“Sự cố” bất khả kháng
Thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha và mẹ nên cậu bé Bùi Đình S., xã Nghi Kim, TP.Vinh, Nghệ An càng phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua khó khăn. Học hết lớp 12 cậu bé dồn hết sức lực để thi vào Học viện Hậu cần – ngôi trường mà cậu đã mơ ước từ lâu. Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, S. và gia đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Thế nhưng, niềm vui đó “chẳng tày gang” khi em nhận được tin báo của trường là không đủ điều kiện vào học hệ quân sự của trường vì thiếu một quả thận bẩm sinh.
Lý do mà nhà trường đưa ra khi quyết định chuyển S. sang hệ dân sự là nếu hoạt động bình thường, người có một quả thận vẫn sống tốt. Nhưng khi vào quân đội, cường độ huấn luyện trên thao trường cao, môi trường khắc nghiệt, lúc đó các điều kiện về sức khỏe tốt mới thực sự cần thiết và S không đáp ứng được các điều kiện để bảo đảm cho việc học tập và rèn luyện của trường.
Cũng tương tự như S., em Nguyễn Anh T. ở Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội bị Học viện Hậu cần trả hồ sơ và cho thôi học do kết quả siêu âm thể hiện thận trái của T. có hai đài bể thận, không phù hợp với Quy chế tuyển sinh của Bộ Quốc phòng.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã nhận được văn bản của Ban Tuyển sinh quân sự - Bộ Quốc phòng đề nghị cho những thí sinh trúng tuyển vào trường quân sự, nhưng sau khi khám sức khỏe không đủ điều kiện, được chuyển sang hệ dân sự của trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý với đề nghị của Bộ Quốc phòng vì những thí sinh này đủ điểm vào các trường quân sự. Tuy nhiên, các em phải tự nguyện lựa chọn và số điểm đạt được đảm bảo như nguyện vọng 1 mà trường đó tiếp nhận.
Mặt khác, theo quy định của Bộ Quốc phòng tiêu chuẩn tuyển sinh vào các trường quân đội dành cho cả nam và nữ là phải đạt sức khỏe loại 1 ở các chỉ tiêu: Nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, mắt, tai - mũi - họng, hàm - mặt. Riêng về răng thì các trường được lấy những thí sinh đạt sức khoẻ loại 2.
Khi bắt đầu làm hồ sơ, thí sinh được thông báo khám sơ tuyển ở các địa phương và đây chỉ là khám bước đầu vì điều kiện cơ sở vật chất không được đầy đủ. Thí sinh phải kê khai đầy đủ tình trạng bệnh tật, vì kể cả khi đỗ, sau đợt khám sức khỏe chuyên sâu đầu năm, nếu không đạt thí sinh vẫn bị loại.
Và hàng năm vẫn có một số thí sinh trúng tuyển nhưng đến kỳ khám sức khỏe chuyên sâu để vào học thì phát hiện bệnh, chủ yếu là bệnh tim, phổi do khám sơ tuyển chưa phát hiện được. Những thí sinh này, theo quy định đều được cấp giấy xét tuyển bổ sung để nộp cho các trường ngoài quân sự, hoặc hệ dân sự trong các trường quân sự.
Lựa chọn công việc phù hợp sức khỏe
Liệu quyết định của các trường nói trên có “làm oan” cho thí sinh hay không khi việc thiếu/ thừa một bộ phận cơ thể bẩm sinh đâu có phải do lỗi của bản thân các em?. Một số chuyên gia y tế trao đổi với Pháp luật Việt Nam những thông tin liên quan đến những vụ việc này.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, tiêu chuẩn sức khỏe của một sinh viên trường quân sự có quy định riêng và do trường đó quy định, vì các trường đặc thù này có những tiêu chuẩn đặc biệt về sức khỏe để đáp ứng môi trường rèn luyện trong quân đội.
TS. Nguyễn Huy Quang ví von, con người có một số thứ phải có cả đôi thì mới phát huy tác dụng của nó. Ví dụ như đôi mắt, đôi tai, hai quả thận… Khi thiếu đi một chiếc/cái, chắc chắn hoạt động của người đó sẽ kém đi, sức khỏe không thể đảm bảo. Cũng giống như một đứa trẻ, nếu được đầy đủ bố mẹ chăm lo nó sẽ phát triển hơn trong hoàn cảnh thiếu vắng người cha hoặc người mẹ…
Đồng quan điểm này, bác sỹ Bùi Đức Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, sức khỏe là vốn quý nhất của con người, không có sức khỏe thì con người không thể làm gì được. Thực tế, mỗi công việc nhất định sẽ đòi hỏi một tình trạng sức khỏe nhất định và với sức khỏe nhất định thì nên lựa chọn một công việc phù hợp.
Về nguyên tắc, theo bác sỹ Nam, hoàn hảo nhất và tốt nhất vẫn là đầy đủ các bộ phận, cơ quan trong cơ thể. Với trường hợp người mang một quả thận, chắc chắn tình trạng sức khỏe sẽ không thể bằng người có hai quả thận nếu làm việc trong điều kiện nặng nhọc và nguy hiểm, nếu chẳng may vì một lý do nào đó mà quả thận còn lại suy yếu hoặc hỏng đi thì quả thật là một điều rất đáng lo ngại.
Bác sỹ Nam cho hay, trên thế giới cũng có nhiều nghiên cứu về trường hợp người chỉ có một quả thận nhưng vẫn sống và sinh hoạt bình thường, vì thế mới có chuyện người sống có hai quả thận có thể hiến đi một quả thận và vì khoa học đảm bảo thì luật pháp mới cho phép. Tuy nhiên, trong trường hợp các bạn sinh viên này thì mục tiêu quan trọng nhất của bạn vẫn phải là sức khỏe.
“Quan điểm của cá nhân tôi, tôi sẽ khuyên bạn ấy nên tìm hiểu về những yếu tố nguy cơ làm nặng, hoặc ảnh hưởng đến quả thận duy nhất và quý báu của bạn ấy là việc bạn ấy cần quan tâm nhất. Vì nếu bạn có sức khỏe thì bạn sẽ thực hiện được nhiều mục đích khác cần cho cuộc đời. Cụ thể, ngoài chuyện học ra còn gia đình, công việc, hạnh phúc và rất nhiều vấn đề khác cần phải quan tâm” – bác sỹ Bùi Đức Nam khẳng định.