Với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế lần thứ 9 sẽ diễn ra ngày 29/4 tới. Đây được xem là sự kiện văn hóa lớn, tổ chức 2 năm một lần, rất được người dân và du khách kỳ vọng.
Năm châu hội tụ
Xin ông cho biết một vài nét chung về Festival Huế lần này?
- Festival Huế 2016 được tổ chức có quy mô quốc gia và quốc tế, gắn với các sự kiện lịch sử văn hóa của Thừa Thiên Huế: kỷ niệm 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế; 380 năm Đô thị Huế; đồng thời, kết hợp các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội có tính cộng đồng, mới lạ, hấp dẫn, tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế đã được xây dựng qua các kỳ Festival gần đây.
Festival Huế 2016 là nơi hội tụ, giao lưu của những chương trình nghệ thuật tiêu biểu, mang dấu ấn của những nền văn hoá khác nhau trên thế giới, tinh hoa di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Huế.
Festival Huế 2016 tiếp tục quy tụ các đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Maroc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, SriLanka, Australia, Hoa Kỳ, Mêhicô, Chi Lê, Colombia...
Ngoài việc huy động tối đa lực lượng nghệ sĩ biểu diễn của địa phương từ Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế, Học viện Âm nhạc Huế, Festival Huế 2016 tiếp tục có sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đặc sắc trong cả nước như: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc - Thái Nguyên, Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen - TP Hồ Chí Minh... Những lễ hội chính tại Festival Huế 2016 bao gồm: Lễ khai mạc và bế mạc, Ðêm Hoàng cung, Lễ hội quảng chiếu, Lễ hội đường phố…
Festival lần này chúng tôi chọn hai địa phương để tổ chức các lễ hội cộng đồng là Hương xưa làng cổ (huyện Phong Ðiền), Chợ quê ngày hội (thị xã Hương Thủy) chứ không tổ chức ở nhiều địa phương như trước đây.
Huế được gì qua Festival?
Festival Huế 2016 có những nét mới gì, thưa ông?
- Nét mới trong Festival Huế 2016 là tỉnh đã thực hiện xã hội hóa công tác tổ chức, từ vận động kinh phí tài trợ cho đến việc huy động các chương trình nghệ thuật tham gia. Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 42 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước tham gia; trong đó có hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế của 15 quốc gia.
Sau mỗi kỳ Festival, chúng tôi nhìn nhận, đánh giá và khẳng định muốn thu hút du khách, muốn quảng bá văn hóa Việt Nam thì Festival Huế phải luôn luôn mới. Cái mới ở đây đòi hỏi là không trùng lặp, các chương trình được chọn thể hiện tinh hoa văn hóa của mỗi vùng, mỗi quốc gia.
Theo đó, Đêm Hoàng Cung năm nay tiếp tục được tổ chức nhằm tái hiện vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm, giới thiệu nghệ thuật múa hát cung đình, tổ chức các trò chơi dân gian, cung đình, kết hợp hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và nghệ thuật trình chiếu hiện đại, mới lạ, hấp dẫn.
Tâm điểm của Đêm Hoàng Cung là “Dạ yến tiệc cung đình” diễn ra tại sân điện Cần Chánh, được kết hợp độc đáo giữa ẩm thực cung đình Huế và các chương trình ca múa nhạc tiêu biểu nhất của cung đình xưa. Trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival Huế 2016 còn diễn ra Liên hoan ẩm thực Phật giáo; Liên hoan sắc màu tuổi thơ; Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn;...
Sân khấu đêm khai mạc và bế mạc lần này diễn ra tại đâu, thưa ông?
- Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy là tổ chức không dàn trải nên lần này Ban Tổ chức sẽ chọn Đại Nội - Quảng trường Ngọ Môn để làm sân khấu chính cho đêm khai mạc và bế mạc.
Dư luận muốn biết Huế thu được gì sau mỗi kỳ tổ chức Festival?
- Tôi cho rằng, cái được sau mỗi kỳ tổ chức không thể tính bằng tiền mà cái được của nó là văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Khi họ đã biết nền văn hóa có từ hàng ngàn năm của chúng ta họ sẽ đến với Huế, với đất nước chúng ta, và như vậy cái lợi trước hết thuộc về người dân.
Nếu như Festival Huế 2000 chỉ khoảng 50.000 lượt khách đến Huế thì lần này, qua nắm thông tin ban đầu lượng khách đăng ký ở các khách sạn có thể nói đã kín chỗ. Nói như vậy để thấy rằng, giá trị của văn hóa là đem đến tinh thần cho người dân chứ không thể đem ra bàn cân để đong đếm.
Đạo diễn: “Cây nhà lá vườn”
Môi trường du lịch trong thời gian diễn ra Festival được du khách đặc biệt quan tâm, xin ông cho biết tỉnh đã có giải pháp gì trong vấn đề này?
- Việc làm trong sạch môi trường du lịch trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm. Ngay từ đầu năm, Thừa Thiên Huế đã triển khai một loạt giải pháp chấn chỉnh hoạt động du lịch như xử lý tình trạng ăn xin, tranh giành, đeo bám, “chặt chém” du khách; làm sạch môi trường ca Huế trên sông Hương... Tại các khách sạn bắt buộc đều phải niêm yết giá phòng và các giá dịch vụ liên quan.
Ngoài ra, để nâng cao nhận thức và cung cách phục vụ du khách, đồng thời nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ du khách đến với Festival Huế 2016, các đơn vị cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho những nhân viên làm trong ngành dịch vụ, du lịch và các tình nguyện viên. Đặc biệt đội ngũ tình nguyện viên Festival Huế là những sinh viên đầy năng lực, nhiệt huyết sẽ tỏa đi các điểm du lịch để hỗ trợ du khách trong và ngoài nước.
Đến thời điểm này, tôi khẳng định môi trường du lịch Huế trong Festival 2016 sẽ rất an toàn và tích cực. Công tác chuẩn bị cho Festival Huế 2016 đã cơ bản hoàn tất, Thừa Thiên Huế sẵn sàng mọi điều kiện đón bè bạn 5 châu và nhân dân khắp mọi miền đất nước đến với Festival.
Ông có thể “bật mí” về tổng đạo diễn của lễ hội lần này?
- Các lần Festival trước đây chúng tôi phải “mướn” những nghệ sỹ tên tuổi tham gia thì lần này chúng tôi lấy “cây nhà lá vườn” để làm tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật đêm khai mạc và bế mạc. Người “chỉ huy” lần này chính là Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Ngọc Bình, một người con của xứ Huế.
Cám ơn ông!