Hương tràm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đoàn nghiêng người tháo chiếc ba lô trên lưng xuống bậc thềm rồi quay ra sân, ngửa cổ hít một hơi dài để kiếm tìm thứ mùi hương quen thuộc đã ăn sâu trong ký ức.

Lạ thật, anh đang đứng giữa sân nhà mà lòng vẫn không thôi nỗi nhớ quê. Bên sân giếng, thời gian đã phủ lên chiếc chậu đá một màu rêu ngai ngái. Tuổi thơ của anh gắn liền với chiếc chậu đá có tuổi đời dễ đến cả trăm năm. Những trưa hè, anh và lũ bạn rủ nhau đi bắt chuồn chuồn rồi về ngồi chen chúc trong lòng chậu, háo hức đợi mẹ múc từng gầu nước mát lạnh dội từ đỉnh đầu. Vừa dội nước mẹ vừa mắng yêu: “Cha bố chúng mày. Vày nước vừa thôi. Nhanh còn mặc quần áo kẻo cảm lạnh!”. Mẹ giờ đã thành người thiên cổ, nhưng giọng nói, ánh mắt của mẹ vẫn như đang xào xạc đâu đây trong vòm lá. Những dải nắng hanh hao của buổi chiều cuối năm càng làm cho tâm hồn người xa quê lâu ngày thêm bồi hồi, rưng rức.

- Bố mở cửa đi ạ!

Đoàn giật mình quay lại nhìn cậu con trai nở nụ cười tỏ ý xin lỗi rồi cập rập tra chìa vào ổ khóa. Thằng Hiếu bước vội vào nhà, ngồi phịch xuống ghế rồi ngước nhìn bố: Thế tối nay bố con mình ăn gì ạ? Đã có món gì ăn chưa bố?...

- Hai bố con anh đã về đấy ư?

Ai như tiếng của Hậu. Đoàn thảng thốt nhìn ra. Thật rồi. Hậu đang từ ngoài đi vào. “Hai bố con anh về lâu chưa, có mệt không ạ?... Chiều cũng muộn rồi, chắc không kịp chợ búa gì đâu, bố con anh sang ăn cơm tối với em cho vui nhé?”. “Không sao đâu, anh đã mua được mấy cái bánh mì và hộp thịt xay đây rồi. Với cu Hiếu, như vậy là bữa liên hoan rồi đấy”.

Hậu hiểu, Đoàn không muốn cô phải bận tâm về anh thêm nữa. Anh đã từng mang đến cho thanh xuân của cô những êm đềm hạnh phúc, những nụ hôn trong cồn cào nỗi nhớ. Nhưng rồi, chính cô lại đẩy cả hai vào ngã rẽ của sự lựa chọn nghiệt ngã chỉ vì sự giằng co, dằn vặt của một người vợ luôn sống trong cảnh thấp thỏm đợi chờ và thấy mình có lỗi. Vậy mà điều cô cho là đúng đắn đó chẳng thể giúp anh hạnh phúc hơn. Ngược lại, nó khiến cả cô và anh phải chịu khổ đau trong nhung nhớ. Nhưng nếu cho lựa chọn lại thì cô cũng không làm khác được. Thậm chí, nếu quay lại hơn hai mươi năm về trước, cô vẫn trao gửi trái tim mình cho anh chứ không ai khác.

* * *

Hơn hai mươi năm trước, trong buổi giao lưu văn nghệ giữa các chiến sĩ Đồn biên phòng và các giáo viên của trường tiểu học tại một huyện vùng cao biên giới, khi tiếng hát của Hậu vừa dứt, cô đỏ bừng má khi bắt gặp ánh nhìn đắm đuối của một đội phó trinh sát. Anh có nước da ngăm đen trên khuôn mặt vuông vức khiến cho anh già hơn cái tuổi gần ba mươi của mình. Nhưng ánh mắt và nụ cười của anh khiến trái tim Hậu lỗi nhịp.

