Giải mã 'cây giác ngộ' nơi đức Phật nhập cõi niết bàn

Giải mã 'cây giác ngộ' nơi đức Phật nhập cõi niết bàn
(PLO) -  Bồ đề - cái tên ấy được phiên âm từ tiếng Phạn là Bodhi, có nghĩa là sự tỉnh thức, sự thông suốt đạo lý. Không có sự tỉnh thức, con người sẽ lao theo những lầm tưởng, u mê. Và không có lối ra, người ta cứ bị lạc mãi trong cả khu rừng u mê, lầm tưởng ấy. 

Đã từ rất lâu, cây bồ đề nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành đạo, đã trở thành một trong những nơi chiêm bái của Phật tử từ khi đức Phật nhập niết bàn cho đến ngày nay. Cũng do vậy cây bồ, lá bồ đề trở thành một biểu tượng tâm linh gắn liền với Phật giáo.

Từ kiến trúc tuyệt mỹ… 

Theo từ điển mở Wikepedia, bồ đề hay còn gọi cây đề, cây giác ngộ (tên khoa học là Ficus religiosa) Loài cây này được cho là thiêng liêng bởi tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm  ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành Phật. Qua đó mà cây này có tên bồ đề, vì bồ đề có nghĩa là Giác ngộ.

Hiện tại người ta có thể chiêm ngưỡng một cây bồ đề rất lớn tại chùa Đại Bồ đề (Mahābodhi) tại Bồ đề đạo trường (Bodhgayā), khoảng 96 km (60 dặm) từ Patna thuộc bang Bihar của Ấn Độ. Đây là con của cây bồ đề mà ngày xưa Phật Thích-ca Mâu-ni đã ngồi thiền định 49 ngày sau khi thành tựu Vô thượng chính đẳng chính giác. Cây này là điểm dừng chân của những người hành hương, là tụ điểm quan trọng nhất trong bốn khu vực thiêng liêng đối với những người theo đạo Phật.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, vì thế hình tượng lá bồ đề (hay còn gọi là lá đề) trong Phật giáo cũng trở thành một hình ảnh quen thuộc với nhiều người Việt. Đặc biệt trong kiến trúc thời Lý – một giai đoạn lịch sử mà Phật giáo phát triển rất thịnh vượng, trở thành quốc giáo - hình tượng lá đề thường lồng ghép với hình tượng rồng, phượng trong một tổng thể hài hòa, giàu thẩm mỹ.

Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, hình tượng lá đề trong kiến trúc thời Lý được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc như vòm cửa chùa tháp, cung điện. Hình tượng lá đề thường lồng ghép với hình tượng rồng, phượng trong một tổng thể hài hòa, giàu thẩm mỹ.

Theo các nghiên cứu về kiến trúc thời Lý, để thực hiện một lá bồ đề gắn phượng, 40 nghệ nhân thời Lý phải thay phiên nhau chạm khắc trong hai ngày. Đến phiên của mình, mỗi nghệ nhân chỉ được phép thực hiện công việc trong khoảng 10 phút để đảm bảo sự tập trung cao độ nhất cho tác phẩm...

Lá đề lớn có ba bảo châu hiện đang lưu giữ tại chùa Phật Tích
Lá đề lớn có ba bảo châu hiện đang lưu giữ tại chùa Phật Tích

Trong quyển sách “Phật tích – Di sản văn hóa Phật giáo”, Thượng tọa Thích Đức Thiện - người tu hành tại Phật tích, đồng thời cũng là người nghiên cứu và viết sách về Phật tích đã dành nhiều thời lượng viết về hình tượng lá đề trong kiến trúc chùa Phật Tích – một ngôi chùa tọa lạc ở  sườn núi Lạn Kha xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh nơi xưa kia có nhiều nhà tu hành tu luyện và theo sử sách để lại thì đây chính là nơi Phật ngự. 

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, lá đề là một loại hình đặc biệt trong số các hiện vật phát hiện được ở Phật Tích. Hình dạng của nó như lá cây bồ đề (bohdi) biểu trưng cho sự giác ngộ, được chạm khắc hình hai con rồng đang chầu vào nhau dâng ba lá đề nhỏ theo hình tượng dân ngọc báu hay còn gọi là “song long hiến châu”. Ngọc báu hay bảo châu (mani) là một trong những bát bửu của Phật giáo. Những lá đề của Phật Tích có chiều cao từ lớn đến bé, tương ứng với từng tầng tháp.

Tất cả các lá đề đều được làm bằng đá sa thạch, hiện vật lớn nhất cao 42 cm và giảm dần cho tới khi chỉ còn 10cm. Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, trong các di tích thời Lý được khai quật cho tới nay, rất hiếm gặp loại hình hiện vật như thế này. Điều này khẳng định tính độc đáo của hình tượng lá đề mà chỉ riêng Phật Tích có không chỉ trong cả nước mà còn trong nghệ thuật Phật giáo khu vực. 

