Thư tình trên ngọn bàng vuông

Ảnh minh họa truyện. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa truyện. (Nguồn: Internet)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cây bàng vuông ở quần đảo Trường Sa có từ rất lâu rồi. Một người lính đảo đi tuần tra đã nhặt được một quả lạ có hình khối vuông đem về ươm trồng. Vài năm sau cây trổ hoa kết quả. Cứ thế bàng vuông bén đất, tỏa bóng xanh mát, làm duyên, ướp hương cho đảo.

Học trò trường Cẩm Giang biết thấu sự tích này. Bởi ngay giữa sân trường là một cây bàng vuông vươn vai đứng sừng sững hiên ngang cùng với phượng, sấu, xà cừ, hoa sữa… tạo những chiếc ô khổng lồ che nắng, che mưa mỗi giờ chơi, giờ học. Lúc đầu chuyện này được kể trong giờ học môn Lịch sử của cô giáo Thủy khi thầy trò vừa chuyển sang khu trường mới, sau trò cũ kể cho trò mới, không những chỉ là câu chuyện sự tích bàng vuông ở tận đảo xa kia, mà ai cũng tường luôn sự tích cây bàng vuông ở giữa sân trường.

Không phải sóng biển đưa hạt bàng vuông dạt vào sân trường, không phải chim tha hạt thả xuống như sự tích dưa hấu của Mai An Tiêm, chính thầy giáo Nghĩa đã được vinh dự ra thăm đảo Trường Sa Lớn, nên trường Cẩm Giang mới trồng được món quà gửi từ ngoài biển vào giữa sân trường, bồn cây ngay sát bục cột cờ, thứ hai đầu tuần nào, bàng vuông chẳng cùng các bạn cây xanh khác nghiêm trang xếp hàng với các cô cậu học trò, các thầy, cô giáo hướng mắt lên lá quốc kì để làm lễ chào cờ.

Ngày 22 tháng 12, ngày thành lập Quân đội nhân dân, lại cũng đúng ngày chia tay thầy hiệu trưởng Nghĩa về hưu, nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức kỉ niệm rất trọng thể, khách mời đến giao lưu sẽ là một người lính.

Vừa nghe tin sốt dẻo đó, cánh con gái lớp 12B đã ôm mặt kêu lên thích thú, nhiều đứa ước anh bộ đội phải thật trẻ, lính trẻ, còn đẹp trai. Bọn con trai thì phủ đầu, sẽ là người lính già ngực đeo nhiều huân, huy chương. Không chung quan điểm, lập tức chia thành hai phe tả, hữu cãi nhau chí chóe.

Các tiết mục văn nghệ đã được các chi đoàn kín đáo tập dượt đợi phút trổ tài.

Sân trường được quét dọn sạch tinh, hoa mười giờ được trồng bổ sung vào các bồn trông thật vui mắt.

Băng rôn, khẩu hiệu căng lên. Cờ đuôi nheo cũng đã cắm dọc từ cổng vào. Không khí hội đã như bó đuốc châm lửa đang rừng rực cháy.

Nhưng một chuyện bất ngờ đến nỗi đã gây rúng động không hề nhẹ trong sân trường Cẩm Giang vào sáng hôm trước của ngày lễ.

Sáng 21 tháng 12.

Giữa sân trường.

Hai cậu học trò lớp 12B, là Tuân và Thuận đi đến sớm để trực nhật, chuyện này đã được thực hiện một tuần nay vì lí do đi muộn ba buổi học quy đổi thành trực nhật chín ngày. Chẳng hiểu chia nhau thế nào, hai cậu cãi nhau không công bằng, đuổi nhau chạy ra ngoài sân rình rịch. Người chạy trước, kẻ đuổi sau, cứ như đèn cù vòng quanh gốc bàng vuông. Tuân bị đuổi chạy nhanh quá vấp ngay phải quả bàng vuông, trượt chân, té ngửa đang đác. Mắt nổ hoa cà, hoa cải nhìn vòm trời xanh lấp ló sau kẽ lá.

- Làm bộ, nhanh lên vào quét lớp kẻo lại ăn phạt thêm tuần nữa.

Thuận giục, nhưng mắt Tuân như trợn ngược lên chỉ nhìn thấy lòng trắng.

