Dân đổ máu giữ rừng
Theo số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát, thì rừng già Y Tý có diện tích khoảng gần 300 ha, chủ yếu là những cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi được liệt vào danh sách quý hiếm bậc nhất cả nước, tính đến thời điểm hiện nay.
Ngay từ sau khi đất nước giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã yêu cầu chính quyền và người dân phải ra sức bảo vệ rừng nguyên sinh, tránh việc cây cổ thụ nơi này phải “đổ máu”… Vì thế, rừng ở đây ngay cả người dân bản địa cũng không thông thạo.
Để giữ được rừng thì chỉ cơ quan chức năng chưa đủ, điều quan trọng là cần có cả sự đồng lòng của người dân. Anh Hờ Chờ Mang, một người dân bản địa và cũng là nhân chứng trực tiếp rượt đuổi “lâm tặc” để cứu rừng kể: “Vào khoảng thời gian hơn 3 năm trước, tôi một mình nằm trên nương thảo quả và cũng là khu rừng mà gia đình tôi được giao bảo vệ. Trong lúc nửa đêm, nghe tiếng máy cưa cào xé, tôi một mình cầm đèn pin đến nơi có tiếng máy cưa thì phát hiện hơn chục người cùng 3 chiếc máy cưa thi nhau xẻ gỗ.
Không còn cách nào khác, điện thoại khi đó cũng không một vạch sóng, tôi chạy về lán cầm khẩu súng kíp đã bỏ lại bao năm không dùng, lắp kíp và bắn chỉ thiên. Lúc đó lũ “lâm tặc” cũng không biết tiếng súng phát ra từ đâu, chúng tán loạn bỏ chạy, vẻ mặt chúng rất bặm trợn, cũng may tôi núp dưới lùm cây nên chúng không phát hiện được”.
Theo những người dân vùng này cho biết, đó chỉ là một trong số những trường hợp giáp mặt với lâm tặc ít nguy hiểm, kịch tính nhất. Cuộc chiến chống “lâm tặc” ở rừng già Tây Bắc từng gây xôn xao một thời phải kể đến câu chuyện cả làng rượt đuổi nhóm “lâm tặc”.
Vụ việc đã xảy ra 13 năm về trước, khi đó ông Vừ Hờ Chớ đang nằm ngủ thì nghe thấy tiếng rục rịch, ông Chớ cầm đèn pin đi rình thì phát hiện nhóm người đang vận chuyển gỗ ra ngoài đường lớn và đã có xe thùng đợi sẵn. Vừ Hờ Chớ chạy vội về nhà để báo cho mọi người biết thì khi đó lũ “lâm tặc” đã bắt đầu nổ máy xe bỏ chạy. Bấy giờ là nửa đêm, gọi dậy ai cũng luống cuống, họ vội vàng cầm cuốc ra đường đứng chờ trên các hẻm đường.
Cuộc chiến với “lâm tặc” đêm đó đồng bào nơi này vẫn còn nhớ mãi. Xe gỗ đêm đó không được vận chuyển theo đường mòn ra ngoài ngay mà mãi đến tờ mờ sáng chúng mới bắt đầu lộ diện. Màn sương bao phủ khắp cánh rừng, những tên “lâm tặc” di chuyển theo hướng B.Hum để về trung tâm huyện Bát Xát, nhưng gặp phải dân bản đứng chờ, chúng cầm gậy gộc chống trả quyết liệt khiến 2 người dân tử vong. Nhưng cuối cùng, số gỗ đó đã bị giữ lại.
Ông Tráng A Lù, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý |
Để có cái nhìn rõ nét hơn về cuộc chiến gian khổ để giữ rừng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Tráng A Lù, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý, ông Lù cho biết: “Hiện tại rừng già Y Tý chủ yếu là gỗ nghiến, sến, pơ mu, chai… hàng trăm năm tuổi. Bởi thế, có rất nhiều kẻ nhòm ngó hòng đốn gỗ quý bán. Điển hình vào cuối năm 2013 vừa rồi xã đã phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng bắt gọn một xe gỗ chừng gần 10 khối giữa nửa đêm”.
Theo ông Lù, “lâm tặc” về đây “cứa” rừng không chỉ là người dân ở phía ta, mà còn có cả của “bên kia” sang đốn gỗ. Vì 2 bên chỉ cách nhau ranh giới là một con suối. “Nóng” nhất là khoảng cuối năm 2012, chính quyền xã đã phối hợp cùng với người dân, trạm kiểm soát và Bộ đội Biên phòng bắt gọn 6 khối gỗ nghiến được xẻ làm quan tài hòng đưa sang bên đó tiêu thụ.
Ông Lù bộc bạch: “Có lẽ chỉ có chính quyền giáp ranh Trung Quốc như chúng tôi mới thấu hiểu được hết cái khó về việc quản lý ở đây. Chúng tôi vừa cứng rắn, vừa phải mềm dẻo mới giữ được rừng”.
Chẳng là, khoảng năm 1993, khi đó người dân 2 bên tranh chấp và lấn sang địa phận rừng Pơ Mu của ta. Chính quyền bên ta yêu cầu bên kia xem xét lại bản đồ nhưng họ không có động thái gì. Thế nên, ông Lù đề xuất ý kiến là tỉ thí võ với nhau, nếu phía họ thua thì họ không được phép tái diễn việc xâm lấn sang rừng phía ta. “Lúc đó tôi còn trẻ, lại sung sức và vốn học được chút võ vẽ từ cha nên chúng tôi đã thắng 4 lính biên phòng của họ, đó là thực tế” – ông Lù hồi tưởng lại.