Nếu như các hộ nuôi trồng thủy sản mua và sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh trong chăn nuôi, thì các trang trại gia súc, gia cầm lại có cách mua nguyên liệu kháng sinh về hòa tan trong nước để cho vật nuôi uống phòng bệnh.
Tuồn từ các cơ sở nhập khẩu ra thị trường
Năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT thanh tra 15 Cty nhập khẩu (NK) nguyên liệu kháng sinh (NLKS) - những Cty NK lớn với tổng lượng kháng sinh NK, phân phối lưu thông chiếm khoảng 70% tổng số nguyên liệu kháng sinh được nhập. Trong đó, có 5 Cty nhập với mục đích sản xuất, 9 Cty nhập với mục đích thương mại và 1 Cty NK vừa sản xuất vừa thương mại.
Đáng chú ý, qua thanh tra phát hiện 5 Cty NK nguyên liệu kháng sinh với mục đích thương mại có hành vi bán sai đối tượng. Trung bình có khoảng 16% số lượng NLKS được các Cty NK đã bán sai đối tượng, các đối tượng này mua về để sử dụng NLKS sai mục đích như bán lại hoặc đưa vào Premix nhưng không ghi thành phần kháng sinh trên bao bì (Premix là một loại bột gồm hỗn hợp các chất giàu dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao, được trộn sẵn dùng bổ sung vào thức ăn vật nuôi-PV). Còn đối với các Cty thương mại thì tỷ lệ vi phạm cũng rất cao lên tới con số 22%.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2016, cơ quan này đã xử lý nghiêm các Cty NK có hành vi vi phạm, đình chỉ có thời hạn hoạt động NK NLKS đối với 5 Cty, rút chứng chỉ hành nghề đối với 2 Cty.
“Chúng tôi cũng đã thanh tra trực tiếp đối với 30 Cty có vi phạm về NLKS, xử lý 23 Cty, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1,6 tỷ đồng. Đồng thời đã củng cố hồ sơ và xác lập hành vi vi phạm đối với gần 200 đối tượng là các Cty sản xuất nhỏ,
đại lý kinh doanh vật tư nông nghiêp, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản nằm rải rác ở các tỉnh miền Tây và TP Hồ Chí Minh chuyển cho các địa phương xử lý”- ông Dũng nhấn mạnh.
Khó kiểm soát
Như trước đó PLVN đã thông tin, trong năm 2016, tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh vẫn chưa được cải thiện khiến 40 lô hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn bị bạn hàng trả về do phát hiện kháng sinh cấm hoặc dư lượng kháng sinh vượt mức. Nguyên nhân dẫn đến lô hàng bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh được cho là xuất phát từ công đoạn nuôi trồng.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, những vi phạm nổi bật mà cơ quan Thanh tra phát hiện ra là không chỉ các cơ sở lạm dụng hóa chất kháng sinh cấm trong quá trình chăn nuôi mà các Cty NK, các Cty sản xuất nhỏ cũng hùa nhau vi phạm. Thậm chí, không ít các Cty được Cục Thú y cấp phép kinh doanh NLKS cũng vô tư mua kháng sinh của các Cty NK và bán trái phép cho các đối tượng sử dụng trực tiếp, đặc biệt là cho cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Kết quả thanh kiểm tra cũng cho thấy, đã có hàng loạt Cty mặc dù không đủ điều kiện sản xuất thuốc thú ý, nhưng lại mua NLKS về sản xuất các sản phẩm thuốc thú y. Trong khi những sản phẩm thuốc thú y này là ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng nhưng đã được tiếp thị thẳng xuống các trang trại, dùng không liều lượng, bị lạm dụng nhiều, thậm chí chỉ ghi công thức hóa học để tránh kiểm soát của cơ quan quản lý.
Ngoài ra, các Cty NK kháng sinh dưới dạng thức ăn chăn nuôi và bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các nhà máy này bổ sung kháng sinh vào các sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhưng cố tình không công bố thành phần, chủng loại kháng sinh dẫn đến hệ lụy nhờn kháng sinh.
Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành cho biết, để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc thú y như hiện nay cần có phương thức thanh, kiểm tra phù hợp từ khâu nhập, kinh doanh và sử dụng. Theo ông Dũng, đối với hàng hóa bị nước ngoài cảnh báo hoặc bị trả về, Cục Quản lý Chất lượng Nông - lâm - sản và Thủy sản cần có trách nhiệm thông báo với Thanh tra, Công an và địa phương để tổ chức tìm nguyên nhân, truy xuất cơ sở vi phạm. Cũng cần tổ chức kiểm tra sản phẩm khi xuất bán để kiểm tra tồn dư nhằm phát hiện và xử lý những lô hàng vi phạm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và phục vụ XK.