mức thăng cấp của người được thụ lễ |
Người Dao đỏ và người Dao tiền cấp sắc từ 12 tuổi trở đi, hoặc thăng lên chức bậc cao nhất tức 7 đen mới làm được thầy cúng. Theo phong tục của người Dao, thông thường người cha cấp trước rồi mới đến con, nếu người con có vợ thì sẽ được ưu tiên. Tục cấp sắc có thể tổ chức gộp trong một dòng họ, tối đa là 13 người.
Khác với người Dao đỏ, tục cấp sắc của người Dao tiền thường tổ chức trong khoảng 11 đến 19 tuổi, cấp bậc cao nhất chỉ có ba đèn. Về thủ tục thụ lễ cho người cấp sắc của các nhóm người Dao nói chung, họ đều tổ chức với các lễ nghi tương tự như nhau. Trước khi cấp sắc họ phải kiêng không ngủ gần vợ, không được đánh chó, giết mổ gà, vịt, chặt phá cây cối, hoặc làm những điều xúc phạm đến thần linh…
Về phần gia chủ, họ phải chuẩn bị đầy đủ đồ lễ trước một tháng. Tục cấp sắc của người Dao có thể to, hoặc tương đương một đám cưới, thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày, tùy thuộc mức độ cấp sắc. Trước khi cấp sắc, gia chủ phải chuẩn bị lợn, gà, gạo thịt để thết đãi dân làng. Ngoài ra, gia chủ còn phải chuẩn bị trang phục truyền thống, tranh, gậy tầm xích, thẻ âm dương, các nhạc cụ đi kèm như tù và, trống, chiêng, khèn…
Thầy cúng Phàn Chòi Phú viết sớ chuẩn bị cho lễ cấp sắc |
Trong lễ cấp sắc của người Dao phải có các bộ thanh thờ, đại diện cho các vị thần linh trong thế giới tâm linh, họ về để chứng kiến nghi lễ cấp sắc. Các bộ tranh gồm có bộ tranh tam thanh, tranh ngọc hoàng thánh phủ, tranh tứ phủ cộng đồng, tranh hành sư... Các bộ tranh này đều có nội dung tôn giáo tín ngưỡng và quyền năng nhất định. Người Dao cho rằng những bức tranh này đều có hồn và rất linh thiêng.
Trong lễ cấp sắc, thầy cúng sẽ là người điều khiển các nghi lễ, đó là những thủ tục nhằm tái hiện lại các hoạt động văn hóa của dân tộc. Thông thường mỗi một lễ cấp sắc phải có ít nhất từ 3 đến 6 ông thầy cúng, nếu trong dòng họ tổ chức cho nhiều người thì số lượng thầy cúng có thể cao hơn. Mỗi ông thầy cúng đảm nhận các công việc khác nhau. Họ là những người học rộng, tài cao, thông thạo chữ nho…
Theo thầy cúng Phàn Chòi Phú, nhiều vùng họ còn cấp sắc lên 9 đèn hoặc 12 hai đèn. Tùy thuộc vào số bậc của đèn nên người thụ lễ sẽ nhận về mức binh mã tương đương. Bậc đầu tiên nếu cấp 3 đèn thì người thụ lễ sẽ nhận được 36 binh mã. Bậc thứ hai, 7 đèn sẽ là 72 binh mã, bậc lớn nhất 12 đèn sẽ nhận được 120 binh mã.
Cũng theo thầy cúng Phàn Chòi Phú, trước khi đi hành lễ, vào sáng sớm ngày hôm đó, thầy cúng phải đốt nhang khấn trước bàn thờ gia tiên xin phép được đi thụ lễ cho đệ tử. Trang phục không thể thiếu đó là bộ quần áo của thầy cúng. Bộ quần áo này được xem như là những bộ quần áo uy quyền, oai phong trong cộng đồng.
Tại nơi hành lễ, các thầy cúng bắt đầu thực hiện với các nghi lễ đầu tiên như gọi tên bố đẻ, tên ông nội của các thầy về để chứng giám cho công việc của mình. Tiếp đó thầy cúng sẽ làm lễ tẩy uế lập đàn trong nhà rồi thả tranh các vị thần linh. Trước ban thờ nơi treo các bộ tranh, thầy cúng bắt đầu gọi các thế lực siêu như thần núi, thần đất, thần rừng… về để chứng kiến công việc của các thầy.
Sau các nghi lễ, thầy cúng đều phải báo cáo với các thánh thần |
Ngay sau khi gọi các thầy gọi các vị thần về sẽ là điệu múa xòe của gia chủ cùng cộng đồng. Mọi người cùng vào vòng xòe với tiếng chiêng, trống trộn rã, minh họa cho một thời thịnh trị của bản vương.
Tùy theo các nhóm người Dao, người thụ lễ có thể ngồi xổm, hoặc ngồi trên ghế… Trước thời điểm lên đèn, đối với người Dao tiền, thầy cúng thứ nhất cầm một cây gậy ngụ ý xua đuổi cái ác, thầy thứ hai đội mũ cho đệ tử để gọi cái khôn, cái giỏi…
Ngay sau nghi lễ này sẽ là lễ đặt đèn, thầy cả đặt đèn lên đầu đệ tử ngụ ý soi đường chỉ lối, thầy hai đặt đèn lên vai phải mong được thần linh dẫn dắt từng bước. Ông bố đặt đèn lên vai trái, ý muốn được soi sáng che chở cho con suốt quãng đường đời. Lễ đặt đèn mang ý nghĩa khuyên răn, cởi bỏ những cái xấu, khuyên dạy người thụ lễ học những điều hay, lẽ phải để luôn luôn là một người tốt…
Ngay sau lễ đặt đèn, ông bố sẽ chọn cho mình một cái tên rồi nhờ thầy đặt tên âm cho con. Sau khi đặt tên xong, người thụ lễ sẽ có quyền tham gia và các công việc của cộng đồng. Lúc này ông thầy sẽ dắt người vừa được đặt tên, kết hợp để dạy các động tác múa, ngụ ý giúp cho người con hòa nhập cùng với cộng đồng dân tộc. Sau đó mọi người cùng vào vòng xòe, họ múa để chào đòn một thành viên mới.
Sau khi được đặt tên, thầy cúng bắt đầu mở văn tự, đó là các quy định về phong tục tập quán, về các hương ước của làng, bắt buộc người vừa đặt tên phải tuân thủ. Những cuốn sách này chủ yếu được viết bằng chữ nho, nếu muốn làm thầy cúng thì người thụ lễ sẽ phải học thuộc và viết thành thạo mới làm thầy cúng được.
Tục cấp sắc của người Dao là một trong những phong tục độc đáo, mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người trở về với cội nguồn của dân tộc. Tục cấp sắc của người Dao nói riêng và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung là cái hồn riêng của dân tộc, cần phải gìn giữ và phát huy. Đây chính là nét văn hóa điển hình trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc trên vùng miền núi cao phía bắc của Tổ quốc.