Tháng Chạp trong văn chương
“Mau quá. Nghe hai tiếng tháng Chạp thôi là bao nhiêu chuyện cần làm xồng xộc tới. Làm cỏ, tỉa kiểng sân trước, cọ rửa quét vôi mười mấy nấm mộ sau vườn, sửa sang nhà cửa, để xập xệ vậy coi đâu có được... Rồi cũng phải đi sắm đồ mới cho tụi nhỏ, tính coi ăn Tết sao đây. Bao nhiêu chuyện đó thôi lo cũng đã bứt gân, tóc tai tơi bời... Người Việt mình với Tết giống như con rắn tới kỳ lột da, lột không được, ngắc ngứ hoài, rũ không hết lo phiền, khó chịu lắm”. Đọc đoạn văn đó của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, hiểu người Việt ghê. Hiểu cái tâm lý người Việt, cái lo âu, vui mừng đón năm mới.
Trong tuỳ bút của mình, nhà văn Mai Thảo viết về tháng Chạp rất sâu sắc: “Tâm trạng lạ thường này mỗi tháng Chạp với tôi là một lần có, như sự trở lại của gió mùa, một đợt gió mùa khô săn dịu dàng và buồn bã lạnh. Trong tôi, một kẻ gây rối nào đó đã thức dậy. Tôi mơ hồ với tôi và liên hệ giữa mình và cuối năm như thế mà không bao giờ đích thực tìm hiểu được nguyên nhân. Chỉ chừng như nhịp đời tới đoạn trường cuối chót, mải miết, xô chen hơn. Và con sóng lớn dậy bất thường của nó, đã lại đẩy dạt tôi xa thêm chút nữa trên một đường lề. Chỉ chừng như những tờ lịch mỏng dần, cái vết kim đóng gáy lịch chìm lặng trong một chiều dầy của giấy đã hiện rõ, có mang trong nó ý nghĩa một ngậm ngùi. Và còn hình như là khoảng trống lớn là năm mới phía bên kia, khoảng trống đó lồng lộng gió sáng, dào dạt mưa chiều, tôi là kẻ lữ hành ngại ngùng tới gặp, chỉ muốn quẩn quanh trong cái bình năm cũ quen thuộc” (Những ngày cuối năm).
Mai Thảo - một người gốc Bắc (sinh ở Hải Hậu, Nam Định, quê gốc ở Gia Lâm, theo học ở Hà Nội) nên giọng văn trau chuốt, sâu sắc lắm. Cách ông tiếc nuối tháng Chạp như tiếc nuối phận người, thời gian trôi làm nhớ thương yêu mình, thương khung cảnh cũ, người xưa. Ngày tháng Chạp trôi qua tích tắc, nghe như sự tiễn biệt từ từ mà không ai bắt nó dừng lại được. Tất cả xuôi theo dòng, Mai Thảo nhìn chuyển động đó, thao thức, day dứt với tháng Chạp. Ngày đông tàn, năm hết, vẫn thấy bùi ngùi dù năm mới đang đến rộn ràng.
Trong “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng coi tháng Chạp đẹp lạ lùng. Ông mê mẩn khung cảnh của những phiên chợ giáp Tết, nhà văn bình phẩm rằng cứ vào tháng Chạp là mệt nhọc tan biến hết, lại có một ít tiền dành dụm trong năm để sắm Tết “một cái Tết không to nhưng cũng không lúi xùi”. Vũ Bằng nhìn tháng Chạp từ một cặp vợ chồng yêu thương, quấn quýt nhau, rạo rực đón Tết, vợ tự tay trồng hai khúc xương rồng, rồi ghép cánh lan chân cua vào để hút nhựa xương rồng mà sống: “Ghép lan như thế phải làm từ đầu tháng Chạp. Chừng một tuần, những lá lan trông như chân con cua bể căng nhựa, tươi lên trông thấy và thường thường vào cuối tháng Chạp thì hoa nở sum suê, đỏ chói - nhưng đỏ một màu đỏ đặc biệt, nửa như màu chu sa mà nữa lại như màu cánh sen” (Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết).
Người vợ ghép hoa thì ông chồng lo lau chùi bàn thờ, tủ chè, sập gụ… cho sạch bóng, bày biện lại cho thật ngăn nắp như một niềm tin vào tiên tổ là năm mới phải có nhiều cái mới, không khí ấm áp. “Từ quan niệm đó, người ta vui mừng trông đợi lúc cây cối và muôn vật trở lại cuộc sống bình thường và ao ước năm mới phải có một cái gì mới, một tiến bộ mới”.
Tháng Chạp, ngoài việc sắm sửa trong nhà, người ta còn lo chăm sóc phần mộ người thân đã khuất. Nó giống như chúng ta sửa sang lại nếp nhà cho gọn gàng, để mời tổ tiên về nhà đón Tết. Người Việt không tin người chết sẽ đi xa, nên phải thật chu đáo đón rước người thân về nhà. Nên ba ngày Tết lúc nào cũng có mâm cơm để trên bàn thờ là vậy, xong mới hoá vàng tiễn người đã khuất.
