Đây là một bước đi quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại và các hộ sản xuất tăng cường khả năng tiếp cận thị trường hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm.
Dự án được phê duyệt bởi UBND tỉnh Hưng Yên với mục tiêu giúp các sản phẩm đặc trưng của địa phương không chỉ tăng khả năng cạnh tranh mà còn dễ dàng tiếp cận các hệ thống bán lẻ lớn trên toàn quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề của tỉnh sẽ xuất hiện nhiều hơn tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị lớn và các nền tảng thương mại điện tử.
Dự án đặt ra những mục tiêu đến năm 2025, dự kiến khoảng 70 - 80% sản lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, 25 - 30% sản lượng sản phẩm làng nghề và 20 - 25% sản lượng nông sản chủ lực sẽ có bao bì, nhãn mác, mã vạch và hệ thống truy xuất nguồn gốc. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm sẽ được kết nối với các hệ thống bán lẻ lớn. Khoảng 45 - 50% sản lượng sản phẩm OCOP và 25 - 30% sản lượng sản phẩm làng nghề sẽ được liên kết tiêu thụ qua các kênh siêu thị, nhà hàng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Đặc biệt, 100% sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên sẽ có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart và Voso, mở rộng thị trường tiêu thụ một cách mạnh mẽ.
Để đạt được những mục tiêu đó, dự án đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ thiết thực. Điển hình như hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, trang trại đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì bắt mắt, đa dạng hóa kiểu dáng sản phẩm. Cùng với đó là việc xây dựng và phát triển mã QR truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin ngay trên bao bì. Ngoài ra, các hoạt động quảng bá, truyền thông sẽ được đẩy mạnh qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm. Doanh nghiệp còn được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng thương mại điện tử, nhận diện sản phẩm và kỹ năng kết nối tiêu thụ với các kênh bán lẻ hiện đại. Tất cả những nỗ lực này đều hướng tới mục tiêu cuối cùng đó là tăng giá trị sản phẩm thêm 15 - 20% so với việc tiêu thụ qua các kênh truyền thống.
Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền rộng rãi về nội dung và cơ chế hỗ trợ của dự án. Đã có 10 hội nghị triển khai được tổ chức tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, 20 lớp tập huấn về kỹ năng nhận diện sản phẩm, kết nối tiêu thụ cũng đã diễn ra, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất.
Dự án đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía người dân và các doanh nghiệp địa phương. Nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình sản xuất đánh giá cao tính thiết thực của dự án, đồng thời bày tỏ hy vọng được hỗ trợ nhanh chóng để nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm. Với sự đồng lòng từ các bên, dự án hứa hẹn sẽ tạo ra cú hích lớn cho ngành nông nghiệp và làng nghề tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới.
Hiện nay, đã có 53 chủ thể sản xuất với 85 loại sản phẩm đề xuất tham gia vào dự án, bao gồm 23 sản phẩm nông sản đặc sản, 59 sản phẩm OCOP và 3 sản phẩm làng nghề. Các sản phẩm này hứa hẹn sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ trong quá trình xây dựng thương hiệu và kết nối với thị trường.