Theo các nghệ nhân lớn tuổi của làng, nghề hình thành từ những thập niên cuối thế kỉ XIX; bắt nguồn từ việc các phụ nữ ngày xưa trong chuyến đi thăm người thân ở Cà Mau rồi học nghề, sau đó truyền lại cho người dân trong làng.
Nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo
Lúc đầu người dân tự đi cắt lát hoang ở các vùng lân cận về dệt, rồi tự tiêu thụ hoặc làm quà biếu. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra đẹp, bền, sắc sảo, chất lượng nên chiếu Cà Hom - Bến Bạ ngày một nổi tiếng và trở thành hàng hóa từ những năm 1940 và được nhiều người biết đến trong những năm 1960 cho đến nay. Nghề dệt chiếu được tỉnh Trà Vinh công nhận làng nghề năm 2014.
Đến nay, chiếu Cà Hom - Bến Bạ tạo được uy tín trên thị trường ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long với đa dạng chủng loại như: chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ… Sản phẩm đặc trưng làng Cà Hom - Bến Bạ chủ yếu là chiếu hoa với 5 màu chủ đạo là: trắng, đỏ, xanh, vàng và tím. Hình ảnh hay hoa văn thường được các nghệ nhân chọn lựa rất công phu cho từng sản phẩm của mình, phù hợp với thị hiếu hoặc theo yêu cầu của các khách hàng.
Để có những đôi chiếu đẹp, bền thì khâu chẻ và phơi lát là khâu cực nhất. Ảnh: Phi Thuyền |
Theo bà Trương Quyên - Nghệ nhân dệt chiếu làng Cà Hom, trong các loại chiếu hiện nay, chiếu hoa là sản phẩm đắt hơn các loại còn lại, thường khách hàng sang trọng sử dụng nhiều hơn. Để làm ra được chiếu hoa đòi hỏi sự khéo léo và thể hiện sự tinh tế, tính thẩm mỹ trong từng đường dệt của nghệ nhân. Bà Quyên cho hay thường vào dịp giáp Tết Nguyên đán là thời điểm làng nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ nhộn nhịp nhất trong năm.
Bên cạnh sản phẩm chiếu trắng được dệt hàng ngày, các nghệ nhân tập trung làm nhiều chiếu hoa (hay còn gọi là chiếu màu) phục vụ thị trường Tết. Bình quân mỗi ngày, một gia đình 02 người dệt được 01 đôi chiếu hoa (khổ 2m x 1,6m). Sau khi trừ chi phí mỗi chiếc lời 70.000 đồng đến 90.000 đồng cho chiếc chiếu hoa; còn chiếu thường lời dao động từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng cho 01 chiếc.
Bà Sơn Thị Đuông - Nghệ nhân làng Bến Bạ- chia sẻ, nghề dệt chiếu cực nhất là lúc thu hoạch, chẻ và phơi lát, vì lát phải đảm bảo độ dài tiêu chuẩn dệt mới cho thu hoạch được. Lát sau khi thu hoạch về được phân cỡ xong đem rửa sạch, rồi vót lại bằng lưỡi dao sắc, nhọn và nhỏ. Công việc này đòi hỏi có nhiều thành viên tham gia mới đảm bảo được một lượng lát lớn đủ dệt trong nhiều ngày. Bà chia sẻ thêm, khâu phơi cũng không kém phần quan trọng, lát phải phơi 03 ngày nắng liên tục, còn nếu mưa thì có khi 10 ngày hoặc hơn mới đủ độ khô, dẻo dệt chiếu mới đẹp. Sau khi lát khô thì sắp xếp từng bó, từng cọng phải đều nhau.
Khâu nhuộm màu được cho là khâu quan trọng nhất vì phải canh lửa sao cho vừa phải để màu thấm từ từ vào từng sợi lát. Ảnh: Phi Thuyền |
Nếu làm chiếu hoa công đoạn nhuộm màu là khâu khó nhất, vì liều lượng màu và nước phải đúng chuẩn (lấy 02 muỗng canh màu pha với 10 lít nước); thời gian nấu phải đủ, đúng (lửa không được cao quá cũng không được thấp quá) thì màu mới thấm vào từng sợi lát.
Sau đó, mang ra phơi khoảng 04 tiếng (đủ nắng), nếu mưa từ 02 đến 03 ngày tùy thời tiết mới dệt được, đây là công đoạn khó, cực, mệt nhất. Còn công đoạn dệt tuy không cực, nhưng đòi hỏi phải khéo tay và tỉ mỉ. Khi lát đưa vào khung phải dập khung cho mạnh, các sợi lát mới kết dính đan sát vào nhau mới cho ra sản phẩm bền, đẹp, sắc sảo.
Quyết tâm giữ lửa nghề
Hiện làng nghề có người lấy nghề dệt chiếu làm nghề chính của mình, cũng có người làm theo thời gian nhàn rỗi. Do ngày nay, người trẻ sẽ có nhiều sự lựa chọn ngành nghề cho mức thu nhập tốt hơn mà không theo nghề ông cha truyền lại. Với lại, số lượng nghệ nhân của làng ngày một lớn tuổi, nên làng nghề chiếu Cà Hom - Bến Bạ có nguy cơ không còn truyền lại cho thế hệ trẻ. Vì vậy, chính quyền địa phương cần phải có giải pháp giữ gìn, kế hoạch đầu tư để khôi phục nghề dệt chiếu truyền thống ở Cà Hom - Bến Bạ tiếp tục duy trì và phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Khâu dập khuôn được xem là khâu đòi hỏi phải tỉ mỉ thì mới cho ra sản phẩm đẹp và sắc sảo. Ảnh Phi Thuyền |
Ông Dương Tươi - Nghệ nhân ở làng Bến Bạ tâm sự, nghề dệt chiếu có từ đời cha truyền lại tính ra gần 100 năm. Hiện ông truyền lại cho 09 người con, có 02 đứa theo nghề. Lúc trước 02 đứa đi làm công ty nhưng xin nghỉ về tiếp tục nối nghề cha. Nghề tuy cực nhưng lấy công làm lời mà vẫn giữ lửa nghề, giữ nét nghề truyền thống gia đình.
Ông Tươi mong muốn làng nghề được chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, để phát triển làng nghề dệt chiếu ngày càng bền vững. Qua đó, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho đồng bào Khmer ở làng nghề để có cuộc sống ổn định hơn. Đồng thời, giúp cho các thế hệ sau tiếp nối nghề của ông cha để lại. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Khmer chúng tôi.
Hiện nay, nghề dệt chiếu được nhiều gia đình truyền lại cho thế hệ sau để giữ lửa nghề. Ảnh: Phi Thuyền |
Bà Kim Thị Cất cũng bộc bạch, lúc trước cũng học nghề từ cha mẹ, cũng gắn bó với nghề một thời gian, rồi bỏ nghề đi làm công ty. Sau đó, bà Cất xin nghỉ việc quyết định quay lại tiếp tục theo nghề mà cha mẹ truyền lại. Bà Cất giải thích rằng, vì đây cũng là cái nghề mà làm cho mình, vừa có thu nhập vừa giữ lửa nghề. Hiện nay, con trai tôi mới học lớp 11 mà đã biết dệt chiếu rồi.
Bà Cất dự định sau này, nếu con tôi không đi học nữa vẫn biết cái nghề lo vợ con mà không phải đi làm thuê cho ai. Bà cũng mong muốn, Nhà nước quan tâm nhiều hơn cho sự phát triển làng nghề dệt chiếu của xã mình, để giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình và giúp đời sống kinh tế bà con nơi đây tốt hơn.