Sau buổi giao lưu ấy, người lính biên phòng trên đường trinh sát về thường ghé vào điểm trường thăm cô, lúc thì bó hoa rừng vừa hái, lúc là giỏ phong lan có những đài hoa màu tím. Cô thấy trái tim bướng bỉnh của mình thuộc về anh từ lúc nào chẳng hay. “Em có đủ cam đảm làm vợ một người lính biên phòng không?” - Anh đột nhiên hỏi cô trong một buổi chiều khi ngọn gió heo may đầu tiên tràn về. Hậu thì từ lâu đã tưởng tượng ra khung cảnh lãng mạn này, nhưng lời cầu hôn đột ngột của anh khiến cô không khỏi xúc động và bối rối. Hậu trả lời người yêu bằng một câu chuyện dài với bao mơ ước của thời thiếu nữ, rằng từ hơn ba năm trước, cô đã can đảm từ bỏ cơ hội được giảng dạy dưới ngôi trường hai tầng khang trang trong thành phố biển - nơi cô sinh ra và lớn lên - để xung phong lên vùng đất xa xôi này, gắn bó với các em bé quanh năm đến trường với đôi chân trần đen đúa, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Còn quê anh là vùng đất trung du, cách nơi anh đang đóng quân hơn vài trăm cây số. Nơi ấy anh còn một mẹ già luôn mong đứa con trai duy nhất lấy vợ để bà sớm có cháu đích tôn.

Đám cưới của anh và Hậu diễn ra ngay trên vùng đất biên viễn. Chú rể trong quân phục biên phòng, cô dâu mặc bộ áo dài màu tím. Tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ là căn phòng phía cuối khu nhà tập thể có hai ô cửa sổ lúc nào cũng lộng gió. Hậu thích nhất những đêm ngắm trăng cùng chồng qua ô cửa sổ, khi anh chỉ cho Hậu cái nháy mắt tinh nghịch của chú Cuội đang ngồi dưới gốc đa cổ thụ.

Rồi những mùa trăng êm đềm qua đi. Hậu bàn với chồng việc chuyển công tác về quê. Mẹ anh cũng già rồi, cần có người sớm tối bên cạnh. Đoàn ôm vợ vào lòng, hôn nhẹ lên trán, lên tóc Hậu như muốn nói ngàn lời cám ơn người vợ hiền đã thấu hiểu nỗi cô đơn của mẹ già và cả sự lo lắng, khó nói của chồng. Mỗi năm Đoàn về phép được hai lần vào dịp Tết và ngày giỗ bố.

Thời gian trôi nhanh như ngọn gió đầu mùa. Đã gần mười năm kể từ ngày Hậu mặc bộ áo dài tím sánh bước cùng anh trong những lời chúc phúc. Vết nhăn trên gương mặt của mẹ chồng thêm hằn sâu những nỗi niềm vời vợi khi bà vẫn chưa có cháu nội để bế bồng. Hè năm nào Hậu cũng lên đơn vị với chồng vài tháng, mỗi lần trở về là chị mang biết bao hy vọng về một mầm sống đang dần hình thành trong cơ thể. Đã nhiều lần chị tìm đến các bệnh viện lớn, cả đi cùng chồng và nhiều lúc một mình, nhưng câu trả lời chị nhận được chẳng khác là bao. Hậu không rõ lắm những từ ngữ y khoa, nhưng chị hiểu nôm na những lời bác sĩ nói. Lỗi hoàn toàn không do chị, cũng không phải của anh, nghĩa là vợ chồng chị thuộc dạng vô sinh không rõ nguyên nhân. Một ý nghĩa vụt chạy qua đầu chị: “Nếu anh ấy kết hôn với người khác và ngược lại, chúng tôi vẫn có cơ hội sinh con bình thường, đúng không?”. Vị bác sĩ già nhìn chị với ánh mắt cảm thông.

Những điều bác sĩ giải thích, chị không thể kể với mẹ chồng để kiếm tìm sự đồng cảm. Trong suy nghĩ của bà, lỗi không biết sinh con là do người phụ nữ. Nhưng không vì thế mà bà tỏ ra dằn vặt con dâu. Nhiều lần chị chứng kiến cảnh mẹ chồng chắp tay đứng trước bàn thờ, miệng lầm rầm khấn vái tổ tiên và cả người chồng quá cố phù hộ cho con dâu sớm khai hoa nở nhụy. Bà vẫn thường hay kể với chị, cuộc đời bà cũng đã trải qua những đợi chờ mòn mỏi. Lấy chồng từ năm mười chín tuổi, một năm sau bà sinh con gái đầu lòng. Cứ tưởng theo đà ấy, bà sẽ sớm có thêm đứa con trai, nhưng ông trời lại thích trêu ngươi, mãi khi bà bước sang tuổi bốn mươi, đứa con gái đầu vừa lấy chồng thì bà mới sinh được Đoàn.

