Dũng “cầu phao” với giấc mơ “trẻ con không còn rơi xuống sông“

Ông Lê Tất Dũng sửa chữa, bảo dưỡng cây cầu phao
Ông Lê Tất Dũng sửa chữa, bảo dưỡng cây cầu phao
(PLO) - Nói ông Lê Tất Dũng (51 tuổi, ở Phú Lộc, xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) là người ngược đời quả thật không sai. Bởi, ông dùng số tiền dành dụm 300 triệu đồng làm nhà “ném” vào cây cầu phao cho người dân đi.

Cũng con người này, dẫu chỉ học đến lớp 5, nhưng ông tự mày mò thiết kế chiếc máy cày có chức năng “3 trong 1” giúp bà con giảm công lao động được... 20 lần.

Lấy tiền xây nhà ra làm cầu

Về Đại An, hỏi ông Dũng cầu phao, từ đứa trẻ con đến người già ai cũng biết, bởi ông quá nổi tiếng ở địa phương này. Ông tự tay thiết kế và bỏ số tiền 300 triệu dành dụm để xây dựng cây cầu phao bắc qua sông Vu Gia.

Hỏi về chuyện làm cầu, ông Dũng khiêm tốn nói: “Không có gì to tát lắm mà! Mình có nghề có trong tay, lấy công sức giúp bà con thôi. Nhà chưa có rồi sẽ làm, còn cầu phao chưa có thì sẽ có nhiều cái chết xảy ra”.

Nghe nói thì đơn giản lắm, nhưng để làm được chiếc cầu phao dài 78 m, bắc qua sông Vu Gia, ông Dũng đã tốn hết nhiều công sức và tiền của. Quá trình làm cầu kéo dài 3 tháng, ông phải thức đêm, thức hôm tự mày mò thiết kế cho đến lắp ráp.

Ông Dũng kể: Xã Đại An nằm bên này sông Vu Gia nhưng ruộng đồng nằm bên kia sông. Hằng ngày, bà con chèo ghe đi làm rất bất cập, để thuận tiện, mọi người trong thôn làm cây cầu tre tạm bợ để qua sông. Mỗi lần gồng gánh nông sản đi trên cây cầu này, việc rơi cả người lẫn đồ xuống sông là chuyện xảy ra như cơm bữa, thấy mà xót lắm.

Bi thương hơn, khi nhiều người đi qua cầu rơi xuống sông đã bị hà bá cướp đi mạng sống.

Người dân xã Đại An hôm nay đi lại rất dễ dàng

Người dân xã Đại An hôm nay đi lại rất dễ dàng

“Cách đây 5 năm về trước, tui tận mắt chứng kiến một đứa bé theo cha mẹ qua bên kia sông trồng ngô. Trong lúc cha mẹ chăm chú làm việc, không để ý đến đứa con, đứa bé trong lúc đi qua cầu rơi xuống sông chết. Thấy những cái chết thương tâm, khiến tôi suy nghĩ lắm. Mình phải làm cái gì giúp bà con thôi”, ông Dũng kể.

Đầu năm 2013, ông Dũng bắt tay làm cầu. Ông khảo sát, rồi tự vẽ thiết kế cây cầu. Ông nhờ trưởng thôn mời bà con đến họp dân và ông trình bày ý nguyện làm cầu phao, thay thế cây cầu tre.

Khi nghe tin, có người bảo ông là người khùng, người điên… Có người chẳng ngại ngần chỉ thẳng vào mặt ông nói: “Nhà thì không chịu làm mà ở, ai lại bỏ tiền đi làm những việc không công”. Ông bỏ mặc ngoài tai. Ai nói gì, ông mặc kệ.

Ông Dũng cho biết: “Không có cầu người dân đi lại khó khăn đã đành, đến mùa thu hoạch nông sản vận chuyển qua sông rất vất vả. Đi trên cầu tre độ an toàn không cao, sau mỗi trận lũ cầu lại bị cuốn đi, bà con chặt tre làm tiếp. Muốn người dân đi lại thuận lợi, không còn cách gì hơn, làm ngay cầu phao”.

Người dân thắc mắc: Lấy đâu ra tiền làm cầu? Ông Dũng thật thà nói với bà con: “Hơn 25 năm gắn bó nghề sửa chữa xe máy, ô tô, thợ cơ khí, tui tích góp được 300 triệu đồng. Đáng lẽ số tiền này tui làm căn nhà, nhưng nay tui ở một mình, vợ đã chia tay từ lâu. Mà ở một mình, có chỗ ăn ngủ, chui ra, chui vào là được, cần gì nhà to”.

Chiếc máy cày được ông Dũng thiết kế

Chiếc máy cày được ông Dũng thiết kế

Thế là, ông dùng số tiền chắt bóp để làm nhà, đưa ra làm cầu. Ông chạy ngược, chạy xuôi ra TP Đà Nẵng không biết bao nhiêu lần mua 147 cái thùng phuy; 1,8 tấn sắt thép và 2 tạ dây cáp. Riêng phần thiết kế, ông mất 3 ngày đêm thức trắng hoàn thành bản vẽ.