- Mày định đợi cái Thảo đến bế dậy chắc? Mất mặt quá.

Có vẻ như chuyện mất mặt của đàn ông đã không còn ý nghĩa gì ở đây, lúc này. Tuân lắp ba lắp bắp, gắng sức chỉ tay lên vòm lá.

- Nhìn kìa, nhìn kìa! Có một lá thư trên ngọn bàng vuông.

Đến lượt Thuận nhìn lên, một màu xanh lá cây đan xen xanh da trời, cậu này phải cúi sát mặt sân trường trong tư thế như đang nằm ngửa của Tuân thì mới nhìn thấy một phong thư màu xanh nước biển đang gắn lên một cành bàng vuông, như nhụy gắn lên đài hoa.

Vốn cầm tinh con khỉ, chớp mắt, Thuận đã tót lên cành cây. Lá thư được hạ cánh xuống an toàn tuyệt đối.

Hai thằng còn chưa kịp hí hửng vì bắt được thư thì tiếng thầy Vinh, Bí thư Đoàn xé lên sau gáy:

- Giờ thì cấm cãi nhé. Đã chụp hình ảnh làm tang chứng rồi. Thảo nào mà, mấy cái cây phượng, cây sấu, cả cây bàng vuông kỉ vật quý của trường ta nữa, toàn gãy cành, xiêu gốc. Các cậu trèo leo suốt thì sao mà cây lớn được. Chính là các cậu đã trèo lên bẻ hoa, ngắt quả chứ không phải ai khác.

Hai cái trượt, ảnh đã hiện lên trên di động. Thằng thì ngước lên để đùn đít, thằng thì bặm môi, với tay, đạp chân, để vươn lên. Một cành bàng vuông còn non oằn lại tưởng muốn gãy, vài chiếc lá đã rủ xuống.

Mấy cái đầu đã chụm lại, kiễng chân, xem lén ảnh của thầy Vinh. Chúng đồng loạt đổ thêm dầu vào lửa:

- Thầy cứ cho đi dọn nhà vệ sinh!

- Phải hạ cả hạnh kiểm, cái tội vi phạm điều cấm.

- Quan trọng là dám cả gan phá hoại cây bàng vuông vốn là kỉ vật từ đảo xa mà thầy Nghĩa đã mang về, trong khi mai chia tay thầy.

- Thảo nào mà cây chậm lớn thế.

Cãi không lại với giời, cuối cùng thằng Thuận phải chìa lá thư ra, phân bua:

- Tại lá thư này ai gửi trên đó. Em đã trèo lên để lấy xuống.

Những cái mồm lại liến thoắng:

- Thư của ai? Đừng có tự bịa ra để trốn tránh tội lỗi.

- Bịa gì, thư thật, không tin mở ra coi.

Thầy Vinh cầm trịch. Phong bì dán bằng tờ giấy A4, khung vẽ những ngọn sóng xanh đang dập dờn, không đề tên người nhận, được cắt ra.

Cái Thảo, cái Ngân run run chắp tay trước ngực, chờ đợi, cứ như thư gửi cho chúng không bằng.

Thầy Vinh mở thư. Nét chữ hơi méo, dài, gập ghềnh, nhưng cứng cỏi.

Thằng Thuận lanh chanh đọc to:

“Phượng hồng thương nhớ!

Trường lớp đây!

Cây sấu vẫn còn nghiêng về hướng đông như đất liền hướng ra biển, chắc do ngày ấy, cứ mỗi giờ chơi, chúng mình cùng tựa lưng trò chuyện, anh nói học xong thích đi bộ đội, em bảo muốn làm cô giáo.

Cả dòng chữ anh đã lén ra khắc trộm tên anh và tên em trên gốc cây xà cừ, vẫn còn nguyên vẹn như xưa, cây hiểu lòng người đã lưu giữ hộ kỉ niệm thuở ban đầu.

Còn em, cô gái xinh xắn và đa cảm nhất trường, em có nhớ anh không?

Phượng hồng dấu yêu?”

Thư đọc xong.

Không gian nhuốm màu tương tư. Ai cũng chợt thấy có điều xốn xang. Cái Thảo đã đỏ hoe mắt, hai tay bẻ nhau, chực khóc. Thằng Hưng nhìn cái Thảo, bần thần.

