Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã liên tục đưa ra chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục vấn nạn trên. Mới đây, ngày 27/12/2014, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng lại có công văn số 10187/UBND – XDGT yêu cầu Sở GTVT Hà Nội điều chuyển phương tiện tại các bến xe (BX) đang quá tải và các tuyến vận tải hành khách mới tăng thêm về BX Nước Ngầm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Tuy nhiên, hàng loạt những chỉ đạo trên đã bị rơi vào quên lãng, thậm chí đang bị vô hiệu.
Những chỉ đạo của TP bị cấp dưới vô hiệu!
Khi nghe PV đề cập đến câu chuyện sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải ở Hà Nội một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải đã phải thốt lên: “Thôi! Nhà báo nhắc đến làm gì cho thêm buồn? Đích thân Chủ tịch TP đã nhiều lần chỉ đạo nhưng những người có trách nhiệm ở Sở GTVT Hà Nội có thực hiện đâu? Doanh nghiệp, dư luận chẳng biết “nghe” ai bây giờ?...”
Để chứng minh cho nhận xét của mình, vị chuyên gia này đưa ra các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Tại Thông báo số 211/TB-UBND ngày 11/7/2013, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo: BX Mỹ Đình đã quá tải, gây ra tình trạng mất trật tự bên trong và khu vực xung quanh bến. Giải pháp khắc phục là: Tổ chức sắp xếp khoa học, hợp lý theo hướng: Các tuyến đi QL1, QL1B vào BX Gia Lâm; Các tuyến đi đường Hồ Chí Minh, QL6 vào BX Yên Nghĩa; Các tuyến đi QL32 vào BX Mỹ Đình; Các tuyến phía Nam đi hướng QL1, đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (từ Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...) vào BX Giáp Bát, Nước Ngầm. Ngày 18/7/2013, sau khi nghe báo cáo về “Phương án rà soát, sắp xếp điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ BX Mỹ Đình về các BX trên địa bàn Thành phố”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lại tiếp tục chỉ đạo: Từ nay đến trước ngày 15/8/2013 sắp xếp, điều chuyển để giảm tần suất các tuyến vận tải khách liên tỉnh từ BX Mỹ Đình đi các tỉnh giảm từ 20-30%, xuống còn 700 lượt xe/ngày. Hướng tuyến điều chuyển như đã nêu trong văn bản số 211/TB-UBND ngày 11/7/2013.
Tuy nhiên, suốt hơn một năm trời, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vẫn không được Sở GTVT thực hiện. Đến tận ngày 16/12/2014, Sở GTVT Hà Nội mới có văn bản số 1208/BC-SGTVT đề xuất với UBND TP ra văn bản điều chuyển phương tiện từ các BX đang quá tải về BX Nước Ngầm. Ngày 27/12/2014, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng có công văn số 10187/UBND - XDCT đồng ý đề xuất trên, đồng thời yêu cầu Sở GTVT, Công an TP, quận Hoàng Mai khẩn trương thực hiện.
Nhận được công văn trên, BX Nước Ngầm đã đầu tư nhiều tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho việc đón tiếp các phương tiện được điều chuyển về bến. Tuy nhiên, đã gần 3 tháng trôi qua, công văn trên vẫn đang nằm im trên bàn giấy! Chính vì thế, BX Nước Ngầm phải tiếp tục kiến nghị UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện công văn số 10187/UBND-XDCT. Và đây chính là lý do ông Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh chủ trì cuộc họp ngày 19/3/2015.
Tuy nhiên điều hết sức khó hiểu là giấy mời cuộc họp do ông Nguyễn Hoàng Linh ký lại ghi “Tháo gỡ khó khăn cho Công ty CP đầu tư phát triển ngành Nước và Môi trường (BX Nước Ngầm”.Mặc dù có đến gần 100 người tham gia cuộc họp (một số phòng ban của Sở GTVT Hà Nội, đại diện Bộ GTVT, Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam, Hà Nội, Nghệ An, Nam Định..., hàng loạt doanh nghiệp vận tải đến từ các tỉnh) nhưng phần lớn đều không có đủ thông tin, không có vai trò, chức năng, quyền hạn để có thể “tháo gỡ khó khăn” cho doanh nghiệp! Trao đổi với PV, rất nhiều khách mời cho biết chỉ đến khi vào phòng họp mới nắm rõ nội dung của cuộc họp này.
Sau khi thông báo sơ qua về hoạt động vận tải ở Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh đưa ra khẳng định: Các BX ở Hà Nội đang hoạt động ổn định, BX Mỹ Đình đã được mở rộng nên Sở GTVT Hà Nội sẽ không thực hiện điều chuyển phương tiện, giữ nguyên hiện trạng; định hướng quản lý luồng tuyến vận tải của Sở là ưu tiên những khu vực đông dân cư để nhằm phục vụ người dân (mặc dù thực tế lại hoàn toàn khác so với những gì ông Nguyễn Hoàng Linh phát biểu, Báo NB&CL sẽ làm rõ ở bài viết sau).
