Chiếc giường rộng

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhà thị có một cái giường mới, cái giường rộng 2m, khi nghe chồng phong thanh nói chuyện dọn phòng để đổi giường, thị mừng lắm, khấp khởi trong lòng như đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về. Thị còn nghĩ đến khoảng không gian riêng tư chồng muốn dành cho hắn và thị để cô con gái bé bỏng không bị ảnh hưởng giấc ngủ.

Thị hí hửng trong lòng, hóa ra là thế, cái đồ đàn ông nông nổi giếng khơi, hóa ra là vì lâu nay hắn kìm nén là bởi cái giường chật, hắn sợ con mất ngủ… Thế nhưng, giường xong mấy tháng rồi, hình như hắn vẫn sợ… con mất ngủ. Đêm nay, thị lại hận nó quá! Thị hận cái giường quá rộng, nhưng lại không có một chỗ bình yên cho thị. Thậm chí cả đứa con bé bỏng của thị, nó cũng không được vui vẻ bước vào giấc ngủ ngon trên chiếc giường quá rộng này.

Giường mới rộng 2m, thị chưa có tiền mua nệm mới nên vẫn dùng tạm cái của giường cũ. Thừa một khe trống khoảng 20cm phía giáp tường vị trí dành cho thị. Đêm nay, cũng như rất nhiều đêm đã qua, thị nằm nghiêng co mình dưới đuôi giường, phần lưng áp sát tường, vừa lọt khe trống không đệm, phần chân co sang phía đuôi giường, quắp chặt đứa con nhỏ vào lòng. Thị ước căn phòng đừng rộng thế này, chiếc giường đừng rộng thế này, nhưng mẹ con thị có được chỗ đặt lưng an bình, được chở che, vỗ về cho giấc ngủ, được ấm áp chật chội trong lòng hắn.

Thị nằm vậy đề phòng khuya lỡ buột mắt ngủ, đứa con có vẫy vùng thì cũng không động chạm đến hắn, để hắn không mất ngủ, con thị không phải hoảng hồn khi nghe những lời đe dọa. Ban tối, đứa con khó ngủ, xoay dọc, xoay ngang, để chân vào mặt bố, hắn quát lên với con: Đánh cho què chân đấy! Thị sợ hãi, như con gà mẹ quơ vội con vào lòng. Hắn vẫn ngủ, đứa con nghịch ngợm bị bố quát mắng, sau một hồi trằn trọc cũng đã ngủ, chỉ còn thị trân trân mắt trong bóng tối với những câu hỏi không thể trả lời, chỉ thấy như tim mình đang mệt nhọc đập rã rời.

Thị nhớ lại cơn rùng mình lúc ấy - khi bố của con gái thị dọa đánh què chân con. Nghe tiếng chồng quát con, thị sững sờ. Cảm nhận rất thật cơn ớn lạnh xộc thẳng vào tim, vào đỉnh đầu. Đứa con gái bé bỏng này ngày đêm thị nâng niu. Đến trong mơ thấy nó bị muỗi đốt, cảm giác xót xa còn tồn tại trong thị cả khi đã tỉnh giấc. Thị chưa bao giờ đánh con bé. Thị bầu con bé trong sự bấn loạn, thiếu thốn, nên con bé hay giật mình. Nó gan dạ. Nhưng mỗi lần có tiếng nói to là nó giật mình hoảng hốt. Mỗi khi nó hờn dỗi, nếu bị mắng, con bé sẽ khóc to hơn, phản ứng mạnh hơn. Nhưng nếu thị ôm con vào lòng, áp tai nó vào phần trái tim thị đang đập, con bé sẽ bình tâm lại ngay, tiếng nức nở nhỏ dần và ngoan ngoãn nghe lời.

Đời đàn bà, từ khi được làm mẹ, thị đã hài lòng với những giấc ngủ không yên. Nhiều đêm còn hoảng hốt tỉnh giấc nếu bên cạnh mình yên tĩnh, trống trải quá!