Không ngờ học với nhau bao nhiêu năm, lần đầu tiên cả bọn phát hiện ra giọng đọc của Thuận tuy có khê khê nồng nồng mà hôm nay chợt dâng trào cảm xúc không khác gì nghệ sĩ hát chèo đang ngâm thơ cho lá thư tình trên ngọn bàng vuông này.

- Ai mà gửi cho tao lá thư này, tao sẽ yêu ngay người đó.

Thảo nói khẽ với Ngân. Ngân tròn mắt. Không đợi bạn hết ngạc nhiên, đang đứng sau lưng thầy Vinh, cái Thảo chạy lại, đưa hai tay lên lễ phép:

- Thư này là gửi cho em đấy ạ. Thầy cho em xin!

- Gửi cho em? Có đề tên đâu mà em biết? Với lại ai gửi?

Thảo vẫn khẳng định mình là chủ nhân của bức thư. Chưa biết ai gửi, vì lớp này có tới năm bạn trai muốn đi bộ đội, còn chỉ có một mình Thảo nói muốn làm cô giáo, mình Thảo hay mít ướt, nhiều đứa gật đầu làm chứng. Thảo lại từng được bọn con trai trong lớp bình bầu làm hoa khôi lớp nhân một buổi lao động hoàn thành sớm. Cây bàng vuông chỉ trồng trước cửa lớp 12B, là tín hiệu báo tới lớp 12B, là nơi gửi gắm tâm tình của dân cư 12B, đương nhiên là hòm thư của nhà 12B, không gửi cho Thảo thì còn ai vào đây? Thầy Vinh hãy trao lá thư đó cho Thảo, mọi hình phạt nó xin nhận hết.

Thầy Vinh lần chần.

Cậu Hưng cúi đầu tiến lại phía thầy, như bị cáo ra đứng trước quan tòa.

- Là em viết bức thư đó ạ. Em muốn gửi cho bạn Thảo.

- Em viết?

- Vâng. Em là người đã khám sơ tuyển để thi vào trường quân sự vừa rồi.

- Em cũng khám.

Thằng Tuân xí xớn. Từ lâu nó cũng thích cái Thảo nhưng vì nhỏ con, mắt lại hơi hiếng, không đủ tự tin nên chưa dám ngỏ lời, lại vốn ganh ghét thằng Hưng, nhân cơ hội giời trao, nó tận dụng. Thực ra, lúc đăng kí sơ tuyển, Tuân vào trình diện, chưa cần khám xét gì, các chú khám đã cho nó ra ngoài ngay sau vài phút.

Thầy Vinh bị tung hỏa mù. Hết nhìn Thảo lại nhìn Hưng. Còn hai đứa nó đang nhìn nhau. Cái Thảo nhìn ngỡ ngàng. Thằng Hưng nhìn đầu thú. Thư màu xanh nước biển vẫn trong tay thầy.

Hưng lại nói, nó muốn tỏ tình theo trường phái ấn tượng nên mới treo thư trên cây.

Mấy thằng xúm lại nhìn chữ. Nét chữ hơi méo, dài, gập ghềnh, nhưng cứng cỏi, cũng giống nét chữ thằng Hưng. Tuy chữ trong vở Hưng hơi xấu hơn. Có thể để chinh phục trái tim đa cảm của người xinh xắn, nó phải nắn nót.

- Có cách!

Thằng Thuận kéo mọi người ra gốc cây xà cừ. Mọi đôi mắt chong lên. Soi từ trên soi xuống, soi từ trái qua phải, rất nhiều các chữ cái đôi ghép lại với nhau lằn trên vỏ cây vẫn chưa kịp liền, sau cùng thì phía gốc cây cách mặt đất chừng hai gang tay nó thấy chữ H và chữ T nối với nhau bởi một hình tim.

Bằng chứng ngoại phạm làm Tuân vữa ra như cơm nguội. Hưng, Thảo thì ửng đỏ hai má, chẳng dám nhìn ai, cứ nhìn vào gốc cây. Hai chữ ở gốc cây nhìn lại hai đứa.

Trống vào lớp.

