Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi): Không nên lập quỹ bồi thường oan sai

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình
(PLO) - Hôm qua (9/1), tại Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn quan điểm khác nhau của Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn trong việc xác định mức bồi thường, kinh phí bồi thường, đặc biệt là đề xuất lập quỹ phục vụ bồi thường oan sai.

Cần có barem “cứng” để bồi thường

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TAND) Nguyễn Hòa Bình cho biết thực tế hiện nay rất khó khăn trong việc giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, nhất là việc định lượng, xác định mức bồi thường cho người oan sai. Có khoản dễ tính theo hướng dẫn của Bộ Tài chính chẳng hạn như thu nhập tối thiểu nhân với số ngày ngồi tù oan. Nhưng có những khoản chỉ mang tính định tính, không thể định lượng, như tổn hại về tinh thần, sức khỏe,… Ông cho rằng, nếu không quy định cụ thể thì rất khó cho cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.

Dẫn chứng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được bồi thường 7,2 tỷ đồng, khi kiểm điểm lại định mức bồi thường, các cơ quan cho rằng Tòa án đã vận dụng luật không đúng, chấp nhận mức bồi thường quá cao. Theo ông Bình, việc này tạo “tiền lệ” để các trường hợp bồi thường oan khác so sánh, đối chiếu. 

So với vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin: “Hiện chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường oan sai cho ông Nén, nếu như theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén rất hạn chế và chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén 17 năm”.

Cùng quan điểm, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, vì không cụ thể chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường nên khi thương lượng rất khó khăn. Do đó, ông Thể đề nghị, cần đưa vào Luật nhưng chi phí “cứng” như bồi thường về việc mất thu nhập tính theo số ngày ngồi tù, nhưng với những thiệt hại vô hình của người bị oan sai như gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp, công việc bị mất… thì cần có barem tương đối chứ không thể yêu cầu người dân xuất trình hoá đơn, giấy tờ chứng minh được. 

Về vấn đề trách nhiệm bồi hoàn của người thực thi công vụ, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, cán bộ các cơ quan tố tụng thay mặt Nhà nước để làm công việc điều tra, truy tố, xét xử. Chính vì thế, khi cán bộ sai, cơ quan công quyền phải đền bù, xin lỗi là đúng. Theo ông Thể, chỉ trường hợp xác định cán bộ cố ý làm trái dẫn đến sai sót mới phải tự bỏ tiền túi ra đền. Còn vấn đề như trình độ kém, nhận thức chưa tới mà gây oan sai thì nên áp dụng biện pháp khác như chuyển công tác nơi khác, hạ bậc lương, không bổ nhiệm lại… 

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, người thi hành công vụ không làm việc với tư cách cá nhân, để đảm bảo quyền lợi cho người bị oan trước hết phải lấy từ ngân sách nhà nước để bồi thường, sau đó tính khoản bồi hoàn sau. Theo bà Nga, việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là vừa phải đảm bảo quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, vừa đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng; nâng cao trách nhiệm cán bộ thực thi công vụ nhưng không làm “chùn tay” của cán bộ thực thi. 

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng đó là trách nhiệm của các cơ quan khi gây ra oan sai. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan cuối cùng nào làm sai thì đứng ra thay mặt Nhà nước để xin lỗi và bồi thường cho người bị oan sai. Nhưng trên thực tế có tình huống sai xót xuyên suốt từ đầu quá trình điều tra đến khâu luận tội. Vậy nên, cũng phải xác định rõ trách nhiệm cho những người sai đầu tiên, chứ không có chuyện đá bóng sang sân khác. Như vậy mới có cơ hội khắc phục oan sai trong toàn hệ thống.

Kinh phí bồi thường lấy từ đâu?

Về vấn đề kinh phí để bồi thường, nhiều ý kiến cho rằng nên phân định rõ và có một “quỹ” riêng để tiến hành bồi thường oan sai. Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, hiện tại các cơ quan rất áp lực từ dư luận trong việc sử dụng tiền ngân sách đề bồi thường cho sai phạm của của cán bộ công chức, viên chức nhà nước, điều này cũng gây khó khăn cho quá trình giải quyết bồi thường. “Ngay cả trong Quốc hội các đại biểu cũng đặt vấn đề là tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải để dành cho việc bồi thường những sai sót của cán bộ, cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhiều nước, đã có xây dựng quỹ để phục vụ việc bồi thường”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.