Đời làm vợ, thị len lén lo chồng mất ngủ, bởi thị thương cho những giọt mồ hôi, những vật vã bươn chải của chồng để kiếm tiền nuôi con. Bao nhiêu đêm trong cuộc đời, thị tỉnh giấc bởi cơn khát, mà đành len lén lặng im bên tiếng thở đều đều ngon giấc của chồng.

Cũng chẳng cao sang hơn những người đàn bà nhỏ mọn khác, giấc ngủ của thị được tạo bởi những lần cho con bú, những lúc cho con đi vệ sinh, uống nước, những đêm thức trắng canh từng cơn sốt của con. Con thị lại không giống những đứa trẻ khác, những giấc ngủ của các con chỉ có một bên hơi ấm. Thị nghĩ con thiếu, thị cũng thương chồng vì nghĩ hắn cần con, cần những giấc ngủ có con bên cạnh. Thị cố gắng căng mình co kéo, vá víu. Thị vá bằng trái tim rách toang toác và sự hoang tưởng của bản thân mình.

Con bé bị bố mắng hôm nay, lỗi là tại thị. Tại mẹ nó nằm xa bố nó quá. Nó muốn được kề má bên mẹ, nhưng lại sợ bố trốn mất trong lúc nó ngủ, nên nó phải chòi chân qua để thấy được bố. Thị lại không muốn nằm gần bố con bé. Nói đúng hơn là thị sợ hãi phải nằm gần chồng. Thị sợ những xúc cảm đàn bà trong thị sẽ thức dậy trong thị khi ngửi thấy mùi da thịt của chồng. Thị vẫn không dìm chết được tình yêu nồng nàn với người đàn ông duy nhất của đời mình. Đã bao nhiêu lần thị tự mình lăn xả ngõ hầu đánh thức được yêu thương từ hắn, đã bao nhiêu lần thị tự mình làm mình đau thương… Nhưng từ cái đêm của một ngày nào đó rất xa, khi thị đang hít hà hơi ấm từ ngực chồng, hắn vùng đứng dậy với lý do… đi ăn cỗ lúc 2h sáng, thị đã đào một nấm mồ. Đêm ấy, thị ngồi chết trân trong góc phòng cho đến khi mờ sáng. Thị tỉ mỉ nhặt lại từng mảnh tim vỡ vụn, khâu nó bằng sợi chỉ của băng giá. Thị tự răn lòng không để cơn khát đàn bà làm mất lòng tự trọng.

Thị vừa có một chuyến đi nửa chiều dài đất nước. Đặt chân kết thúc cuộc hành trình, thị mới nhận ra rằng, thị đã bỏ hắn ngoài trái tim thị suốt cả hành trình. Không một dòng tin nhắn, không một lần tìm cớ hỏi han, không cả nhớ dù chỉ là trong vu vơ. Bạn bè, đồng nghiệp, rượu và những lời chúc tụng đã đầy trong tim, không còn chỗ cho nỗi nhớ chồng. Thị đã từng có lúc muốn say, muốn hư hỏng để bù trừ cho những gìn giữ hy sinh không xứng. Nhưng thị lại thương con. Hình ảnh những đứa con níu thị lại trong ranh giới vô hình.

Đêm nay, thị không biết mình nên cho con ngủ ở đâu? Để con tiếp tục thèm những giấc ngủ có bố, hay lại tiếp co kéo để cả con và cả bản thân thị đều phải đánh đổi bằng những sự tổn thương, co quắp trên chiếc giường quá rộng nhưng không có chỗ cho sự yêu thương và bình yên? Thị phải dắt con đi, để chồng thị ngủ ngon; để con thị mãi nhớ đó là một phần con còn thòm thèm, như chiếc kẹo trong giấc mơ mà mẹ không bao giờ có tiền mua nổi. Thị sẽ dắt con đi để tìm cho mình một nửa chiếc giường nho nhỏ nhưng ấm áp, một trái tim nho nhỏ nhưng đủ chỗ cho thị co tròn, bình yên không mộng mị…

