Yếu đủ bề...
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mặc dù trong 5 năm qua chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng khoảng 5% về số lượng và 9% về sản lượng/năm nhưng năng lực của ngành này vẫn còn nhiều hạn chế: liên kết chuỗi giá trị lỏng lẻo, thị trường bị thương lái thao túng, chất lượng sản phẩm khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Thực tế cũng đang cho thấy viễn cảnh không mấy sáng sủa của ngành chăn nuôi khi sản phẩm thịt gia cầm ngoại nhập hiện đang khuynh đảo thị trường trong nước. Thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, trong 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng trên 60 ngàn tấn thịt gà từ Mỹ được nhập khẩu về Việt Nam với mức giá giảm gần một nửa so với một năm trước (từ 27.000-28.000 đ/kg xuống còn 17.000-20.000 đ/kg) khiến giá thịt gà trong nước liên tục giảm mạnh, doanh nghiệp chăn nuôi lỗ “chỏng vó”.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi chỉ ra rằng, do có tới 80 - 90% nguyên liệu cho chăn nuôi từ các loại bắp, đậu nành… đến các chất phụ gia, vitamin, khoáng chất và ngay đến cả con giống cũng phải nhập khẩu dẫn đến năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi đã khó lại càng khó, nhất là khi tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới, đặc biệt là gia nhập TPP.
Theo ông Phạm Đức Bình - Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình (Đồng Nai), trong tiến trình hội nhập kinh tế, yếu tố năng suất và giá thành được coi là quan trọng nhất. Trong khi đó, ngành chăn nuôi đang yếu thế hơn rất nhiều so với các nước về cả hai vấn đề trên.
Trước các áp lực nêu trên, tại cuộc hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP” vừa mới diễn ra, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã phải thốt lên: “Nếu vẫn giữ phương thức làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, không có sự liên kết tạo chuỗi trong sản xuất, không có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và nhà sản xuất… để hạ giá thành thì giá sản phẩm gia cầm nội địa đừng bao giờ hy vọng có thể hạ thấp”.
Gà “đi bộ” - cứu cánh của ngành chăn nuôi
Theo nhiều chuyên gia, để hạ được giá thành sản phẩm chăn nuôi là không dễ khi mà giá thành thức ăn đã chiếm tới 65-70% chi phí, nhưng giá mặt hàng này ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10-15% so với các nước trong khu vực do phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, trong thời gian dài người nông dân còn phải gánh mức lãi suất cao ngất ngưởng, đó còn chưa kể hàng loạt các loại phí, lệ phí mà người chăn nuôi cũng đang phải gánh.
Tuy thế, “trong cái khó ló cái khôn”, theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thịt gà thả vườn ở Việt Nam lại đang cho thấy nó là một sản phẩm cạnh tranh tốt với các loại gà thịt nhập ngoại trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế trong thời gian tới. Thực tế cũng cho thấy nhiều nông dân đã giàu lên nhờ nuôi gà thả vườn theo phương thức bán công nghiệp.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, phát triển mạnh các giống gà thả vườn sẽ đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam. Theo ông, mặc dù giống gà này có thời gian nuôi kéo dài hơn nhưng chuồng trại đơn giản, sử dụng nguồn thức ăn sẵn có, không sử dụng thức ăn công nghiệp. Hơn nữa, giá thành thức ăn giảm so với gà công nghiệp, giá bán lại tốt hơn nên hoàn toàn có thể hy vọng.
Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, để phát triển chăn nuôi gà thả vườn cần có chính sách phát triển cụ thể và phù hợp, nâng cao chất lượng giống qua chọn lọc gà thả vườn. Xây dựng nhiều hợp tác xã chuyên ngành sản xuất gia cầm khép kín có quy mô trên 1 triệu con/năm trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường. Từng hợp tác xã cần tổ chức liên kết giữa các hộ để quy mô phát triển theo nhu cầu xã hội, nhưng phải mang tính kế hoạch thị trường nhằm tránh rủi ro và liên kết với các doanh nghiệp để có đầu ra tốt.
Gà thả vườn có thể là một cứu cánh cho ngành chăn nuôi Việt Nam, bởi năm 2014, sản phẩm này đạt tới con số 620 ngàn tấn, trong khi gà công nghiệp chỉ đạt 393 ngàn tấn. Con số này cho thấy gà thả vườn chiếm ưu thế trong tiêu dùng ở Việt Nam và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm trong nội địa cũng như nhập khẩu.
Xuất khẩu đạt hơn 30.000 tỷ/năm
“Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): “Định hướng sắp tới trong chăn nuôi gia cầm là cần tiếp tục phát triển gà thả vườn, gà chất lượng cao. Đây chính là dòng sản phẩm chiếm giá trị sản xuất khoảng 70% và ước tính đạt khoảng hơn 30.000 tỷ đồng mỗi năm, trong khi gà công nghiệp chỉ đạt 13.000 - 14.000 tỷ đồng/năm”.