Khi Đoàn dẫn Hậu về ra mắt, bà mừng đến phát khóc. Đứa con dâu tương lại thật đúng ý bà. Phụ nữ mà hông to, ngực nở là mắn lắm đây. Bà sắp có cả bầy cháu để vui đùa rồi. Ấy vậy mà Hậu lại làm cho ngọn lửa mãi mới nhem nhóm được trong bà tắt ngấm. Thương con dâu bao nhiêu, bà lại lo cho con trai, cho cái dòng tộc của gia đình này bấy nhiêu. Chẳng đành bà mới dốc bầu cùng Hậu, giọng bà khó nhọc như con tằm đang rút ruột nhả những sợi tơ cuối cùng: “Mẹ già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa. Mẹ không đành lòng khi nghĩ tới cảnh nhà quạnh hiu… Đời nào cũng vậy, con cái luôn là sợi dây gắn kết giữa quá khứ đến tương lai. Đất nước mình trải bao phen binh lửa, nếp nhà này cũng đã truyền qua ba, bốn thế hệ, từ thời cụ cố của Đoàn. Thời nào cũng có người góp sức để bảo vệ và dựng xây nước nhà con ạ… Cái thiêng liêng, vĩnh cửu mà cha ông mình quan niệm vẫn là dòng dõi, là truyền thống của tổ tiên. Rồi mai này, nhà ta sẽ lấy ai lo hương khói cho tổ tiên? Nó phải lấy vợ, sinh con nối dõi cho dòng họ này…”. Bà đưa vạt áo lên quệt những giọt nước mắt mờ đục. Lòng Hậu quặn thắt, ràn rạt nước: “Vâng! Con hiểu ạ”.

Trước những lời đề nghị đường đột của vợ, Đoàn thấy mình thật bất lực. Suốt hai năm qua, Đoàn xin về phép nhiều hơn để động viên, an ủi Hậu. “Chúng mình xin con nuôi được không em? Mà mình còn trẻ, chúng ta vẫn còn hy vọng mà”. “Hơn mười năm rồi. Hy vọng đến bao giờ... Anh ký vào đơn đi”. Hậu thở dài quay đi, tiếng thở dài như xoáy ngược vào tim những niềm đau khó diễn tả thành lời.

Phiên tòa ly hôn hôm ấy diễn ra một cách chóng vánh. Cả hai người đều thuận tình, tài sản chung không tranh chấp, con cái cũng không. Bà thẩm phán sắp đến tuổi hưu nhìn vợ chồng Hậu ái ngại khi hiếm thấy đôi vợ chồng nào đứng trước ngã rẽ cuộc đời mà chẳng hề hờn giận, trách móc. Khi phiên tòa kết thúc, Đoàn mới như bừng tỉnh. Một nỗi đau đến tột cùng đang bào mòn từng tế bào trong cơ thể anh. Đau đến rụng rời, tê dại mọi giác quan.

Tan buổi tòa, vợ chồng chị đèo nhau về trên chiếc xe đạp xích hộp mà Đoàn mua tặng vợ ngày chị chuyển công tác về quê chồng dạy học. Đêm ấy, Đoàn gối tay cho vợ ngủ. Ngày mai anh lên đơn vị rồi, chẳng biết người ở lại sẽ tiếp tục cuộc sống thường nhật ra sao. Đàn ông mạnh mẽ như anh còn không thể chịu đựng nỗi hụt hẫng, mất mát này, nói gì đến người đàn bà đã chịu nhiều đa đoan như Hậu. Anh nén những tiếng thở dài, không dám trở mình để Hậu nghĩ rằng chồng đã ngủ say. Còn Hậu đang quay mặt về phía tường, nước mắt ướt đẫm tay áo người chồng vừa mới ly hôn.