Truyện ngắn của Nhật Mai

Tin cùng chuyên mục

Dẫu cho cuộc sống có đổi thay thế nào, vị trí, vai trò của một người thầy trong xã hội, trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ là không thay thế được. (Nguồn: ĐN)

Suốt đời học làm thầy

(PLVN) - Những lúc không bận bịu lên lớp hay bài vở, giáo án, anh vẫn thường miệt mài xem gì đó trên điện thoại, soạn gì đó trên máy tính, lúi húi ghi chép gì đó trong quyển sổ tay nhỏ mang bên người. Bạn bè hỏi, anh bảo anh đang học. Bạn bè đôi khi đùa, sao đi làm thầy giáo rồi mà cứ học học nữa học mãi vậy, định học đến giáo sư à? Thì anh chỉ cười thủng thẳng: Sự học là sự nghiệp suốt đời mà.

Đọc thêm

Sài Gòn trong cơn mưa…

Những cơn mưa Sài Gòn thường chọn cho mình giờ rơi khắc nghiệt nhất, ấy là buổi tan tầm.
(PLVN) - Nhiều người hay bảo thích ngắm mưa rơi. Vì nhìn mưa rơi sao mà tươi mát, mà dịu dàng đến thế, như một bản nhạc của đất trời.

Xuyên bão

Tranh minh họa của Văn Học
(PLVN) - Trận bão về sớm hơn thường lệ. Gió ầm ào gào rít như muốn tàn phá tất cả. Ngoài kia, cây cối bị vặn ngả nghiêng, rõa rượi, lá bị bứt xáo xác, bay chíu chít.

Về nhé bạn ơi!

Ảnh minh họa. (Nguồn: N.T)
(PLVN) - Cứ sáng sớm hơn 4 giờ bố sẽ gọi tôi dậy. Vệ sinh cá nhân xong là đi học. Nhà tôi cách trường hơn 10 cây số. Cả làng chỉ có mình tôi đi bộ nên sáng nào cũng vậy, bố đều đi cùng cho tới khi gặp được người đi chợ thì ông mới quay về.

Miền thơ ấu

Ảnh minh họa. (Nguồn: B.T)
(PLVN) - Sáng đi học, chiều vừa chăn bò, cắt cỏ. Nếu không cắt cỏ thì phải vơ lá. Thôi thì đủ các loại lá, lá tre, lá vải, gốc cây ngô, dây bù lào già (cây bí đỏ)… để về làm củi đun.

Báu vật của người già

Ảnh minh họa
(PLVN) - Có một lần, một người bạn của tôi đăng lên mạng thông tin “Tìm bố lạc”. Trong bài viết ấy, bạn nói rằng bố bạn đã bỏ nhà đi mấy hôm nay. Kèm theo thông tin ấy là tấm ảnh một người đàn ông hơn 65 tuổi, trông còn minh mẫn, nét mặt sáng sủa, hiền lành.

Thám tử

Ảnh minh họa - Nguồn: ST
(PLVN) - Gã thích đội mũ nỉ đen, mặc áo ba đờ xuy đen và đeo kính râm mỗi khi ra đường mà không cần biết đó là mùa đông hay mùa hạ.

Gánh hàng rong

Hàng rong gây thương nhớ. (Ảnh: Pinterest)
(PLVN) - Đó là lúc canh khuya sương lạnh, trên con đường vắng tanh, có người mẹ, người chị kẽo kẹt gánh hàng rong ra chợ. Ánh lửa bập bùng từ bếp lò than sáng lên màu hồng tươi trong đêm đen, chuyển động nhịp nhàng theo bước chân chạy lúp xúp, rong ruổi, đánh thức sự sống ngày mới.

Sốt nhẹ

Ảnh minh họa: PV
(PLVN) - Rồi thì trong họ cũng không biết được rằng tình cảm ai nặng hơn: một người vốn luôn vui vẻ, chân thành lại vì một người chỉ cần nhắc đến tên là rơi lệ; và một người vốn lúc nào cũng lạnh nhạt, hờ hững với đời lại trở thành một người lãng mạn, biết quan tâm. Tình yêu muôn loại, ta sẽ không thể nào biết được toàn tâm, toàn ý vì một người hay thay đổi vì một người, cái nào sâu nặng hơn.

