Tòa án tuyên buộc 7 gia đình phải trả nhà cho chủ sở hữu sau khi được bồi thường việc họ đã bỏ ra để tu sửa căn nhà trong thời gian họ ở. Không những thế, vợ chồng người chủ nhà còn tự nguyện hỗ trợ thêm mỗi hộ 300 triệu đồng, tổng cộng là 2,1 tỷ để họ rời khỏi nhà mình.
Tuy nhiên, do không đủ tiền hỗ trợ nên 2 năm sau bản án mới được đưa ra thi hành thì lúc đó những người phải trả nhà yêu cầu phải mua cho họ căn hộ thì họ mới chịu rời đi.
Cục THA tổ chức cưỡng chế và chủ nhà cũng không hỗ trợ nữa. Họ vẫn phải đi mà không được nhận khoản tiền hỗ trợ nào, trừ 3 tháng tiền thuê nhà do người chủ được THA vận động mà chi cho họ. Giá như họ chấp nhận tự nguyện thi hành án có phải là lối hành xử tốt đẹp cho cả hai bên không.
Gần đây, hay xảy ra tình trạng những chuyến bay bị chậm, có trường hợp đến 7,8 tiếng đồng hồ. Những chuyến bay chậm đó, hãng hàng không phải bồi thường cho hành khách là lẽ đương nhiên, song việc bồi thường với các thủ tục rườm rà khiến nhiều người phải tốn công đi lại mà vẫn chưa nhận được tiền làm xấu đi hình ảnh của hãng rất nhiều, đã có lời kêu gọi tẩy chay trên mạng xã hội.
Tương tự và phổ biến hơn, việc bồi thường nhà cửa, đất đai, hoa màu cho dân ở các dự án cần giải phóng mặt bằng thường chậm trễ, bất công khiến dư luận bất bình, xã hội thiếu ổn định. Hoặc, có trường hợp, cơ quan nhà nước mượn nhà dân mà hàng chục năm không trả, chủ nhà phải mất rất nhiều công sức, thời gian để đi đòi. Những cái gì thuộc về của người khác thì phải trả lại với một sự biết ơn chứ, gây khó dễ, không muốn bồi thường là cách hành xử thiếu văn hóa, gây bất bình và cả bất ổn trong lòng xã hội.
Trong khi có những hành vi phản cảm xảy ra trong xã hội chúng ta thì xuất hiện không ít những cách ứng xử văn hóa, hợp đạo lý, được lòng người. Mới đây nhất là trường hợp một cô nhân viên quán cà phê ở Phú Yên nhặt được 37,5 triệu đồng khách để quên dưới gầm bàn, cô thông báo rộng rãi để tìm người trả lại. Cô gái đó đã tốt nghiệp cao đẳng kế toán và chưa có việc làm, cô phụ bán quán cà phê với lương tháng hơn 3 triệu đồng.
Các em nhỏ, cô nhân viên điện lực, người nghèo,... không tham của người khác, nhặt được thì đem trả như một một lẽ tự nhiên phải thế, không vì được để khen ngợi hay trả công, đây chính là những người vô danh duy trì đạo lý và làm đẹp thêm đời sống của chúng ta.
Chính vì những con người với cách hành xử như vậy như là đối trọng với những kẻ chỉ biết vơ vét cho đầy túi tham để xã hội duy trì sự cân bằng những giá trị làm người, đó là đạo lý!