* * *

Hậu đã dần thích nghi với cuộc sống mới. Căn nhà nhỏ của chị kề sát con ngõ của nhà mẹ chồng cũ. Bởi vậy, hàng ngày chị vẫn đi về chung ngõ, chung một không gian tràn ngập hương bưởi, hương cau. Cuối con ngõ là hai lối rẽ sang hai bên như hình chữ Y, bên này nhà chị, bên kia là ngôi nhà mà trước đây chị đã có cả thanh xuân gắn bó với biết bao vui buồn. Hiểu chị, chính Đoàn là người trực tiếp đến nhà ông giáo già hàng xóm đặt vấn đề mua đất làm nhà cho chị. Nhà xây xong, anh mới vội vã trở về đơn vị. Trong căn phòng mới, mọi đồ vật không có gì thay đổi, từ chiếc giường cưới bằng gỗ xoan đào có khắc hình đôi chim bồ câu, chiếc màn tuyn, chiếc tủ đựng quần áo có hai cánh... Anh bảo chị thích gì cứ lấy, nhưng để lại cho anh bức ảnh cưới mà Hậu đang tựa đầu vào vai chồng với nụ cười rạng rỡ nhất. Anh tặng chị chiếc đài Cassette mà mấy chục năm nay anh coi nó như một kỷ vật thiêng liêng. “Mỗi khi buồn thì em bật lên mà nghe nhé”. Trong những chiếc băng hoài niệm ấy, có biết biết bao bài hát cũ, giờ mấy ai còn nghe, trừ những người đã có quá nhiều kỷ niệm gắn bó với nó. Bây giờ mỗi lần nghe lại, bao ký ức cũ dội về nhức nhối. Hậu lấy nilong bọc cẩn thận chiếc đài như gói lại kỷ niệm rồi cất vào tủ kính. Nhưng có những thói quen đã ăn sâu vào máu thịt mà chị chẳng thể bỏ được, ấy là cứ mỗi dịp cuối tháng Chạp, chị lại mang chiếc lọ sành ra phơi để chuẩn bị muối dưa hành - món ăn mà Đoàn rất thích trong những ngày nghỉ Tết.

Những kỷ niệm xưa cứ dùng dằng mãi trong tim, nhưng thời gian thì như bóng câu sau cửa, ngẩng lên đã mười mùa hoa tràm nở. Hậu ngồi bên ô cửa sổ miệt mài với những cuộn len đang đan dở. Ai cũng bảo chị có khuôn mặt phúc hậu, đáng lẽ phải được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ, đêm đêm được ôm con vào lòng chứ không phải thao thức với những cuộn len, đan rồi lại tức tưởi tháo ra, như muốn sổ tung những tủi hờn, cô đơn, ấm ức ở trong lòng. Bao đêm nay, Hậu ngồi đan len như vậy. Cả tuần nay và gần chục năm nay như thế rồi. Chị phải làm việc gì đó để vơi bớt nỗi cô đơn đến tột cùng. Bầu trời thì cao và rộng, đêm dài vô tận, hương tràm thì nồng nàn, trăng thì sáng và lạnh quá.

Từ ngày mẹ Đoàn khuất núi, Hậu thường xuyên sang quét dọn sân vườn, vun xới cây cối. Đứa cháu gái của mẹ Đoàn thi thoảng cũng sang dọn dẹp, cô bé kể rằng vợ chồng Đoàn đã ly hôn hơn một năm nay. “Chị ta là người dân tộc mà ghê quá. Cứ tưởng hiền lành, thật thà, ai dè nó lại cặp bồ. Hai đứa thường xuyên qua biên đánh hàng về bán tại chợ cửa khẩu rồi dính lấy nhau từ trước lúc nó về làm vợ anh Đoàn nhà em. Ông anh em rõ là khù khờ!”. Giọng cô bé rau ráu và liếng thoắng như sợ Hậu không đủ kiên nhẫn để nghe tiếp.

Hơn hai năm sau phiên tòa ly hôn với Hậu, qua mai mối, Đoàn lấy cô gái dưới bản làm vợ. Mẹ Đoàn mừng đến rơi nước mắt khi cô con dâu mới sinh cho bà đứa cháu đích tôn bụ bẫm, và bà chẳng thể tưởng tượng một ngày nào đó, vợ chồng con trai lại dắt nhau ra Tòa. Ngày Đoàn và vợ ra Tòa ly hôn, chẳng biết có phải vì đôi lần bắt gặp anh lén lục dưới đáy ba lô tấm ảnh cưới với vợ cũ, hay do anh đã biết mười mươi về mối quan hệ bất chính của mình với gã đàn ông bên kia biên giới mà cô vợ người dân tộc của anh rẽ rọt từng tiếc hờn ghen: “Thằng Hiếu không phải con ruột của anh đâu mà anh đòi nuôi nấng. Không tin, anh cứ làm AND đi”.

