Nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Chiến - vợ ông Chấn - cho biết: “Từ hôm qua đến giờ tôi phải trả lời rất nhiều cuộc điện thoại của báo chí hỏi về việc này. Tôi khẳng định gia đình tôi cũng như những người đã giúp đỡ rất nhiều trong quá trình kêu oan như chú Hoạt, cô Hải chưa hề có văn bản nào gửi cơ quan chức năng về việc đòi bồi thường. Tôi không biết thông tin này ở đâu ra”.
Dù được tự do nhưng tâm lý ông Chấn vẫn chưa trở lại bình thường. |
Thông tin thêm về việc bồi thường của ông Chấn, Luật sư Vũ Thị Nga - Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Việt, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Chấn sau hơn 10 năm ngồi tù - cho biết: Ngày 25/1/2014, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã đọc và trao Quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, xác định ông Chấn không phải là hung thủ trong vụ án giết người xảy ra 10 năm trước tại thôn Me, xã Nghĩa Trung là đủ điều kiện để được bồi thường theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Gia đình ông đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cơ quan chức năng sớm xem xét bồi thường thỏa đáng. Theo nguyên tắc, số tiền bồi thường sẽ được chuyển trả ngay cho người bị oan, được thanh toán một lần. Trong trường hợp của ông Chấn, TANDTC là cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì Tòa này xử phúc thẩm vẫn giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm và tuyên ông Chấn là có tội. Tiền bồi thường sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, sau đó cá nhân người thi hành công vụ có lỗi gây ra oan sai thì phải hoàn trả lại tiền cho ngân sách nhà nước.
Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Chấn có thể được xem xét bồi thường các khoản như thiệt hại do tài sản bị xâm phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe... Nhưng, khó khăn nhất với gia đình ông Chấn là việc thu thập các giấy tờ thể hiện chi phí tốn kém trong quá trình đi kêu oan.
“Gia đình tôi đang thu thập các giấy tờ chứng minh cho yêu cầu bồi thường nhưng các giấy tờ chứng minh việc đi lại, phô tô tài liệu kêu oan có ai giữ đâu để mà kê khai bây giờ” - bà Chiến băn khoăn. Bà Chiến cũng cho biết, thời gian qua, một số nhà hảo tâm đã gửi tiền về ủng hộ gia đình ăn tết và chữa bệnh, từ vài trăm đến vài triệu, thậm chí có người ở tận nước ngoài còn gửi về 700 USD để giúp ông Chấn và hai người có công giúp đi kêu oan là bà Thân Thị Hải - hàng xóm và ông Thân Ngọc Hoạt - anh em đồng hao với ông Chấn.
Những đổi thay không mong muốn
Bà Chiến cũng cho biết, cuộc sống của ông Chấn từ ngày được tự do về nhà vẫn chưa trở lại bình thường. Do thời gian ở tù cứ đinh ninh mình không phạm tội nên không nhận thứ gì của trại như quần áo, chăn màn nên bị đánh nhiều, lại ngồi thâu đêm viết đơn kêu oan gửi ra ngoài nên bây giờ thần kinh có vấn đề.
“Được tự do về nhà bao lâu rồi mà ông Chấn vẫn cứ lơ ngơ, tưởng mình vẫn ở tù. Bất cứ ai đến nhà chơi cũng gọi là cán bộ. Nhiều đêm ngủ mơ vùng dậy ngồi vì thấy cảnh tranh nhau ăn, đánh đập trong tù. Sức khỏe yếu, hay đau đầu, lại mới phát hiện bệnh cao huyết áp nên tôi mong Nhà nước đền bù thỏa đáng để ông Chấn đủ tiền đi chữa bệnh”, bà Chiến nghẹn ngào nói.
Trong khi đó, chính ông Chấn tiết lộ đã có nhiều người đặt vấn đề viết truyện, dựng phim về quãng đời oan trái trong tù của ông. “Ngay trước khi ra tù, một người bạn tù đã tiên đoán “rồi tên tuổi ông sẽ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyện ngắn, truyện dài rồi cũng viết về ông cho mà xem”. Vừa qua, lại có nhà sản xuất phim ở tận TP.Hồ Chí Minh gọi điện cho tôi nói muốn làm một cuốn phim để “ghi vào lịch sử”, có người đề nghị viết thành sách. Nhưng tôi vẫn hoảng loạn, sợ hãi mỗi khi gặp người lạ, chuyện lạ như vậy nên chưa dám trả lời gì trước những đề nghị đó”, ông Chấn thật thà kể.
Cũng từ ngày ông Chấn "nổi tiếng", nhà ông trở thành địa điểm cho những người đi kêu oan tìm đến nhờ giúp đỡ, tư vấn. “Có những người ở Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh... tìm đến nhờ chúng tôi chỉ cách đi kêu oan, gửi đơn đến đâu, chúng tôi hướng dẫn họ cách viết, gửi đơn và đặc biệt là khuyên họ phải kiên trì và chia sẻ chuyện oan của mình với những người hiểu biết pháp luật để họ tư vấn” - bà Thân Thị Hải chia sẻ.
Những đổi thay nho nhỏ đó, gia đình ông Chấn không hề mong muốn. Tâm nguyện lớn nhất của gia đình là tiền bồi thường sẽ đủ để chữa bệnh cho ông Chấn “minh mẫn lại như lúc còn ở nhà”, mua thuốc chữa bệnh thần kinh của bà Chiến bộc phát do lo nghĩ quá nhiều chuyện chồng mang trọng tội giết người, bị bắt giam oan và đưa con gái 30 tuổi chưa chồng đang làm “ô - sin” ở Đài Loan về nhà đoàn tụ sau nhiều năm quăng quật xứ người kiếm tiền cho mẹ đi kêu oan…
Phải thỏa thuận mức bồi thường trước
Luật sư Vũ Thị Nga cho biết: “Hiện, chúng tôi đã giúp gia đình ông Chấn hoàn tất đơn yêu cầu bồi thường, chuẩn bị gửi lên TANDTC, nhưng chưa tổng hợp con số cụ thể vì việc bồi thường trước hết phải trên tinh thần thỏa thuận đã. Tôi chỉ có thể nói rằng luật sư cũng như gia đình ông Chấn đều mong muốn sẽ thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền một khoản tiền bồi thường bù đắp thỏa đáng phần nào tổn thất do 10 năm tù oan".