Phong tục trong tháng Chạp
Trong tháng Chạp lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp được xem là quan trọng nhất. Người Việt coi trọng cái bếp. Cái bếp là gia đình nhỏ, sum vầy, quấn quýt. Nó vừa sưởi ấm, cung cấp thức ăn, trò chuyện, nên vì sao ông Táo chầu trời để “báo cáo Ngọc Hoàng” chuyện gia đình làm ăn, yên ấm sao. Theo chuyện dân gian thì có “thanh tra” từ thiên đình để ghi nhận báo cáo từ ông Táo, xong rồi báo cáo Ngọc Hoàng minh xét.
Trong lễ cúng ông Táo, người ta đem đốt những chân nhang đi, rồi mang đổ xuống sông hồ, bát hương lại sạch sẽ để chuẩn bị cho lễ tất niên cuối năm. Nói về lễ vật cúng tiễn ông Táo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nhất Thanh cho biết: “Lễ vật thường là trầu, rượu, hoa quả, xôi gà hay chân giò heo… Nhiều nhà mua cá chép thả sống trong chậu nước bày lên cúng để ông Công dùng làm ngựa cưỡi; không ai mua cá giống khác hay con vật khác để cúng, vì theo thần thoại thì chỉ có cá chép hoá rồng, mà rồng bay trên mây thì đưa được ông Công lên trời…” (Đất lề quê thói).
Với người xưa, tháng Chạp coi như là “tháng Tết”. Nói về phong tục sửa soạn đón Tết của người Việt xưa từ triều đình cho đến dân thường, bác sĩ Hocquard, người Pháp có những quan sát thú vị: “Trong suốt gần một tháng, người dân An Nam dù giàu hay nghèo đều tạm dừng mọi công việc để dành thời gian cho việc ăn uống và giải trí. Không buôn bán, không đồng áng, không lao dịch buồn chán, tất cả già, trẻ, lớn, bé đều mặc quần áo mới đón Tết, kể cả những người nghèo túng cũng bán đi những đồ đạc cuối cùng và vay mượn để có đủ tiền ăn Tết. Theo như một câu ngạn ngữ An Nam thì “đầu năm mới phải tươi tốt, nếu không sẽ gặp họa lớn”. Lục Bộ trong Hoàng cung cũng đã đóng cửa. Kể từ 25 tháng Chạp, triều đình dừng mọi công việc, không nhận phê duyệt bản tấu, hộp đựng ấn tín sẽ khoá cho đến ngày 11 tháng Giêng. Các đầy tớ sẽ chỉ nghỉ ngơi trong 3 ngày Tết rồi lại quay trở lại phục vụ các gia đình giàu có, nhưng sẽ đòi thù lao cao” (theo “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” của tác giả Hocquard).
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng Chạp, thấy được cái se lạnh, mùi vị đất trời, thấy được cái vội vã của dòng người tấp nập cuối năm. Có người vui, người buồn, người âu lo “Tết lấy gì mà tiêu pha đây”, người nhớ nhung “chắc chắn năm nay không về quê ăn Tết với cha mẹ được”... Ôi đủ thứ chuyện của tháng Chạp, nói sao cho hết.
Thôi đành mượn đoạn văn của Vũ Bằng để dan díu vậy “Yêu tháng Chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đĩ thế, con mắt, tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng, tơ mơ thế”.
Đầu năm kiêng ăn cháo và mắm tôm, quét nhà, tại sao?
Cháo trắng, trong đời sống tâm linh của người Việt, thường được dùng trong các nghi lễ cúng cô hồn, đặc biệt là vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch. Theo "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính, việc dâng cháo trắng mang ý nghĩa an ủi các vong hồn không nơi nương tựa, thể hiện lòng từ bi và sự chu đáo của người sống.
Tuy nhiên, chính vì liên quan đến nghi lễ dành cho người âm, cháo trắng thường được kiêng ăn vào đầu năm hoặc những ngày mang tính khởi đầu quan trọng. Quan niệm dân gian lo ngại rằng ăn món này có thể thu hút sự quấy nhiễu của ma quỷ, ảnh hưởng đến sự bình an và tài vận trong năm mới.
Đồng thời, trong hoàn cảnh đời sống trước đây, cháo trắng thường gắn liền với hình ảnh nghèo khó, là món ăn cứu đói khi điều kiện kinh tế gia đình không cho phép.
Mắm tôm cũng là một món kiêng kỵ trong những ngày đầu năm. Theo quan niệm dân gian, mùi hôi mạnh của mắm tôm được cho là mang tính "ô uế," có thể phá vỡ không khí thanh tịnh và sạch sẽ cần có trong những ngày đầu năm, thậm chí mang đến những điều không may mắn.
Hơn nữa, khi đi lễ chùa vào đầu năm, mang theo mắm tôm hoặc sử dụng nó trước khi lễ bái bị coi là một hành động thiếu tôn trọng thần linh, bởi không gian chùa chiền đòi hỏi sự thanh khiết tuyệt đối.
Ngoài ra, vào những ngày đầu năm, quét tước trong nhà phải kiêng không dám hốt rác đổ đi, chỉ vun vào một xó, đợi ba hôm động thổ rồi mới đem đổ.
Tục này do ở trong Sưu thần ký có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo. Thủy thần cho một con hầu tên là Âu Như Nguyện, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm nhân ngày mồng một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác.