Độc đáo cặp rồng đá vừa được công nhận Bảo vật quốc gia

Cặp rồng đá ngàn năm ở Thành Cổ Loa. (Nguồn ảnh: Khu di tích Cổ Loa)
Cặp rồng đá ngàn năm ở Thành Cổ Loa. (Nguồn ảnh: Khu di tích Cổ Loa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng, Cổ Loa vừa được công nhận Bảo vật quốc gia. Đây là hình tượng biểu trưng cho năng lượng trời đất, cho nhà vua và quyền lực của nhà vua, là vật thiêng mang lại sinh khí cho chốn linh thiêng như đền thờ Đức vua An Dương Vương.

Biểu trưng vương quyền

Thành Cổ Loa (Hà Nội) là tòa thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm Kinh đô nước Âu Lạc, nay thuộc huyện Đông Anh - Hà Nội. Thành gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú của dân tộc Việt, về câu chuyện Vua An Dương Vương định đô xây thành, về chiếc nỏ thần Kim Quy và mối tình bi thương của Mỵ Châu - Trọng Thủy... Từ bao đời nay, dấu vết của Thành cổ này cùng với những nhân vật được huyền thoại hóa đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Tại thời kỳ Âu Lạc - An Dương Vương, Cổ Loa vừa là kinh thành, vừa là quân thành và thị thành. Cổ Loa là đô thị cổ đại ở Việt Nam có quy mô rộng lớn nhất và được khởi dựng sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ở thời kỳ Ngô Quyền, sau chiến thắng quân xâm lược nhà Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, nền độc lập dân tộc ta được khôi phục, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa với ý thức tiếp nối “Quốc thống”. Từ thế kỷ XIX đến nay, Cổ Loa là cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Cổ Loa ngày nay đang trong quá trình xây dựng kinh tế mới và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống.

Ngày nay, trong khu di tích Cổ Loa còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đền thờ tướng Cao Lỗ, am thờ Công chúa Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn… Trong các đền chùa còn có nhiều hiện vật khảo cổ được khai quật trong Thành cổ như tượng đồng, mũi tên đồng và các món đồ bằng sứ, đá, được chạm khắc tinh tế. Đặc biệt có cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thời Lê Trung Hưng, hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng được đặt trước nghi môn ngoại đền Cổ Loa - đền thờ Vua An Dương Vương, “Chính pháp điện”, tọa lạc trên một khu đất cao, thuộc góc Tây Nam thành Nội. Đôi rồng được chạm trên một khối đá nguyên. Hai bên thành bậc có cấu trúc và hoa văn trang trí tương đối giống nhau. Đề tài chủ đạo là hình rồng được chạm ở tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc. Đầu rồng ngẩng cao, trán dô, tạo thành u, má hóp, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, đôi sừng có nhánh dài, chạm tới cả khúc thân thứ nhất; miệng rộng, ngậm ngọc, lưỡi ngắn, nanh nhọn, viền xung quanh hàm rồng dưới trang trí họa tiết dải mây xoắn nhỏ, râu mép uốn lượn trải dài từ mắt tới thân, lượn sóng bay về phía sau gáy. Với lối tạo tác kết hợp giữa tượng tròn và phù điêu, biểu tượng rồng cùng văn mây, đã tạo nên sự sống động, uyển chuyển, nhưng cũng đầy mạnh mẽ trên không gian dày đặc mây bay.

Nét đặc biệt của cặp rồng đá đền Thượng (Cổ Loa) là sự kết hợp với ba cây hương đá phía trước (“Thiên thạch trụ” - ba trụ chuyển nguồn sinh học của tầng trời xuống dưới đất). Xét theo quan niệm tâm linh và triết học, cây hương đá ngoài trời chính là sự kết nối giữa trời và đất hay cõi âm - cõi dương - là cột thông thiên giữa trời và đất, cao hơn, chính là ý nghĩa vô cùng nhân văn, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho những điều tốt đẹp đến với đời sống con người.

Do vậy, cặp rồng đá đền Thượng là hình tượng biểu trưng cho năng lượng của trời đất, là hình ảnh thể hiện sự biểu trưng cho Nhà vua và quyền lực của Nhà vua - Đức vua An Dương Vương, là vật thiêng mang lại sinh khí cho chốn linh thiêng như ngôi đền thờ Đức vua.

Nghệ thuật điêu khắc đặc biệt

Hình thức độc đáo của cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) còn thể hiện ở việc chạm khắc hoa văn rất đặc biệt, mang những nét điển hình của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ 18. Khác với đôi rồng thành bậc phía sau của điện Kính Thiên hay thành bậc rồng ở Lam Kinh mang dáng dấp đặc trưng của thành bậc cung điện, biểu trưng cho vương quyền, thì cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) lại có nét độc đáo riêng: Đền Thượng là Quốc từ, nên có sự kết hợp giữa biểu tượng vương quyền (rồng 5 móng) và rồng 4 móng. Đó còn là biểu trưng cho quan niệm "tả nam, hữu nữ", tượng trưng cho âm, dương; có sự phát sinh, phát triển, vốn là một quan niệm có ý nghĩa triết học, khởi nguồn từ thời dựng nước của người Việt.

Cùng với cặp rồng đá thành bậc đền Thượng, bộ thành bậc đền Cổ Loa niên đại 1732 là bộ thành bậc duy nhất trên cả nước gắn với di tích nổi tiếng, thờ Đức vua An Dương Vương - vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc, thế kỷ 3 Trước Công nguyên. Đó là bộ thành bậc thuộc thành phần kiến trúc của đền thờ Đức vua, nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc không lặp lại ở bất kỳ di tích nào ở Việt Nam có cùng chức năng và niên đại.

Các hình tượng của “bát bửu” thể hiện trên bệ rồng phía Tây, có sự kết hợp giữa Đạo giáo và Phật giáo, đã tạo nên những hòa điệu tâm linh và triết lý tôn giáo, phản ánh tư tưởng nghệ thuật mang tính thời đại, gắn liền với mong ước về một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, gửi gắm ước vọng của người xưa tới thần linh. Chính từ những hoa văn trang trí này đã tạo nên sự khác biệt của thành bậc đền Thượng với những thành bậc khác trong các di tích tôn giáo và tâm linh ở Việt Nam.

Hằng năm vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, người dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, nhất là để ghi ơn An Dương Vương, người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.

Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm, mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình.

Tin cùng chuyên mục

Góc nhỏ trong căn phòng cũng trở thành nơi cất giữ những “cái mặt chơi được”. (Ảnh trong bài: Tâm Anh)

Đi tìm nghệ nhân trên phố nhỏ Hà Nội

(PLVN) - Giữa nhịp điệu hối hả, xô bồ của đời sống thường nhật, còn đó trong lòng Hà Nội dư vị lắng sâu văn hiến ngàn năm. Trong ngóc ngách nào đó của Thủ đô, ta vẫn bắt gặp những người Hà thành đang miệt mài gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Đọc thêm

Linh thiêng lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân đảo Lý Sơn.
(PLVN) - Hôm nay, 24/4 (nhằm ngày 16/3 Âm lịch), tại Nghĩa Tự An Hải, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Ban Khánh tiết Đình làng An Hải, huyện Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là nghi lễ truyền thống bao đời nay của các tộc họ trên đảo Lý Sơn, nhằm kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai.

Đồng Tháp sẽ tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc tế về Sen

Đồng Tháp sẽ tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc tế về Sen
(PLVN) -  UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học “Sen Đồng Tháp: Giá trị văn hóa - Nâng tầm hội nhập”. Hội thảo dự kiến tổ chức ngày 17/5/2024 trong chuỗi sự kiện Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với quy mô cấp quốc tế.

“Kho báu” văn hóa trong đời sống

Thủ tướng Phạm Minh Chính với Đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín. (Ảnh:xaydungdang.org.vn).
(PLVN) -  Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có cuộc gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).

Giỗ tổ Hùng Vương ở đền thờ đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long

Văn nghệ chào mừng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang).
(PLVN) - Ngày 18/4 (nhằm ngày mùng 10/3 âm lịch), tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp (ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) diễn ra Lễ dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương nhằm bày tỏ lòng thành kính, tri ân công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.​

“Không ai nỡ bỏ chợ Rằm tháng Ba...”

Lễ dâng hương tại Thác Bụt. Ảnh: Thanh Hà
(PLVN) - Đến hẹn lại lên, cứ dịp rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, khách thập phương và các tộc người ở huyện Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) từ khắp mọi miền Tổ quốc háo hức tìm về trung tâm huyện lỵ - thị trấn Quy Đạt, để hòa mình vào không khí tưng bừng, vui tươi của lễ hội và những ngày chợ Rằm độc đáo...

Lễ hội tái hiện tích “Tản Viên đón vợ” thời Vua Hùng

Đặc sắc nghi lễ rước Chúa gái. (ảnh: Long Sơn)
(PLVN) - Lễ hội rước Chúa gái là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp gắn liền với hai nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa Công chúa (con gái Vua Hùng thứ 18), tái hiện lại đoàn rước dâu năm xưa của Tản Viên Sơn Thánh.

Cà Mau trọng thể tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương

Cà Mau trọng thể tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương
(PLVN) - Hòa cùng không khí của cả nước tưởng nhớ Vua Hùng, sáng 18/4 (tức mùng 10/3 âm lịch), tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Vua Hùng (tọa lạc tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) người đã có công khởi dựng cơ đồ cho dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Nghinh Ông và trưng bày đặc sản của huyện Đông Hải

Lễ hội Nghinh Ông và trưng bày đặc sản của huyện Đông Hải
(PLVN) - Chiều 17/4, UBND huyện Đông Hải long trọng tổ chức khai mạc lễ hội Nghinh Ông lần thứ XXI tại Lăng Ông Nam Hải, ấp 2, thị trấn Gành Hào, để tưởng nhớ tới công ơn của loài cá voi được ngư dân miền biển phong là thần Đại tướng quân Nam Hải (lễ hội diễn ra từ ngày 17 và 18/4 (nhằm mùng 9 - 10/3 âm lịch).

Gần 100 món nổi tiếng tham gia Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên

Sản phẩm bánh dày tại hội thi.
(PLVN) - Ngày 17/4, tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ I năm 2024. Liên hoan đã hội tụ gần 100 món ẩm thực nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên và các tỉnh, thành phố trong cụm Đồng bằng sông Hồng.

Dấu ấn cội nguồn dân tộc trên đất Phố Hiến

Dấu ấn cội nguồn dân tộc trên đất Phố Hiến
(PLVN) - Là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm, Phố Hiến - Hưng Yên, hiện vẫn còn lưu lại dấu ấn đậm nét về thời kỳ Hùng Vương, Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, tại phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, thờ vị vua sơ khai mở đầu cho 18 đời vua Hùng Vương dựng nước, gắn với truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” trong lịch sử dân tộc Việt Nam.