Ban đầu, Ấn Độ cũng tham gia đàm phán nhưng rồi quyết định không tham gia nữa. Quá trình đàm phán về RCEP kéo dài 8 năm và trải qua 31 vòng thương thảo. Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của thế giới nên sự tham gia của họ vào RCEP đóng góp rất quyết định vào phạm vi thị trường, quy mô và trọng lực của thoả thuận. RCEP là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại (2,2 tỷ người tiêu dùng và 30% GDP cả thế giới).
Ngoài RCEP ra, cho tới nay chỉ có Thoả thuận về Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là khu vực mậu dịch tự do bao trùm khu vực châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Cả Mỹ và Trung Quốc đều không tham gia CPTPP.
Trên phương diện kinh tế đối ngoại và ảnh hưởng chính trị khu vực và thế giới nội sinh từ đó, Trung Quốc nhờ RCEP mà có thể có được vị thế, vai trò và ảnh hưởng nổi bật hơn hẳn Mỹ và EU. Cũng nhờ RCEP mà Trung Quốc có được ưu thế hơn hẳn Mỹ và EU trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các đối tác lớn của thế giới ở khu vực này cũng như trên thế giới. RCEP có thể trở thành một trong những bên đóng vai trò quyết định tới việc xác định, sửa đổi, điều chỉnh, thay thế hoặc duy trì luật chơi trong quan hệ kinh tế đối ngoại quốc tế, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa và tự do thương mại trên bình diện toàn cầu. Cả ở trên phương diện ấy, RCEP đưa lại cho các nền kinh tế lớn là thành viên những lợi thế đặc biệt mà các đối tác khác như Mỹ hay EU không thể có được.
RCEP ra đời trong bối cảnh tình hình rất đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Năm nay, cả thế giới bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra làm cho thay đổi rất cơ bản và sâu sắc. Cuộc sống thường nhật của con người và quan hệ giữa các quốc gia và đối tác trên thế giới bị xáo trộn rất mạnh mẽ.
Dịch bệnh làm chậm lại tốc độ diễn tiến của quá trình toàn cầu hoá và thúc đẩy sự chống đối quá trình này. Con người và các quốc gia trên thế giới phải xác định là dịch bệnh vẫn còn tiếp tục hoành hành dai dẳng và cả khi thế giới có đủ vaccine phòng ngừa nó thì cũng không thể trở lại được thời trước khi bùng phát dịch bệnh.
Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại trên thế giới không những chỉ phải được kiên định tiếp tục mà còn phải được vận hành sao cho hiệu quả và bền vững hơn, tiến xa nhanh hơn và không thể bị đảo ngược. Từ thời trước khi dịch bệnh bùng phát và lây lan ra thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc “thập tự chinh thực thụ” chống toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Ông Trump sử dụng bảo hộ thương mại và xung khắc thương mại để buộc các đối tác của Mỹ phải đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi. Phía Mỹ còn lấn át vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong bối cảnh tình hình chung như thế, sự ra đời của RCEP là điểm sáng bừng lên xua bóng tối, là bằng chứng mới về tiến triển của xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, hợp tác và liên kết quốc tế, tăng cường chủ nghĩa đa phương và đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ.
RCEP buộc các bên tham gia phải có những cải tổ chính sách rất đáng kể về đối nội và cả đối ngoại để thực hiện cam kết riêng và tuân thủ luật chơi chung trong RCEP. Trung Quốc và Nhật Bản có ảnh hưởng nổi trội trong RCEP nhưng cũng lại bị RCEP thiết chế trong những quy định và nguyên tắc chung. Sẽ không hề quá lời khi nói rằng RCEP đưa tất cả các bên tham gia vào một thời kỳ hợp tác, liên kết và hội nhập khu vực mới.
Cạnh tranh giữa các bên trong khuôn khổ RCEP sẽ rất quyết liệt bởi RCEP đưa lại tiền đề thuận lợi mới cho phát triển kinh tế xã hội ở quốc gia, nhưng đồng thời cũng đẩy quốc gia đến trước những thách thức mới trên nhiều phương diện.