Bằng những phát biểu trên, ông Nguyễn Hoàng Linh đã công khai không thực hiện công văn số 1018/UBND - XDCT của UBND TP. Hà Nội. Chưa dừng ở đó, ông Nguyễn Hoàng Linh còn định hướng cuộc họp trở thành diễn đàn phản đối công văn trên. Khi được ông Nguyễn Hoàng Linh “đề nghị” phát biểu “giúp BX Nước Ngầm tháo gỡ khó khăn”, hàng loạt đại diện doanh nghiệp vận tải đã “đáp lại” bằng việc bày tỏ sự “đồng thuận” với ý định không điều chuyển, sắp xếp phương tiện, luồng tuyến và “tố” BX Nước Ngầm “không biết kinh doanh”, “không thể bắt cơ quan quản lý phải gánh đỡ khó khăn, rủi ro”...
Có đại biểu mặc dù nói rõ chưa đến BX Nước Ngầm lần nào nhưng lại “tố” bến này có hàng loạt sai phạm!? Như vậy, từ chỗ đang là đối tượng được Sở GTVT Hà Nội đứng ra tổ chức cuộc họp để “giúp tháo gỡ” khó khăn BX Nước Ngầm lại trở thành kẻ hứng chịu hàng loạt “gạch đá” từ các doanh nghiệp! Đến nỗi, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc BX Nước Ngầm - phát biểu gần như phải “kêu” lên: “Anh Linh ơi, các ý kiến phát biểu không đúng trọng tâm cuộc họp, BX Nước Ngầm chỉ có khó khăn là ít xe do người có trách nhiệm điều hành sắp xếp tuyến vận tải khách của Sở GTVT Hà Nội không thực hiện văn bản của chính Sở GTVT và UBND TP. Hà Nội. Nếu anh không hướng các ý kiến phát biểu thì đây chính là cuộc họp làm vô hiệu hóa văn bản của UBND TP”.
Theo nhiều chuyên gia, đã có sự bất thường trong cách thức, mục đích tổ chức cuộc họp trên. Bởi, là cấp dưới, Sở GTVT Hà Nội mà trực tiếp là ông Nguyễn Hoàng Linh phải có nghĩa vụ thực hiện chỉ đạo UBND Hà Nội. Nội dung cuộc họp nhằm “tháo gỡ khó khăn cho BX Nước Ngầm” cũng không đúng vì công văn 1018/UBND-XDCT của UBND TP. Hà Nội là nhằm khắc phục tồn tại, bất cập trong quản lý vận tải trên địa bàn Thủ đô theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Nếu cho rằng có bất cập ông Nguyễn Hoàng Linh cần phải báo cáo, có công văn đề xuất, xin ý kiến chứ không thể tự ý bác bỏ, không thực hiện, tổ chức cuộc họp nhằm vô hiệu chỉ đạo của cấp trên.
Trên bảo dưới không nghe!?
Vận tải hành khách là một lĩnh vực vô cùng quan trọng trong quản lý đô thị, có tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Chính vì thế, nguyên tắc hàng đầu trong quản lý lĩnh vực này là phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và muốn đạt được điều này phải đặt trong sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Đây chính là lý do các BX luôn được đặt ở cửa ngõ thành phố, các tuyến xe đi theo các hướng riêng biệt để tránh xung đột, không được chạy xuyên tâm thành phố, cơ quan chức năng là người công bố, quản lý, điều tiết luồng tuyến vận tải, hoàn toàn không phụ thuộc vào “ý thích”, sự “tiện lợi” của doanh nghiệp vận tải và một nhóm dân cư.
Tại TP. Hồ Chí Minh dù có mật độ dân số đông, địa bàn rộng hơn Hà Nội nhưng cũng chỉ có BX Miền Đông và Miền Tây với hai tuyến đi riêng biệt. Tại Hà Nội, thời gian qua, do buông lỏng quản lý vận tải nên để xảy ra hàng loạt vi phạm khiến dư luận hết sức bức xúc và như đã nêu ở trên, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo Hà Nội kiên quyết khắc phục.
Chính vì thế, việc UBND TP. Hà Nội ban hành công văn số 1018/UBND-XDCT chỉ đạo điều chuyển phương tiện từ các BX đang quá tải về BX Nước Ngầm là hết sức cần thiết để chấn chỉnh, tổ chức lại hoạt động vận tải trên địa bàn Thủ đô vốn đang tồn tại rất nhiều bất cập. Đây là một chủ trương lớn nên Hà Nội cần phải kiên quyết triển khai, không thể để một vài cá nhân vì “lợi ích nhóm” cản trở, vô hiệu.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com