“Trong mỗi trái tim ta ấp ủ một tên làng
Trong mỗi giấc mơ nỗi nhớ một tên làng”
(Trích: Tên làng gọi chúng ta đi - Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ)
1. Sáng nay, tôi đang quét lá ở Am thì nghe cái loa của hợp tác xã thông báo chuyện nộp thóc vụ mùa. Nó làm tôi nhớ chuyện gọi tên làng năm nào. Hồi đó, mỗi lần về quê, tôi phải xuống xe khách ở ngã ba Hải Lăng và gọi xe ôm chở về làng mình.
Đó là những năm xa quê khi tôi vào Nam học. Mỗi lần về thăm quê, phải tìm xe ôm ở ngã ba Hải Lăng để về làng. Ngã ba Hải Lăng gần như là cửa ngõ của Thị trấn Hải Lăng. Hải Lăng là một huyện của tỉnh Quảng Trị, giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhớ lần đầu tôi bắt xe ôm ở đây. Thấy tôi xuống xe, một anh xe ôm hỏi, thầy về đâu? Tôi nói, tôi về làng Thi Ông. Nghe tôi nói, anh xe ôm bắt ngay vào:
- A, hợp tác xã Vĩnh Lợi. Mời thầy lên, tôi chở về.
Tôi đính chính, và lặp lại:
- Không, tôi về làng Thi Ông.
- Thì làng Thi Ông là hợp tác xã Vĩnh Lợi. Họ nói như thanh minh, muốn đính chính cho tôi, biết giờ không ai gọi làng Thi Ông nữa.
- Thời của hợp tác xã sản xuất, phải gọi bằng cái tên của hợp tác xã thầy ạ. Anh ta buông một câu như bâng quơ.
Tôi không nói gì, chỉ mỉm cười và hỏi giá bao nhiêu nếu về đến cầu Thi Ông? Sau khi đã thỏa thuận xong giá, tôi lên xe cho họ chở về. Lần nào về tôi cũng mất thời gian cho việc trả giá xe ôm.
Đi học xa, tăng sinh thì nghèo, mà đoạn đường về làng tôi thì gần như độc đạo. Từ quốc lộ 1A, đoạn giao nhau gọi là ngã ba Hải Lăng, từ đây tản về các xã của huyện Hải Lăng, chỉ có một điểm này có xe ôm. Khách đi, muốn về quê, tuyệt không có con đường và phương tiện nào khác.
Biết yếu điểm đó, đám xe ôm chia nhau chuyến, thứ tự từng người nên không xe ôm nào dành chuyến nhau. Được thế, các anh xe ôm rất kênh kiệu, không cần chào mời khi có khách, không cần mất nhiều thời gian cho việc ngã giá với khách.
Khi đã lên xe, tôi mới nói chuyện với tài xế xe ôm. Tại sao ta có làng, có tên làng, và tên làng hàng mấy trăm năm, nay lại không chịu gọi tên làng mình mà đi thay bằng một cái tên khác.
Đội sản xuất và ông chủ nhiệm hợp tác xã, đó là tất cả những gì mà thời đó người dân làng tôi nghĩ đến. Uy quyền của đội sản xuất và ông chủ nhiệm vô cùng lớn. Nhưng, cái tôi ngac nhiên là người ta không còn gọi tên làng mình.
Họ muốn thay đổi tất cả, kể cả tên làng.
2. Đã có một thời như thế. Cả cái tên làng mình mà người ta không có cơ hội để gọi tên nữa, lấy đâu việc "gọi tên" những di sản truyền thống văn hóa tâm linh nền tảng nếp sống đạo của làng.
Chúi đầu vào việc sản xuất. Tập trung cho sản xuất là ưu tiên hàng đầu và cũng là tất cả. Bởi thế, năm 1976, người ta phá dỡ ngôi đình làng tôi tồn tại bao năm về làm nhà kho hợp tác xã.
Dọc đường, tôi phân tích cho anh xe ôm hiểu chuyện. Những lần như vậy, họ hứa là bảo không gọi tên Hợp tác xã thay tên làng nữa.
Xa quê từ nhỏ, không dám nhận mình là người hoài cổ nhưng tôi luôn trăn trở với việc thay đổi những giá trị ông cha để lại.