Thầy Vinh nhân nhượng cho Thảo nhận thư. Sáng mai, Thảo phải đảm nhiệm tiết mục văn nghệ múa công, dù sao thầy cũng không muốn nhìn thấy con công rầu lòng khi đang xòe đuôi múa trong rừng.

Hưng phấn khởi ra mặt khi được nhận hình phạt quét sân trường một tuần vì can tội trèo lên cây gắn thư. Thuận, Tuân được tha bổng.

Giờ Lịch sử đầu tiên. Cô giáo Thủy đã vào lớp, cô gõ gõ thước lên bàn ba cái mà dưới lớp vẫn còn nhốn nháo. Chuyện bức thư tình kì lạ trên ngọn bàng vuông cứ dấy lên từng đợt như sóng cồn.

Nhiều đứa học trò gái mặt thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ, ngóng lên ngọn bàng vuông. Biết đâu còn một bức thư tình khác còn ẩn nấp trên tán lá?

Mặt vài đứa con trai còn đờ đẫn hơn. Thảo là hoa khôi của lớp, đứa nào cũng ao ước được làm người yêu của Thảo, nhưng chưa dám thổ lộ vì còn gờm miếng nhau, vì còn học kém hơn Thảo, nay chỉ vì một lá thư trên giời mà thằng Hưng cũng chẳng học giỏi giang hơn gì, chỉ được cái to cao đen hôi, đã đánh cắp được trái tim người đẹp, hỏi không đờ đẫn mới là lạ!

Viết tên bài học xong. Cô Thủy ngồi im, nhìn xuống lớp như truyền luồng điện.

Lúc lâu thì học trò dưới lớp đã cảm nhận được dòng điện đó lan trên mặt, truyền xuống chân tay, mồm miệng đã khép lại.

- Cô ơi, cô giảng bài đi!

Giọng lớp trưởng vang lên yếu ớt.

Cô Thủy không phải không bị bộn rộn khi nghe đồng nghiệp báo có một kẻ gửi lá thư tình nặc danh đã chọn cành bàng vuông làm hòm thư, nhưng bài dạy vẫn phải trôi, phải cuốn để học sinh hút theo. Cô nghĩ vậy nên dồn hết nhiệt tình vào từng lời giảng, giọng cô truyền cảm, học trò bị cuốn hút ngay sau vài lời dẫn dắt khởi động tiết dạy.

Bản đồ Việt Nam vừa treo lên bảng thì lấp loáng sau khung cửa sổ có bóng một người lính hải quân, như mây, như sóng cuốn vào cửa lớp, thoảng lên có cả mùi gió biển, nước biển. Cả lớp nghiêng hết ra ngoài, tưởng lệch phòng, cô giáo nhắc không được. Lớp trưởng trỏ tay ra cửa lớp. Cô đành quay ra nhìn theo đám học trò.

Cửa lớp như khung tranh, người lính hải quân đứng vời vợi, dáng vẻ đượm màu sóng gió, phía sau anh là tán bàng vuông, chẳng khác gì anh đang đứng trước biển.

Cô Thủy nhận ra nụ cười quen thuộc của người bạn trai cùng lớp năm xưa, Hùng.

Trong lớp, tiếng vỗ tay nổ giòn như pháo. Mấy đứa con gái lập tức đoán anh lính hải quân có lẽ là khách mời đặc biệt cho buổi lễ ngày mai.

Bọn con trai lớn muộn mà tỉnh hơn đám con gái, bảo, đích thị là người yêu cô giáo Thủy.

Sân trường sau giờ tan học.

Cô Thủy cùng người lính đảo sóng đôi dưới tán cây. Họ ngồi xuống thảm cỏ, tựa lưng vào gốc xà cừ đã sần sùi, mốc thếch theo tháng năm. Như học trò, họ cùng lần tìm chữ đôi đã khắc.

Cô giáo nhìn thấy hai chữ H, T.

- Nét chữ anh khắc năm nào.

- Chuyện xưa anh trèo lên cây để gửi thư cho em, thầy Nghĩa vẫn nhớ, lần thầy ra đảo, tình cờ anh gặp thầy, thầy còn thách, xem cậu học trò cá biệt năm xưa còn dám gửi thư kiểu đó không?

Lá thư ấy giờ cô vẫn giữ.