Tất nhiên là anh không tin, không làm xét nghiệm. Ai cũng bảo thằng Hiếu giống anh như đúc, từ dáng đi tới điệu cười, sao không phải là máu mủ của anh được. Anh đã chăm bẵm, đút cho con từng thìa sữa từ lúc lọt lòng. Giờ nó đã cao ngang ngực bố. Nó phải là con của anh.

* * *

Ngoài năm mươi tuổi, Đoàn được nghỉ hưu. Hai cha con trở về quê cũng đã hơn một năm. Với anh, quê hương luôn là điểm xuất phát và cũng là đích để trở về. Đó không chỉ là nơi chôn nhau, cắt rốn mà còn là nơi tổ tiên, cha mẹ gửi gắm những vọng ước thiêng liêng. Thằng Hiếu mới học lớp 5 nhưng là đứa hiểu chuyện, kể từ khi biết mối tình buồn của bố với cô hàng xóm, cu cậu không còn thắc mắc vì sao cô giáo thật đẹp mà không chịu lấy chồng… Còn Đoàn, anh coi cuộc hôn nhân với Hậu như bếp lửa đã nguội từ lâu, nhưng vẫn luôn hy vọng và kiếm tìm trong lớp tro tàn ấy biết đâu vẫn còn viên than hồng đang chờ bùng lên ngọn lửa khát khao. Mới đây thôi, sau buổi ra vườn xới đất, Đoàn trở vào giếng, múc từng gầu nước dội lên người, tiếng nước xối xuống sân giếng át mọi âm thanh của buổi trưa yên ả. Hậu nhìn qua hàng rào vẻ lo lắng. Đứng tần ngần một hồi, chị lặng lẽ quay lưng. “Em có chuyện gì muốn nói với anh à?”. “À không… Chả là trời đang nắng quá, anh tắm thế này có sợ bị cảm không?”. “Anh bị cảm thì có ai nấu cháo hành cho anh không nhỉ?”. Câu tếu táo của Đoàn khiến Hậu đỏ bừng mặt vội quay vào nhà.

Sáng nay, gió mùa Đông Bắc ùa về. Đoàn sang giúp Hậu căng lại chiếc dây phơi, chiếc chăn bông mua từ ngày cưới được chị mang ra sân vẫn vương mùi nắng cũ. Anh nhìn chiếc đài, ngạc nhiên: “Sao em bọc lại thế này?”. “Nó kẹt băng anh ạ”- Hậu không hiểu sao lúc ấy cô lại có thể vuột ra câu ứng biến nhanh đến thế. Cho đến khi Đoàn ôm chiếc đài về sửa, cô vẫn chưa hết hồi hộp. Một lúc sau, từ phía bên kia hàng rào, lời bài hát quen thuộc vọng ra từ chiếc Cassette nồng nàn, da diết: “Dù đi đâu và xa cách bao lâu, dù gió mây kia đổi hướng thay màu, dù trái tim em không trao anh nữa, một thoáng hương tràm cho ta bên nhau…”.

Một chiều chạng vạng, Hậu dắt xe vào cổng đã thấy cu Hiếu đứng đợi: “Cô về muộn thế. Nay nhà cháu có canh chua nấu moi ngon lắm. Bố bảo cháu mời cô sang ăn cùng cho vui ạ”. Canh moi ư, quê Hậu thường gọi nó là ruốc biển, đó món ăn Hậu rất thích. Ngày xưa, mỗi lần có moi tươi, Đoàn thường ra vườn hái khế chua vào cho vợ nấu. Ngày xưa, có biết bao kỷ niệm.

Đã bước sang tháng Chạp, những đồi tràm phía sau nhà đang thì nở rộ. Sau bữa cơm tối, Đoàn và Hậu ngồi dưới mái hiên. Anh bàn với chị nhiều dự định sắp tới. “Ngày mai anh sẽ mua sơn về quét lại sân, nhà để chuẩn bị đón Tết. Anh quét sơn tím cho em nhé?... Anh cũng vừa dọn sạch những bụi gai xấu hổ phía chân đồi, ra Giêng sẽ trồng thêm tràm em ạ. Anh sẽ lên đơn vị cũ, mua bà con ít giống hồi và quế về trồng thử xem sao.”. Không gian dường như ngừng trôi… Đoàn vòng tay ôm chặt Hậu vào lòng, thì thầm: “Em về với bố con anh nhé. Chúng mình xây dựng lại cuộc sống mới, được không em?”. Hậu ngả đầu vào vai anh, những giọt nước mắt của sự cô đơn, tủi hờn và cả hạnh phúc dường như hòa quyện vào nhau, lăn dài trên má.

