Liệu người dân có được quyền chọn giấy hay chọn môi trường? Chắc là không! Những cam kết môi trường, xả thải sạch của lãnh đạo địa phương và nhà máy giấy này chưa đủ làm người dân tin tưởng, khi điều then chốt nhất là sử dụng hóa chất gì thì chính nhà máy cũng chưa thể trả lời.
Sông Hậu ô nhiễm, cả nước có thể lao đao
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy tại cụm công nghiệp Phú Hữu A (huyện Châu Thành,Hậu Giang) có diện tích 82,8ha do Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 628,7 triệu USD. Nhà máy này được xây dựng tại ấp Phú Thạnh ( xã Phú Hữu A) nằm bên bờ sông Hậu.
Dự án gồm hai hạng mục chính: nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330 ngàn tấn/năm và nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp công suất 420 ngàn tấn/năm. Nếu chỉ tính theo những con số thì nhà máy sẽ giúp cho tỉnh những con số đẹp về tỉ lệ tăng trưởng GDP, giá trị công nghiệp … Nhưng hiệu quả kinh tế của dự án đối với tỉnh và cả nước như thế nào, hoàn toàn phải xem xét lại.
Theo các nhà khoa học, công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm hơn cả công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất và việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại. Nếu nhà máy có hệ thống nấu sản xuất bột giấy thì ô nhiễm môi trường lớn nhất là dịch đen (black liquor).
Sông Hậu là “vòi sữa” thứ hai của đồng bằng với nghề nuôi trồng thủy sản nuôi sống hàng vạn gia đình, góp phần rất quan trọng trong nguồn thực phẩm thủy sản nội địa và tổng giá trị hơn hai tỉ đô la xuất khẩu của cả nước.
Nếu sông Hậu vừa kiệt nước vừa ô nhiễm thì không chỉ Hậu Giang mà cả nước sẽ lao đao. Lo ngại trước hậu quả này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi văn bản gửi đến các cơ quan trung ương đề nghị xem xét lại dự án.
Có lẽ để trấn an dư luận, ngày 23/6, lãnh đạo nhà máy đã họp báo để giải đáp những quan tâm trên. Chủ trì họp báo là ông Chung Wai Fu - Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam. Buổi họp báo còn có mặt lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Hậu Giang, Sở Công thương, Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang.
Giải thích chung chung, dư luận càng lo
Mở đầu cuộc họp báo, ông Fu cho biết: Tập đoàn sản xuất giấy Lee & Man có nhiều nhà máy giấy đang hoạt động ở nhiều tỉnh tại Trung Quốc. Ngoài hệ thống các nhà máy sản xuất giấy, công ty này còn được cấp phép xây dựng cảng chuyên dụng bên sông Hậu với ba bến cảng có thể tiếp nhận tàu 10 ngàn tấn.
Theo kế hoạch, nhà máy giấy sẽ được đưa vào hoạt động thử nghiệm vào tháng 7 và sẽ chính thức vận hành, có sản phẩm vào tháng 8/2016.
Ông Fu cho rằng hệ thống xử lý chất thải của nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất xử lý 20.000 m3/ngày đêm. Chất thải được đưa vào hệ thống xử lý sẽ qua chín công đoạn để khi xả chất thải đạt chuẩn ra môi trường.
Ông Fu cho biết: Khi đưa vào hoạt động, hệ thống xử lý nước thải này sẽ kết nối với hệ thống quan trắc của Sở TNMT Hậu Giang và một đơn vị quản lý do Bộ TNMT chỉ định để các đơn vị này giám sát. Ông Fu cam kết nhà máy giấy này sẽ “không sử dụng chất xút (NaOH) gây ô nhiễm môi trường”.
Với những thông tin sáng sủa chung chung như vậy, người dân phần nào giải tỏa băn khoăn. Nhưng khi được hỏi nếu không sử dụng chất xút thì chất thay thế là gì, tính chất của chất đó ra sao, liều lượng sử dụng như thế nào, ông Fu không trả lời cụ thể mà nói chung chung:
“Do chúng tôi chưa sử dụng thiết bị nên chưa tính toán được sử dụng bao nhiêu hóa chất ở đây, hóa chất sẽ ảnh hưởng môi trường thế nào. Nhưng hóa chất nào cũng phải dùng tiền để mua, nên chúng tôi không thể muốn xả (ra môi trường) thì xả. Ở Việt Nam không chỉ có Lee & Man sản xuất giấy, mà còn có nhiều nhà máy khác... nên họ sử dụng chất gì thì chúng tôi sử dụng chất ấy”.