Cô định kể cho anh nghe chuyện sáng nay, lá thư tình trên ngọn bàng vuông đã có người đứng ra nhận, chẳng biết anh có hỏi người đó có phải cô không? Vừa lúc đó thì có chiếc lá bàng vuông đậu xuống vai cô, rồi từ từ rơi vào lòng bàn tay, nhẹ như một phong thư.

Tin cùng chuyên mục

Dẫu cho cuộc sống có đổi thay thế nào, vị trí, vai trò của một người thầy trong xã hội, trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ là không thay thế được. (Nguồn: ĐN)

Suốt đời học làm thầy

(PLVN) - Những lúc không bận bịu lên lớp hay bài vở, giáo án, anh vẫn thường miệt mài xem gì đó trên điện thoại, soạn gì đó trên máy tính, lúi húi ghi chép gì đó trong quyển sổ tay nhỏ mang bên người. Bạn bè hỏi, anh bảo anh đang học. Bạn bè đôi khi đùa, sao đi làm thầy giáo rồi mà cứ học học nữa học mãi vậy, định học đến giáo sư à? Thì anh chỉ cười thủng thẳng: Sự học là sự nghiệp suốt đời mà.

Đọc thêm

Sài Gòn trong cơn mưa…

Những cơn mưa Sài Gòn thường chọn cho mình giờ rơi khắc nghiệt nhất, ấy là buổi tan tầm.
(PLVN) - Nhiều người hay bảo thích ngắm mưa rơi. Vì nhìn mưa rơi sao mà tươi mát, mà dịu dàng đến thế, như một bản nhạc của đất trời.

Xuyên bão

Tranh minh họa của Văn Học
(PLVN) - Trận bão về sớm hơn thường lệ. Gió ầm ào gào rít như muốn tàn phá tất cả. Ngoài kia, cây cối bị vặn ngả nghiêng, rõa rượi, lá bị bứt xáo xác, bay chíu chít.

Về nhé bạn ơi!

Ảnh minh họa. (Nguồn: N.T)
(PLVN) - Cứ sáng sớm hơn 4 giờ bố sẽ gọi tôi dậy. Vệ sinh cá nhân xong là đi học. Nhà tôi cách trường hơn 10 cây số. Cả làng chỉ có mình tôi đi bộ nên sáng nào cũng vậy, bố đều đi cùng cho tới khi gặp được người đi chợ thì ông mới quay về.

Miền thơ ấu

Ảnh minh họa. (Nguồn: B.T)
(PLVN) - Sáng đi học, chiều vừa chăn bò, cắt cỏ. Nếu không cắt cỏ thì phải vơ lá. Thôi thì đủ các loại lá, lá tre, lá vải, gốc cây ngô, dây bù lào già (cây bí đỏ)… để về làm củi đun.

Báu vật của người già

Ảnh minh họa
(PLVN) - Có một lần, một người bạn của tôi đăng lên mạng thông tin “Tìm bố lạc”. Trong bài viết ấy, bạn nói rằng bố bạn đã bỏ nhà đi mấy hôm nay. Kèm theo thông tin ấy là tấm ảnh một người đàn ông hơn 65 tuổi, trông còn minh mẫn, nét mặt sáng sủa, hiền lành.

Thám tử

Ảnh minh họa - Nguồn: ST
(PLVN) - Gã thích đội mũ nỉ đen, mặc áo ba đờ xuy đen và đeo kính râm mỗi khi ra đường mà không cần biết đó là mùa đông hay mùa hạ.

Gánh hàng rong

Hàng rong gây thương nhớ. (Ảnh: Pinterest)
(PLVN) - Đó là lúc canh khuya sương lạnh, trên con đường vắng tanh, có người mẹ, người chị kẽo kẹt gánh hàng rong ra chợ. Ánh lửa bập bùng từ bếp lò than sáng lên màu hồng tươi trong đêm đen, chuyển động nhịp nhàng theo bước chân chạy lúp xúp, rong ruổi, đánh thức sự sống ngày mới.

