UBND quận Lê Chân mất tới gần 10 năm để tuyên truyền, vận động nhưng 08 trong tổng số 825 hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện hai dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo nút giao thông Quán Mau vẫn chưa thông.
Dự án lớn
Ngày 20/5/2004,UBND TP Hải Phòng ra quyết định thu hồi 12,6 ha đất tại hai phường Đông Hải, Dư Hàng Kênh trên địa bàn quận Lê Chân để giao cho Cty vật liệu và xây lắp thương mại thuộc Sở Thương mại TP Hải Phòng thực hiện Dự án xây dựng trục đường giao thông đô thị nối đường Lạch Tray - tuyến đường huyết mạch của Hải Phòng với khu du lịch Đồ Sơn với đường Hồ Sen – Cầu Rào, một tuyến đường, khu đô thị mới đang được TP Hải Phòng triển khai thực hiện.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch của UBND TP Hải Phòng, Dự án đường trục giao thông từ đường Lạch Tray nối với đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 không chỉ giải quyết vấn đề giao thông phía Tây TP, dự án còn góp phần chỉnh trang đô thị, san lấp khu ao hồ nằm xen kẹt trong khu dân cư cũ, di chuyển một bộ phận dân cư trước đây là vùng ven đô với cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ tới các khu tái định cư được TP Hải Phòng giao cho Cty vật liệu và xây lắp thương mại xây dựng trên địa bàn các quận Hải An, quận Lê Chân.
Năm 2005, sau hơn một năm triển khai dự án đã có 371 trong tổng số 398 hộ dân trên địa bàn phường Đông Hải và 115 trong tổng số 117 hộ dân trên địa bàn phường Dư Hàng Kênh bàn giao nhà đất cho TP Hải Phòng để TP Hải Phòng giao đất cho Cty vật liệu và xây lắp thương mai thực hiện dự án.
Song song với việc triển khai dự án nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen – Cầu Rào 2, tháng 4/2007, UBND TP Hải Phòng cũng có quyết định thu hồi 20.669,8 m2 đất tại điểm đầu của Dự án nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 trên vị trí nút giao thông Quán Mau tại địa bàn phường Đông Hải để thực hiện Dự án nút giao thông Quán Mau cho phù hợp với quy hoạch hệ thông giao thông đối ngoại tầm nhìn đến năm 2020, quy hoạch đến năm 2050 của Hải Phòng.
Chỉ trong thời gian ngắn, 260 trên tổng số 310 hộ dân phường Đông Hải trong diện bị thu hồi đất phục vụ Dự án nút giao thông Quán Mau nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư, giao mặt bằng cho Ban quản lý thực hiện dự án
Ông Trịnh Quang Sử – nguyên Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhớ lại, thời điểm TP Hải Phòng có quyết định phê duyệt hai dự án này để hợp thành một khu đô thị, hoàn chỉnh hệ thống giao thông đối ngoại phía Đông của TP Hải Phòng thì những dự án với Dự án án Khu đô thị Ngã 5- Sân bay Cát Bi là một trong hai dự án lớn của Hải Phòng về cải tạo, chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tạo diện mạo mới cho đô thị Hải Phòng.
Trước khi ban hành quyết định thu hồi, giao đất cho DN làm chủ dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống giao thông, UBND TP Hải Phòng cũng đã có văn bản tham vấn Bộ Tài nguyên & Môi trường về tính pháp lý của căn cứ thu hồi đất. Ngày 5/4/2004, Bộ Tài nguyên & Môi trường có công văn số 995/BTNMT – ĐĐ gửi UBND TP Hải Phòng khẳng định “thẩm quyền giao đất cho Cty vật liệu và xây lắp thương mại để thực hiện Dự án Khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 thuộc thẩm quyền giao đất của UBND TP Hải Phòng”.
Trước khi UBND TP Hải Phòng ra quyết định thu hồi đất, UBND quận Lê Chân, Ban đền bù giải phòng mặt bằng - nay là Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở TN – MT TP Hải Phòng đã cùng UBND hai phường Đông Hải, Dư Hàng Kênh tiến hành kiểm kê, xác minh có 398 hộ dân trên địa bàn phường Đông Hải và 117 hộ dân trên địa bàn phường Dư Hàng Kênh thuộc diện di dời để phục vụ dự án.
Theo các biên bản xác minh nguồn gốc đất được chính quyền cơ sở xác lập, phần lớn diện tích đất được thu hồi để làm dự án nằm trên vùng đất ven đô, do các hộ dân tự lập, tự chuyển nhượng, tự quy hoạch nhà ở, không phù hợp quy hoạch đất ở nên chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo, Cty vật liệu xây lắp và thương mại đã xây dựng hàng loạt khu tái định cư tại các phường Thành Tô – quận Hải An và khu Trại Lẻ, phường Dư Hàng Kênh – quận Lê Chân để giao đất cho người dân có đất bị thu hồi.
Chậm trễ bởi số ít người dân chưa thông
Mặc dù chỉ còn 79 hộ trọng tổng số 825 hộ dân trên địa bàn hai phường Đông Hải, Dư Hàng Kênh chưa nhận đền bù, chưa bàn giao mặt bằng nhưng cả hai dự án chưa thể triển khai được bởi lẽ số các hộ dân chưa nhận đền bù trên địa bàn phường Đông Hải lại nằm ngay tại Dự án nút giao thông Quán Mau, trên quy hoạch đường nối đường Lạch Tray nối với đường Hồ Sen – Cầu Rào 2.