Cách trả lời này là chưa thỏa đáng và chưa đầy đủ trách nhiệm. Người dân, công luận có quyền được biết để kiểm tra việc sử dụng hóa chất của nhà máy vì nó liên quan đến lợi ích, sức khỏe và kể cả tính mạng của họ.
Chính vì hóa chất đắt tiền, việc xử lý hóa chất càng đắt tiền hơn nên người dân buộc lòng lo ngại và cần có thông tin để tham gia với nhà nước thực hiện chức năng giám sát. Cũng không thể vin vào các nhà máy giấy khác hiện có ở Việt Nam vì quy mô nhỏ hơn và không nằm trên dòng chính của nguồn nước nuôi thủy sản.
Chưa hết, trước câu hỏi về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà máy được Bộ TNMT phê duyệt mới chưa, ông Fu lại nói lòng vòng: “Năm 2014, chúng tôi đã làm lại các thủ tục để xin phê duyệt, trong đó có cả ĐTM. Tuy nhiên, các ĐTM mà Lee & Man lập và xin phê duyệt là chỉ cho từng hạng mục, chứ chưa có phê duyệt ĐTM cho tổng thể nhà máy”.
Địa phương né trả lời
Điều đáng quan ngại khác là qua cách kể công của ông Fu lại cho thấy ngành chức năng địa phương lại khá lơi lỏng về quản lý, bảo vệ môi trường mà bán trách nhiệm ấy cho doanh nghiệp.
Ông Fu cho biết, thời gian qua đơn vị này đã nhiều lần chủ động báo cáo cho cơ quan chức năng địa phương trong quá trình xây dựng nhà máy và chủ động mời đơn vị tư vấn lấy mẫu nước sông Hậu để kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần, chứ địa phương chưa kiểm tra thường xuyên
Quan trọng không kém là về quy trình xin phê duyệt ĐTM, vấn đề nhà máy giấy tại Hậu Giang không nằm trong quy hoạch nguồn nguyên liệu giấy, nhưng vì sao vẫn được phê duyệt đầu tư xây dựng? Sử dụng nguồn nguyên liệu từ đâu để sản xuất giấy? Đến nay vẫn chưa có lời đáp.
Đáng tiếc, người có trách nhiệm của Sở TNMT tỉnh Hậu Giang đã rời buổi họp báo trước khi kết thúc nên các câu hỏi về vấn đề giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Lee & Man như thế nào, vì sao cấp phép sai quy hoạch… lại không có người trả lời.
Khi còn nhiều phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi thì người chủ trì họp báo ra hiệu dừng họp báo với lý do đã muộn.
Chiều 23/6, trao đổi với báo chí xung quanh những nghi ngại về việc khi nhà máy giấy Lee & Man hoạt động mỗi năm sẽ thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) ra sông Hậu, gây ô nhiễm môi trường, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết “tỉnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng”.
Những thông tin đã nêu cho thấy ngay khi đã được báo động, chính quyền và ngành TNMT chỉ tập trung các giải pháp đối phó với dư luận chứ chưa thật tâm, quyết tâm tìm giải pháp quản lý bảo vệ môi trường.
Kinh nghiệm từ vụ Vedan, Hào Dương cho thấy việc quản lý chất lượng nước thải của các doanh nghiệp hoàn toàn không đơn giản. Đành rằng về công nghệ hiện nay, chất thải độc hại nào cũng có giải pháp xử lý nhưng điều quan trọng là chi phí rất cao.
Chính vì vậy, để giảm chi phí và tăng lợi nhuận các doanh nghiệp có lắm chiêu thức ranh ma để đưa chất thải không qua xử lý ra môi trường. Hào Dương, Vedan đều có nhà máy xử lý chất thải nhưng chỉ hoạt động làm mẫu, khi có kiểm tra. Hệ thống đường ống xả thải của họ nổi chìm đan chéo nhau như ma trận.
Thảm họa ô nhiễm sông Hậu đã được cảnh báo. Nếu để xảy ra ô nhiễm trên sông Hậu thì sẽ gây hậu quả thảm khốc, hành vi đó phải được gọi đúng tên là tội ác./.