Sốt nhẹ

Ảnh minh họa: PV
(PLVN) - Rồi thì trong họ cũng không biết được rằng tình cảm ai nặng hơn: một người vốn luôn vui vẻ, chân thành lại vì một người chỉ cần nhắc đến tên là rơi lệ; và một người vốn lúc nào cũng lạnh nhạt, hờ hững với đời lại trở thành một người lãng mạn, biết quan tâm. Tình yêu muôn loại, ta sẽ không thể nào biết được toàn tâm, toàn ý vì một người hay thay đổi vì một người, cái nào sâu nặng hơn.

Giọt thu

Tranh minh họa: Nguyễn Văn Học
(PLVN) - An đến khi những cơn mưa mùa thu vẫn lất phất gõ đều trên mái hiên gỗ. Quán nằm trong con hẻm nhỏ. Giàn hoa phong sương vẫn biêng biếc lá. Bao năm rồi, quán vẫn cũ kỹ nằm nghe tàu lửa chạy sầm sập qua. Những bản tình ca cũng da diết như ngày nào. Chỉ có người ta sẽ trôi vào guồng quay bất tận của thời gian rồi dần dà thay đổi, chứ cái quán này muôn đời vẫn vậy, trừ khi ông lão họa sĩ mất đi mà thôi.

Ngắm 'năm cửa ô Hà Nội' qua 3D

Không gian “Hà Nội vùng đứng lên” trong triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”. (Nguồn: BTC)
(PLVN) - Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”.

Khi mạng xã hội thành “sàn diễn”

Khi mạng xã hội thành “sàn diễn”
(PLVN) - Trong thời đại số hóa, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối và chia sẻ, mà còn trở thành “sân khấu” để nhiều người phô diễn. Sống ảo, "phông bạt" trên mạng đang dần trở thành một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.

Vùng trời tím biếc

Vùng trời tím biếc
(PLVN) - Nghe tiếng, tôi biết ông Đúc đến tìm bố, nên hờ hững bảo “họa sĩ ở trong phòng”. Tôi phụng phịu quay lại bức tranh đang vẽ dở. Cây khế lúc lỉu quả và hoa với lích chích tiếng chim kêu chẳng làm tôi tĩnh tâm được, có lẽ vì thế các bức vẽ chẳng bao giờ ra hồn. Chiều qua bố trúng gió nên có hơi sốt, tôi chỉ mua thuốc rồi đặt lên bàn mà không nói gì. Suốt bao năm qua tôi cứ tự đẩy bố xa khỏi mình.

Triển lãm thầy trò 3 miền đất nước

Triển lãm thầy trò 3 miền đất nước
(PLVN) - “Gặp gỡ mùa thu” là triển lãm của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp và 4 học trò Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trần Trọng Đạt với những điều khác biệt, không chỉ về sắc màu, thời gian mà còn cả không gian.

Những cuộc chia ly

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Nỗi buồn nhỏ giọt từng chút một trong đêm, cứ tựa như những giọt sương đang nấp đâu đó trên mái nhà vắng, rồi rơi tõm vào lòng người cô tịch. Miệng mở ra nói câu đầy kiêu hãnh: “Người như tôi đau rồi sẽ chừa” nhưng rồi cuối cùng mọi thứ lại lặp lại, cứ như chưa từng có bài học nào, chưa từng có kí ức buồn thương nào lưu lại. Tôi, rồi lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của chính tôi.

Triệu chứng kẹt xe

Tranh minh họa: V. Học
(PLVN) - Sẽ không có gì đáng nói nếu như ông bố không rút “lệnh cho nhà”. Quân sẽ ngoan ngoãn nghe lời ông và không có gì oán thán. Đằng này ông cụ lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ làm anh cay cú. Ngôi nhà cũ anh sẽ đầu tư xây mới, biến thành biệt thự tân thời. Một mình sở hữu hai căn, vậy coi như ổn với gã đàn ông một vợ, hai con.

Triển lãm “Non nước biên thùy” của Họa sĩ Đỗ Đức

Tác phẩm "Trên nương" của họa sĩ Đỗ Đức.
(PLVN) -  Ngày 11/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra Lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật "Non nước biên thùy" của họa sĩ Đỗ Đức. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 7 của họa sĩ Đỗ Đức ở Hà Nội, sau triển lãm "Ngựa trên núi" cách đây đúng 10 năm (2014).

Buông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nếu mà bà không thương ổng thì buông tha cho người ta để người ta còn đi lấy vợ nữa chứ?