Là cơ quan tiếp nhận ý kiến của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri rất băn khoăn về việc lấy tiền từ ngân sách nhà nước để bồi thường. “Họ cho rằng, cần có sự tách bạch như đề xuất lập quỹ lấy tiền từ xử phạt bồi thường”, bà Hải nói. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện tại chúng ta có quá nhiều loại quỹ (khoảng 80 quỹ), và không cần thiết một quỹ như trên. “Hoạt động của Nhà nước là phải do ngân sách nhà nước chi trả. Khi Nhà nước bồi thường oan sai, rõ ràng lấy từ tiền ngân sách. Cần giải thích rõ cho người dân là tiền bồi thường lấy từ tiền thuế hay tiền khác, nhưng vẫn là từ ngân sách nhà nước. Không nên rạch ròi ngân sách khoản này chi cho việc này, khoản khác chi cho việc khác, theo tôi là không hợp lý, không đúng nguyên tắc”. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh: “Cấp nào ra quyết định sai thì cấp đó phải bồi thường, xin lỗi. Còn khi đã sai, đúng mà còn liên quan đến cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thì trách nhiệm phải rõ”.

Kết luận sơ bộ nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định, Dự thảo Luật là vô cùng quan trọng vì liên quan đến người dân và các cơ quan công vụ nên càng thảo luận kỹ, thận trọng càng tốt. Do đó, ông Lưu đề nghị, sau phiên họp này, các cơ quan cần ngồi lại với nhau để xử lý vấn đề tồn tại còn ý kiến khác nhau, sau đó, sớm tổ chức hội nghị đại biểu QH chuyên trách mời các cơ quan, chuyên gia tham gia, sau đó báo cáo lại Thường vụ QH trước khi trình ra QH. 

Đọc thêm

Hồ sơ, thủ tục thực hiện đăng ký kinh doanh dạy thêm

Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng.
(PLVN) - Bạn Hồng Ngọc (Hà Nội) hỏi: Tôi là giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại một trường trung học cơ sở. Sắp tới tôi muốn mở lớp dạy thêm tại nhà riêng với sĩ số khoảng hơn 10 học sinh một lớp. Xin hỏi, theo quy định mới, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với ai? Báo cáo nội dung gì? Điều kiện, thủ tục đăng ký dạy thêm, học thêm như thế nào?

Vận chuyển đá quý trái phép bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Vụ việc vận chuyển trái phép hơn 700 viên kim cương trị giá hàng chục tỷ đồng vừa được phát hiện đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến việc mang theo kim loại, đá quý khi xuất nhập cảnh. Theo quy định hiện hành, hành lý vượt định mức miễn thuế mà không khai báo hải quan sẽ bị coi là xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp. Việc xử lý sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm và ý thức của người thực hiện trong trường hợp cụ thể.

Con đường tại Hà Nội bị 'thắt cổ chai' vì vướng khu đất bị cho là “lấn chiếm”: UBND xã Tri Thủy (Phú Xuyên) xác nhận khu đất có nguồn gốc đất công

Con đường bị “thắt cổ chai” khi đi đến khu đất được cho là lấn chiếm đất đình làng. (Ảnh: Vy Hương)
(PLVN) - Sự việc xảy ra tại thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã kéo dài nhiều năm. UBND xã xác nhận khu đất bị khiếu kiện tập thể có nguồn gốc đất công và UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, nên hàng chục hộ dân trong thôn đề nghị cơ quan chức năng sớm có các động thái xử lý dứt điểm.

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế
(PLVN) - Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra TP Thủ Đức (TP HCM) đã nêu rõ một số công trình xây dựng, trong đó có cơ sở kinh doanh Quê Nhà trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, là không phép, sai phép, phải cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng đến nay, một số cơ sở đã không chấp hành các quyết định xử phạt, cưỡng chế, thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu vi phạm mới.

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời
(PLVN) - Liên quan sự việc Cty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh khiếu nại Kết luận thanh tra 987/KL-UBND (KLTT) của UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng mình không trốn thuế; mới đây, Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM, là đơn vị quản lý số hóa đơn liên quan vụ việc) đã có văn bản trả lời Báo PLVN.

Sắp phúc thẩm vụ “làm giả con dấu” tại Công ty Hoàng Long (Nam Định): Một số tình tiết cần làm rõ

Bản án 83/2024/HS-ST (bên trái) và Đơn của gia đình bị cáo Long gửi PLVN. (Ảnh: Hà Sơn)
(PLVN) - Dự kiến ngày mai (9/1), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm vụ án bị cáo Lưu Văn Long (SN 1955, ngụ TP Nam Định, tỉnh Nam Định) “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Long bị TAND tỉnh Nam Định tuyên lần lượt 3 năm 6 tháng tù và 2 năm 6 tháng tù về hai tội danh này.

Chuyển nơi cư trú có phải đổi đăng ký xe ô tô không?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bạn đọc hỏi: "Trước đây tôi cư trú tại Hà Nội, hiện giờ tôi mới chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp của tôi có phải đổi đăng ký xe ô tô khi chuyển nơi cư trú không? Nếu phải đổi thì tôi phải làm những thủ tục gì?".

Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe từ 1/1/2025

Luật sư Lê Hiếu.
(PLVN) - Bạn Huy Phong (Hà Nội) hỏi: Do nhiều lúc phải giải quyết công việc gấp nên tôi hay sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Xin hỏi, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 thì hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?