Đến bài học về sự tỉnh thức

Trong những lần tìm đọc tài liệu về Phật giáo nói chung và về hình tượng lá đề trong Phật giáo nói riêng, người biên soạn bài này đã gặp bài viết của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2014. Bài viết rất hay về sự tỉnh thức của con người, gắn liền với hai chữ tiếng Phạn là Bodhi – bồ đề. 

“Bồ đề, cái tên ấy được phiên âm từ tiếng Phạn là Bodhi, có nghĩa là sự tỉnh thức, sự thông suốt đạo lý. Nếu không có sự giác ngộ dưới gốc bồ đề ở Bod Gaya thì chúng ta không có Đức Phật; không có một tôn giáo lớn thế đã tồn tại hơn 2500 năm mà những giáo lý của Phật đã làm thay đổi thế giới, thay đổi lịch sử, thay đổi cuộc đời của biết bao con người.  

Đúng là như vậy, sự tỉnh thức bao giờ cũng quan trọng biết bao trong đời sống của chúng ta. Cho nên, giữ chiếc lá bồ đề từ Bod Gaya, với tôi, là sự nhắc nhở mình về sự tỉnh thức. Không có sự tỉnh thức, con người sẽ lao theo những lầm tưởng, u mê. Và không có lối ra, người ta cứ bị lạc mãi trong cả khu rừng u mê, lầm tưởng ấy. 

Sự tỉnh thức, không phải chỉ là những điều lớn lao như kiểu Đức Phật đã ngộ ra chân lý, sau bao tháng năm dài miệt mài tu tập theo trường phái khổ hạnh mà không đạt mục đích gì, không thể lý giải nổi câu hỏi vẫn đau đáu từ khi Người còn là thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm, con trai của đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da của kinh thành Ca Tì La Vệ xưa kia, rằng tại sao con người phải chịu nhiều đau khổ?

Nguồn gốc của những khổ đau ấy là gì? Và làm thế nào để giải thoát được mọi kiếp nhân sinh? Sự tỉnh thức trong mỗi con người của cuộc sống đời thường giản dị mà không hề đơn giản. Tỉnh thức để nhận ra mình. Tỉnh thức để điều chỉnh mình. Tỉnh thức để không lầm đường lạc lối. Tỉnh thức để biết mình sẽ phải làm gì trong biết bao những việc cần làm và muốn làm trước mắt. Tỉnh thức để biết nhìn nhận thế giới này…

Có lẽ, điều khó nhất trong sự tỉnh thức là để nhận ra mình. “Ta là ai?”, câu hỏi này đã từng day dứt những nhà triết học minh triết nhất khắp đông, tây, kim, cổ. Bản chất của con người không phụ thuộc vào những gì ngoài họ.

Không phụ thuộc vào vị trí mà họ đang đứng. Không phụ thuộc vào những “vật ngoại thân” họ đang có trong tay. Nhưng tiếc thay, thật ít người nhận ra điều ấy. Thật nhiều người lầm tưởng về giá trị của mình và giá trị của những kẻ xung quanh…  Ngay cả khi tay đã “trót nhúng chàm”, con người ta vẫn rất cần sự tỉnh thức để không tiếp tục lao mãi vào ngõ tối. Có tỉnh thức mới nhìn thấy tội lỗi. Có tỉnh thức mới nhìn thấy đường quang.

Và có tỉnh thức thì mới tránh xa được bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu độc ác, dối lừa vẫn hàng ngày hàng giờ giăng giăng trước mắt. Mỗi bước chân chúng ta đặt trên đường đời mênh mông này, làm sao lựa được chỗ sạch sẽ mà đi là điều không đơn giản. Nhiều khi, chỗ sạch sẽ lại đầy những chông gai lởm chởm. Mỗi bước đi phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa!

Theo tác giả Nguyễn Thị Việt Nga, sự tỉnh thức không phải lúc nào cũng to tát và ghê gớm. Nó có thể chỉ là những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày của ta. Là sự suy xét thấu đáo trước sau, trước khi ta quyết định làm bất cứ việc gì. Là lời tự vấn lương tâm về những giờ ta từng sống. Là nhìn lại xem mình làm được những gì cho chính bản thân và những người thân yêu của mình trong những tháng ngày qua. Là xem đã có ai vì mình mà rơi nước mắt. Là sự xấu hổ trước những hiếu thắng, ganh đua, ghen tức hay phù phiếm đã từng nhen nhóm trong tim…Và cũng chính vì thế, mỗi ngày nhìn thấy lá bồ đề, lại tự nhắc nhở mình về sự tỉnh thức. Vì con người ta rất dễ u mê….

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.