Đêm nay, vầng trăng mười sáu rắc ánh vàng rực rỡ xuống khoảng sân vừa khô màu vôi mới. Bên mái hiên, trong hương tràm nồng nàn, dịu ngọt, có hai mái đầu đang kề nhau bàn tính chuyện tương lai.

Tháng 11/2023

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Hình minh họa. (Nguồn: Văn Học)

Rể quý

(PLVN) - Chíu chíu. Giật. Bũm. Trượt rồi...! Tôi gào bỏng họng. Không được cá, thế mà vẫn vui. Ha ha. Từ sớm những gã mê câu đã í ới hẹn nhau. Khu đồng đất thênh thang. Quán cà phê mọc lên đủ ôm chứa những gã đàn ông nhàn rỗi, thích lối sống thảnh thơi.

Đọc thêm

Tôn vinh 80 năm Truyền thống Công an Nhân dân qua Trại sáng tác Văn học nghệ thuật 2025

Quang cảnh lễ khai mạc.
(PLVN) -  Ngày 27/3, Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức khai mạc Trại sáng tác Văn học nghệ thuật chủ đề “80 năm Truyền thống Công an Nhân dân và quê hương Quảng Trị anh hùng” năm 2025, hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân (CAND) 19/8 (1945-2025).

Ánh mắt vùng sơn cước

Ánh mắt vùng sơn cước
(PLVN) - Hoa mơ, hoa mận nở rộ mà trời vẫn có gì đó mênh mang. Bản Thia, bản Ngài như trở nên vắng hơn, lọt thỏm giữa núi rừng. Những bước chân của học trò cũng trở nên chậm chạp. Tôi liên tục nhận được cuộc gọi của bác sĩ Thìn và các đồng nghiệp khác hỏi về cô Diệu.

Sự khác biệt không xóa nhòa

Ảnh minh họa. (Nguồn: FB)
(PLVN) - Cái cách cô nhắm nghiền đôi mắt lại để lắng nghe những lời áp đặt của gã khiến mọi người xung quanh những tưởng cô phải là người làm nên những lỗi lầm gì quá đáng lắm mới khiến người đàn ông đối diện giận dữ đến mức vậy.

Khi khí chất đẹp đẽ nhất của hoa được cảm nhận

Khi khí chất đẹp đẽ nhất của hoa được cảm nhận

(PLVN) - Nhất Hoa Nhất Khí, nơi nghệ thuật cắm hoa không chỉ là sự sắp đặt những cành hoa mà còn là câu chuyện về sự sống, về triết lý nhân sinh, sự hài hòa của thiên nhiên, con người. Khi có sự thấu cảm, tác phẩm sẽ khiến người xem thấy được khí chất đẹp đẽ nhất của hoa.

Người chồng 'mù'

Ảnh minh họa. (Nguồn: FB)
(PLVN) - Bạn đã từng ở trong hoàn cảnh, hoặc biết ai đó, âm thầm lên kế hoạch chia tay chồng của mình? Hay một người chồng bỗng một ngày nhận được đơn ly hôn từ vợ và hoàn toàn bất ngờ về điều đó? Bạn có từng chất chứa bao nhiêu là nỗi niềm, bạn cần vô cùng một người để chia sẻ, mà lại chẳng thể nói gì với người đang đắp chăn nằm bên cạnh?

Hoa thơm đầy ngõ

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) - Sáng sớm, ông Phê chào cả nhà, nói đi một lát, về sẽ có quà cho Bi. Đã quá trưa, không thấy ông nội về, thằng Bi phụng phịu với mẹ: “Ông đi đâu mà lâu thế không biết”. Người bố quát con “Mặc ông, ăn nhanh lên mẹ mày còn dọn”.