Thôn Thi Ông, hay làng Thi Ông quê tôi đã tồn tại nhiều trăm năm trước. Dù một thời người ta muốn đổi tên thành hợp tác xã để khuyến khích tinh thần tập trung sản xuất của bà con hay về sau này, để thuận tiện cho việc quản lý theo địa giới hành chính nhưng việc đổi tên làng luôn là một điều chúng ta cần phải rất thận trọng.
Tên làng tồn tại mang theo ý nghĩa mà những người khai hoang lập làng ấp gửi gắm, đồng thời, nó cũng gắn liền với những biến cố lịch sử, những thăng trầm của làng quê ấy. Tên làng không đơn thuần chỉ là cái tên gọi, nó chứa đựng phần nào bản sắc, phần nào nguồn cội của những người con đã lớp lớp tiếp nối bước ông cha trên mảnh đất này.
Điều gì cũ kỹ đều trở nên quen thuộc, gần gũi. Tên làng, tên núi tên sông đã tồn tại và sống trong ký ức của người dân ở nơi đó. Tất nhiên, việc đổi tên, chia tách hay sáp nhập làng xã địa giới cũng mang ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển và phân bố quản lý, giao thoa kinh tế vùng miền giữa các địa phương. Đương nhiên, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thể chế, nhà nước, việc tách - nhập, thay đổi sẽ phải thực hiện theo quy định của từng thời kỳ. Đây cũng là một tất yếu của lịch sử.
Nhưng tên làng, tên xã, tên núi tên sông, không chỉ là tiếng gọi địa danh mà chính là những tiếng gọi quê hương, gọi lên nguồn cội thiêng liêng.
Trong quá trình khai khẩn, di cư và định hình kết cấu một cộng đồng dân cư, cha ông đã đặt tên những ngôi làng kèm theo ước muốn gửi gắm vào đó là cuộc sống ấm no, bình yên và thịnh vượng.
Cách đặt tên có thể ông cha ta dùng chữ Hán, hoặc tiếng Nôm, chữ quốc ngữ. Có nhiều cách xác định đặt tên làng như: Đặt theo nghề (các làng nghề..), đặt theo họ, đặt theo ước vọng về cuộc sống, nhân sinh quan,...Chính bởi vậy, nó trở nên thiêng liêng và cháu con lớn lên luôn gìn giữ ngay cả khi chiến tranh, nghèo khó. Họ không bỏ tên làng như một yếu nghĩa rằng, họ không quên những ước muốn mà tổ tiên và ông cha bao đời ký thác, không bỏ quê bỏ gốc của mình.
Tôi nhớ từng đọc bản “Trường ca Đất Nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Ông đã rất sâu sắc khi viết về những người dân bình dị:
“Không ai nhớ mặt, đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”
Trong làng có dân làng, đình làng, chùa làng, ao làng, giếng làng.. rồi còn cả chợ làng, hội làng,.. Bởi vậy, tên làng gắn liền với tâm thức của mỗi người con lớn lên từ đó.
3. Tên làng ta mang theo là tiếng mẹ ru, là lời cha dặn khi con trẻ lớn khôn. Tên làng là mái trường, là bờ tre ruộng lúa, là hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Tên làng còn là hình ảnh để ta nhớ về con trâu mái rạ; là nơi ta có sự chở che hồn hậu của những tình làng nghĩa xóm, là sự nâng đỡ yêu thương, là niềm tự hào, yêu mến và gần gũi, thiêng liêng.
Ngày nay, trong quá trình hội nhập, những giá trị văn hóa dân tộc cũng đang được từng bước kế thừa, phát huy. Nét đẹp trong văn hóa làng xã từ đình, chùa, đến hội làng,.. đang được phục hồi. Trong sự đổi mới, người ta nhắc nhau về những tên làng xưa cũ với tình cảm đặc biệt và ấm áp.
Làng – Nước, có làng mới có nước. Đất lề, quê thói.
Bởi vậy, làng chính là nền tảng để chúng ta có điều kiện lưu giữ những giá trị văn hóa quý giá. Làng chính là nơi chúng ta kế thừa vừa tiếp biến để xây dựng một cộng đồng phát triển về kinh tế nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhớ lại câu chuyện về làng quê của tôi – làng Thi Ông hay một thời người ta từng gọi là hợp tác xã Vĩnh Lợi, tôi không khỏi bồi hồi. Vốn không dám tự nhận mình hoài cổ, vẫn mong trước những đổi thay của thời cuộc, người quê biết gìn giữ nếp quê.