Ba năm sau, khi người ký quyết định trên đã chuyển vị trí công tác thì việc thu “lố” trên mới bị đình lại. Nhưng việc xử lý kỷ luật và giải quyết hậu quả đối với sai phạm này xem ra chỉ là việc làm lấy lệ và dường như “hòa cả làng”.
Tỉnh quy định 1, huyện bắt nộp 20
Ngày 21/10/2009, UBND huyện Thanh Liêm ban hành Quyết định số 1910/QĐ- UBND về việc “áp dụng đơn giá sản phẩm đo đạc địa chính, đăng ký quyền sử dụng đất” (người ký là ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch UBND huyện thời điểm đó). Theo đó, mức thu tiền trích đo đối với thửa đất ở nông thôn dưới 100m2 là 1.013.000đ; thửa đất từ 101m2 đến 300m2 là 1.201.176 đ …
Đáng nói ở chỗ, liên quan khoản thu có tính chất như “phí” này thì tại thời điểm đó, UBND tỉnh Hà Nam đã quy định rõ mức thu phí đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với thửa đất dưới 100m2 là 50.000đ; thửa đất từ 101m2 đến 300m2 là 100.000đ…
lQuyết định 1910/QĐ- UBND của UBND huyện Thanh Liêm . |
Tuy nhiên, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) huyện Thanh Liêm đã “phớt lờ” quy định của tỉnh để tiến hành thu tiền đối với hàng loạt hộ dân khi trích đo thửa đất để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định của cấp huyện. Vậy là từ năm 2010 đã có rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã phải nộp cho Văn phòng ĐKQSDĐ huyện số tiền cao gấp 20 lần số tiền đáng ra họ phải nộp theo quy đinh của tỉnh. Đơn cử như ông Đ.V.T (xã Thanh Nghị) đã phải nộp hơn 2,1 triệu đồng, ông Đ.H.K (xã Thanh Hương) phải nộp 1,2 triệu đồng…
Việc thu “lố” này chỉ bị phát hiện khi Đội kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) huyện Thanh Liêm tiến hành kiểm tra công tác giải quyết TTHC đợt 1 năm 2012. Ngoài chỉ ra sai trái trong việc đề ra mức “trích đo” thu cao hơn quy định thì Đội kiểm soát TTHC còn chỉ rõ việc UBND huyện Thanh Liêm ban hành Quyết định 1910/QĐ- UBND là không đúng thể thức, không đúng căn cứ pháp lý. Đặc biệt, việc cấp huyện quy định khoản thu tương tự như một loại phí trên đây là đã vượt quyền cấp tỉnh (HĐND tỉnh mới là cơ quan quyết định về phí đo đạc, lập bản đồ địa chính).
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Liêm cho hay, Chủ tịch UBND huyện lúc đó ký ban hành Quyết định 1910 theo sự tham mưu của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện. Thực hiện được 3 năm thì phát hiện sai sót nên Quyết định trên bị hủy bỏ và huyện đã tiến hành xử lý kỷ luật những người liên quan.
Về hình thức kỷ luật trong vụ việc này, ông Bình cho hay: “Chúng tôi xác định trách nhiệm chính trong vụ việc này thuộc về cơ quan tham mưu nên Trưởng phòng TN - MT huyện bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Còn người ký là Chủ tịch UBND huyện (đã chuyển lên tỉnh năm 2013) thì không bị kỷ luật gì. Giám đốc Văn phòng ĐKQSDĐ và một nhân viên ở đây bị kỷ luật khiển trách (vẫn giữ nguyên vị trí công tác)”. Như vậy, người bị kỷ luật trong vụ việc này chỉ đóng vai trò ở “phần ngọn” và cũng chỉ phải chịu hình thức nhẹ nhất trong các hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Tỉnh “miễn”, huyện thu
Việc xử lý “cảnh cáo” đối với Giám đốc và cán bộ Văn phòng ĐKQSDĐ trên đây còn bao gồm cả sai phạm trong việc cơ quan này tự “sáng tác” ra một khoản thu gọi là “tiền công in GCNQSDĐ, chỉnh lý hồ sơ địa chính” với mức thu 600.000đ/ giấy. Các khoản thu trên đều không sử dụng biên lại do Cục Thuế phát hành (chỉ sử dụng phiếu thu thông thường và hầu hết đều không có chữ ký của người nộp tiền).
Đội Kiểm soát TTHC nêu rõ, việc thu tiền công in GCNQSDĐ của Văn phòng ĐKQSDĐ là không đúng bởi Quyết định số 17/2007/QĐ- UBND của tỉnh Hà Nam quy định: “Miễn thu lệ phí địa chính khi cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn”.
Đáng nói hơn, vào tháng 9/2012 khi phát hiện việc thu sai hai khoản tiền trên, Đội kiểm soát TTHC kiến nghị UBND huyện bãi bỏ Quyết định 1910/QĐ- UBND và tiến hành rà soát, đối chiếu toàn bộ các khoản thu của Văn phòng ĐKQSDĐ làm căn cứ xác định sai phạm trong việc thu phí, lệ phí. Nhưng phải đến gần 1 năm sau thì Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm (lúc này là ông Phạm Văn Đồng) mới ký Quyết định thanh tra việc thực hiện Quyết định 1910/QĐ- UBND và Quyết định huỷ bỏ Quyết định này.
Về kết quả giải quyết sau thanh tra, ông Phạm Ngọc Bình (Chánh Văn phòng UBND huyện và cũng là một thành viên trong Đoàn thanh tra) cho hay: “Không biết số tiền thu của dân đã được Văn phòng ĐKQSDĐ chi tiêu ra sao nhưng đều đã được thu lại để trả cho dân”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được cung cấp cụ thể về số tiền thu - chi cũng như danh sách các hộ dân đã phải nộp tiền, được trả tiền thì ông Bình cho hay: “Cái này phải đợi ý kiến của Chủ tịch UBND huyện vì tôi không nắm rõ!”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì số hộ dân phải nộp tiền “oan” cho Văn phòng ĐKQSDĐ không dừng lại ở con số 392 trường hợp và 499 triệu đồng như báo cáo của cơ quan này với Đoàn thanh tra. Thậm chí, đến thời điểm này rất nhiều hộ dân từng làm thủ tục cấp GCNQSDĐ từ các năm 2010 đến 2012 đã không hề biết mình bị huyện thu tiền “oan”. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này trong thời gian tới.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com