Nhớ mùa hoa gạo

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
(PLVN) - Mỗi khi quay lại thăm trường cũ tôi lại bồi hồi đứng trước gốc gạo đỏ chói giữa trưa hè. Bao giờ cũng vậy, dù đi xa cách mấy tôi luôn cố gắng quay về vào ngày hoa gạo nở đỏ rực cả một khoảng sân trường chỉ để đắm chìm trong cái sắc đỏ ấy mà hồi tưởng, mà nhớ thương.

Dòng gió bụi

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) -  Đang ngồi tiếp chuyện hai vị khách thì Tỏ đi qua, hất hàm hỏi ông Quà: “Lão thấy ví tôi không? Đưa đây?”.

Viết cho tình yêu

Ảnh minh họa. (Nguồn: H.Ái)
(PLVN) - “Em mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa”... Có lẽ, đó là ước nguyện của chúng ta được nhà thơ Quang Dũng nói hộ bằng hai câu thơ ấy.

Bức tranh

Bức tranh
(PLVN) - Quả là một rừng mây tuyệt mỹ! Ngân thốt lên vui sướng khi vừa đặt đồ nghề xuống. Ngân đã từng nghe nhiều đến nơi này, nhưng mọi lời miêu tả không bằng một vài giây đắm mình trong cảnh sắc tuyệt diệu này. Cô hít hà thật sâu rồi rộn ràng vẽ, như thể đang sợ vẻ đẹp trước mắt sẽ tan biến. Ngân yêu tranh màu nước và những bức vẽ của cô bao giờ cũng đầy hào hứng, rực rỡ, dù tâm trạng cô đang bấn loạn, thậm chí khi tinh thần khủng hoảng.

Đợi chờ ngày hoa nở

Ảnh minh họa. (Nguồn: TL)
(PLVN) - Chẳng biết tự bao giờ, nhân loại lấy sự tồn tại và phát triển của thực vật, mà cụ thể là những bông hoa, chiếc lá để làm “cột mốc xanh” cho những niềm hy vọng, cho những sự hứa hẹn về tương lai.

Người dưng đất lạ

Người dưng đất lạ
(PLVN) - Xứ nào có người thương đều là quê hương, xứ sở, Phú nhớ mang máng từng nghe một câu tương tự như thế trong một bộ phim nào đó đã xem. Nên chi mỗi lần có ai thắc mắc can cớ chi bỏ xứ ra đây, anh thường nói rành rẽ, tại có người tui thương. Thiên hạ thắc mắc tiếp, anh này lạ lùng, “thuyền theo lái, gái theo chồng” mắc mớ chi anh không đem người anh thương vô xứ trong ở với mẹ già. Phú lại cười hiền, biết trả lời mấy cũng dễ chi vừa lòng thiên hạ. Thôi, cười cho xong chuyện.

Triển lãm ảnh "Văn Bàn nghĩa tình"

Triển lãm ảnh "Văn Bàn nghĩa tình"
(PLVN) - Triển lãm ảnh với chủ đề "Văn Bàn nghĩa tình" được tổ chức tại xã Tân An, huyện Văn Bàn -  nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

'Gửi một người mẹ Việt Nam' - bài thơ được nhà thơ Mỹ đọc tại 'Ngày Thơ Việt Nam năm 2025'

'Gửi một người mẹ Việt Nam' - bài thơ được nhà thơ Mỹ đọc tại 'Ngày Thơ Việt Nam năm 2025'
(PLVN) - Ngày 12/2/2025 (tức 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình sẽ diễn ra “Ngày Thơ Việt Nam năm 2025” với chủ đề “Tổ quốc bay lên”. Ngày Thơ năm nay có nhiều điều đặc biệt như lần đầu tiên không tổ chức ở Hà Nội và có sự tham gia trình diễn thơ của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl. Ông sẽ đọc tác phẩm “Gửi một người mẹ Việt Nam” tại Ngày Thơ như một cách để kết nối văn hóa và hàn gắn quá khứ bằng ngôn ngữ của thi ca.

Xuân

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) - Sớm nào cũng vậy, đã thành lệ, ông Biên dậy sớm, pha một ấm trà thơm. Sau hồi độc trà, ông lặng lẽ ôm khung tranh, chổi, cọ và những vật dụng cần thiết ra bờ hồ vẽ tranh. Lúc này, người dân thành phố cũng đã đi tập thể dục, phố xá khởi động một ngày mới đầy tấp nập.