Giọt thu

Tranh minh họa: Nguyễn Văn Học
(PLVN) - An đến khi những cơn mưa mùa thu vẫn lất phất gõ đều trên mái hiên gỗ. Quán nằm trong con hẻm nhỏ. Giàn hoa phong sương vẫn biêng biếc lá. Bao năm rồi, quán vẫn cũ kỹ nằm nghe tàu lửa chạy sầm sập qua. Những bản tình ca cũng da diết như ngày nào. Chỉ có người ta sẽ trôi vào guồng quay bất tận của thời gian rồi dần dà thay đổi, chứ cái quán này muôn đời vẫn vậy, trừ khi ông lão họa sĩ mất đi mà thôi.

Ngắm 'năm cửa ô Hà Nội' qua 3D

Không gian “Hà Nội vùng đứng lên” trong triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”. (Nguồn: BTC)
(PLVN) - Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”.

Khi mạng xã hội thành “sàn diễn”

Khi mạng xã hội thành “sàn diễn”
(PLVN) - Trong thời đại số hóa, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối và chia sẻ, mà còn trở thành “sân khấu” để nhiều người phô diễn. Sống ảo, "phông bạt" trên mạng đang dần trở thành một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.

Vùng trời tím biếc

Vùng trời tím biếc
(PLVN) - Nghe tiếng, tôi biết ông Đúc đến tìm bố, nên hờ hững bảo “họa sĩ ở trong phòng”. Tôi phụng phịu quay lại bức tranh đang vẽ dở. Cây khế lúc lỉu quả và hoa với lích chích tiếng chim kêu chẳng làm tôi tĩnh tâm được, có lẽ vì thế các bức vẽ chẳng bao giờ ra hồn. Chiều qua bố trúng gió nên có hơi sốt, tôi chỉ mua thuốc rồi đặt lên bàn mà không nói gì. Suốt bao năm qua tôi cứ tự đẩy bố xa khỏi mình.

Triển lãm thầy trò 3 miền đất nước

Triển lãm thầy trò 3 miền đất nước
(PLVN) - “Gặp gỡ mùa thu” là triển lãm của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp và 4 học trò Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trần Trọng Đạt với những điều khác biệt, không chỉ về sắc màu, thời gian mà còn cả không gian.

Những cuộc chia ly

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Nỗi buồn nhỏ giọt từng chút một trong đêm, cứ tựa như những giọt sương đang nấp đâu đó trên mái nhà vắng, rồi rơi tõm vào lòng người cô tịch. Miệng mở ra nói câu đầy kiêu hãnh: “Người như tôi đau rồi sẽ chừa” nhưng rồi cuối cùng mọi thứ lại lặp lại, cứ như chưa từng có bài học nào, chưa từng có kí ức buồn thương nào lưu lại. Tôi, rồi lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của chính tôi.

Triệu chứng kẹt xe

Tranh minh họa: V. Học
(PLVN) - Sẽ không có gì đáng nói nếu như ông bố không rút “lệnh cho nhà”. Quân sẽ ngoan ngoãn nghe lời ông và không có gì oán thán. Đằng này ông cụ lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ làm anh cay cú. Ngôi nhà cũ anh sẽ đầu tư xây mới, biến thành biệt thự tân thời. Một mình sở hữu hai căn, vậy coi như ổn với gã đàn ông một vợ, hai con.

Triển lãm “Non nước biên thùy” của Họa sĩ Đỗ Đức

Tác phẩm "Trên nương" của họa sĩ Đỗ Đức.
(PLVN) -  Ngày 11/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra Lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật "Non nước biên thùy" của họa sĩ Đỗ Đức. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 7 của họa sĩ Đỗ Đức ở Hà Nội, sau triển lãm "Ngựa trên núi" cách đây đúng 10 năm (2014).

Buông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nếu mà bà không thương ổng thì buông tha cho người ta để người ta còn đi lấy vợ nữa chứ?