Các hộ dân chưa nhận đền bù, chưa bàn giao mặt bằng đưa ra lý do giá đền bù thấp, yêu cầu được thỏa thuận đền bù như ghi nhận tại Luật Đất đai 2003. Được tái định cư tại chỗ; Thẩm quyền thu hồi đất không thuộc thẩm quyền của UBND TP Hải Phòng.
Ông Pham Tiến Du – Chủ tịch UBND quận Lê Chân chia sẻ, để giải tỏa những thắc mắc của 29 hộ dân còn lại, từ năm 2005 đến nay, UBND quận Lê Chân đã phối hợp cùng Sở TN & MT tổ chức hàng chục cuộc đối thoại với người dân.
Tại các cuộc đối thoại này, ngoài các căn cứ pháp luật, các giải thích có tình, có lý, lần nữa, vào năm 2007, Bộ TN & MT cũng có văn bản tái khẳng định việc thu hồi đất thực hai dự án này thuộc thẩm quyền của UBND TP Hải Phòng. Việc thu hồi, giao đất không trái luật, việc xem xét tái định cư tại chỗ cũng không có cơ sở bởi đây là các dự án phát triển giao thông, chỉnh trang đô thị.
Các quy định hướng dẫn hố trợ cho người bị thu hồi đất sử dụng đất trước năm 1993 được vận dụng tối đa như hỗ trợ thêm phần lãi suất đối với hai khoản tiền chính của người dân bị thu hồi đất là khoản tiền đền bù về đất và khoản tiền đền bù về vật kiến trúc đối với những hộ dân chưa nhận tiền đền bù, phần hỗ trợ lãi suất được tính từ thời điểm có quyêt định chi trả tiền đền bù đến thời điểm người dân thực nhận tiền.
Chưa hết, giá tiền sử dụng đất tại khu ở mới người dân nhận tại thời điểm hiện tại cũng sẽ được tính đúng bằng bảng giá đất của năm 2005, thời điểm có quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, Chủ đầu tư dự án chỉnh trang đô thị xác định, phần lớn các hộ chưa nhận tiền đền bù đều là các hộ cận nghèo đô thị, do vậy chủ đầu tư cam kết hỗ trợ thêm mức từ 50 – 100 triệu đồng đối với các hộ dân có mức đền bù về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trị giá dưới 500 triệu đồng.
Với những hỗ trợ tối đa từ chính quyền, từ năm 2007 đến nay đã có thêm 71 hộ dân tiếp tục nhận đền bù, bàn giao mặt bằng cho chính quyền để triển khai dự án. Đến nay, theo ghi nhận của UBND quận Lê Chân, chỉ còn 08 hộ dân, trong đó có một hộ là cán bộ của Sở Tài chính TP Hải Phòng vẫn không nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng với lý do quyết định thu hồi đất của TP Hải Phòng không đúng luật, giá đền bù thấp….khiến Dự án chính trang đô thị, mở rộng cải tạo nút giao thông Quán Mau chưa thể triển khai.
Ông Nguyễn Văn Phiệt – Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân tự bạch, hai dự án có tới 825 hộ dân cùng địa bàn có đất bị thu hồi, đã có 817 hộ dân có đất bị thu hồi đã thông tỏ các quy định của pháp luật, chỉ còn 08 hộ dân chưa nhận đền bù với lý do nhà nước thu hồi đất không đúng luật như phải có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Phiệt viện dẫn, thời điểm TP Hải Phòng ra quyết định thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng trục đường giao thông đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 là ngày 20/5/2004 là ngày Luật Đất đai 2003 chưa có hiệu lực pháp luật. Theo Luật Đất đai cũ, chính quyền không phải ra quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân có đất bị thu hồi.
Luật Đất đai 2003 có hiệu lực từ ngày 1/7/2004 mới có điều khoản quy định quyết định thu hồi đất được áp dụng cho từng hộ dân bị thu hồi đất. Việc xác định thẩm quyền thu hồi đất cũng như ra các quyết định thu hồi đất cá biệt đã được Bộ TN – MT nhiều lần giải thích cho người dân. Ông Nguyễn Văn Phiệt phân vân, nếu lập luận như 08 hộ dân thì hơn 800 hộ dân trước đó đã nhận đền bù không hiểu luật hay sao.
Lãnh đạo quận Lê Chân thẳng thắn thừa nhận, chậm nhận đền bù ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của 08 hộ dân bởi các hộ dân này phải sống “trơ trọi” giữ khu đất đã được GPMB với ngổn ngang đất đá, thiếu các tiện ích, hạ tầng tối thiểu của cư dân đô thị. Ngoài ra, chậm triển khai dự án cũng khiến chính quyền, người dân Hải Phòng bị những mất mát vô hình như ảnh hưởng trực tiếp tới thu hút đầu tư, giải quyết ách tắc giao thông; việc khiếu nại kéo dài của người dân cũng góp phần gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Phiệt cho biết, phương án cưỡng chế thu hồi đất đối với 08 hộ dân đã được UBND quận phê duyệt. trong những ngày tới, những hộ dân vẫn chưa nhận đền bù sẽ bị cưỡng chế, thu hồi đất, việc cưỡng chế các hộ dân cũng nhằm để chuyển người dân đến chỗ ở mới tại các khu tái định cư, giúp các hộ dân sớm an cư, ông Nguyễn Văn Phiệt quả quyết.