Trong khoảng thời gian 3 tháng, các bộ phận cây cầu được hoàn thành. Sau đó, đưa ra bờ sông Vu Gia lắp ráp. Thấy việc ông làm, mọi người trong thôn góp sức. Người gánh thanh sắt, người chở thùng phuy để nối các nhịp cầu lại. Chỉ trong 1 tuần, cây cầu phao dài 78 m, rộng 2m được nối nhịp.

Để giữ cầu, ở hai đầu cầu, những trụ bê tông vững chắc đổ lên, nối vào đó là hệ thống dây cáp. Cây cầu đong đưa trên mặt nước, người đi lại thuận tiện. “Nó có tải trọng gần 1 tấn, đến mùa mưa lũ, chỉ dùng tời kéo vào bờ. Cơn lũ đi qua thì lắp lại, nó tiện lắm. Bây giờ bà con không phải lụy đò nữa, đi ra đồng chạy xe máy bon bon đến ruộng”, ông Dũng nói về cây cầu.

Cầu đưa vào sử dụng, mỗi ngày có hàng trăm lượt người dân qua lại. Nông sản của bà con chở trên xe đi qua sông dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Trung, một người dân thôn Phú Lộc hồ hởi khoe: “Sướng lắm chú ạ. Hồi trước, muốn qua bên kia sông phải lụy đò. Chúng tôi ra đồng phải đi sớm, 5h chiều là lo về nếu không trễ đò.

Một chiếc máy cày ruộng đất ướt sắp hoàn thành

Một chiếc máy cày ruộng đất ướt sắp hoàn thành

Từ ngày có cây của chú Dũng đã giúp bà con rất nhiều. Đi lại dễ dàng, thu hoạch mùa màng vận chuyển bằng xe máy rất nhanh chóng. Bà con không còn phải gọi đò như xưa nữa, ra đồng lúc nào cũng được”.

Dẫn chúng tôi tham quan cây cầu, hỏi về chuyện thu phí, ông Dũng bật cười: “Ai lại làm rứa chú? Ở đây bà con chẳng khấm khá gì, cuộc sống trông vào vài sào ruộng, lấy tiền đâu ra. Tui bỏ tiền làm cầu, sau khi hoàn thành, có một số nhà hảo tâm hỗ trợ được 120 triệu đồng. Mặc dù chưa đủ xây căn nhà nhưng tui đi vay mượn thêm, nay cầu có, nhà có rồi”.

Chiếc máy cày kỳ lạ

Chúng tôi đến thăm ông Dũng khi thời khắc mặt trời đang tròn bóng, cái nắng cháy da, cháy thịt gieo rắc xuống nơi đây, thế nhưng phía trước hiên nhà, một mình ông Dũng đang cặm cụi gò hàn chiếc máy cày.

Ông Dũng cho hay: “Tui đang tranh thủ thời gian hoàn thành để bàn giao cho bà con kịp cày đất gieo trỉa hoa màu. Đấy là cái thứ 10, tui xuất ra thị trường, hiện bà con đặt quá trời mà tui làm chưa kịp để họ lấy”.

Nhìn chiếc máy cày, rất đơn giản, nó được ông Dũng chế ra từ chiếc xe máy wave cũ, nhưng giảm được sức lao động rất đáng kể. Theo ông Dũng, cứ đến mùa vụ, thấy em trai mình cày đất, gieo hạt vừa tốn công, vừa mất sức.

Làm một sào ngô, phải đến 3 người làm trong một ngày mới xong, do đó hiệu quả kinh tế đem lại không cao.

Điều khiển máy cày giống như xe máy, mọi thao tác rất dễ dàng

Điều khiển máy cày giống như xe máy, mọi thao tác rất dễ dàng

Thấy em mình quá vất vả, ông đặt cho mình câu hỏi: Sao không thiết kế cái máy vừa cày đất vừa trỉa hạt? Ông vẽ trên giấy nhiều mẫu máy cày, sau đó tự mày mò sáng chế. Ông ra cửa hàng thu mua phế liệu và mua một chiếc xe máy wave cũ với giá 1 triệu đồng, cùng một số sắt thép phế liệu. Ông đưa về nhà, sau 1 tuần vật lộn thì chiếc máy cày đa năng đã được “ra lò”.

Kết cấu chiếc máy rất đơn giản, phía trước một bánh xe của xe rùa, phía sau một bánh bằng sắt, giống bánh máy cày và sau cùng là chiếc lưỡi cày và thùng đựng hạt giống để gieo sạ.

Khi máy cày vận hành, người ngồi lên và điều khiển, còn cày sâu hay cạn do mình điều chỉnh. Máy vừa cày đất, sạ hạt giống xuống, sau đó có một cần gạt lấp hạt giống.

Nói về hiệu quả chiếc máy, ông Dũng hạch toán: “Một lít xăng động cơ xe máy chạy ở đất ruộng được 25 km, trong khi cày một sào đất gieo hạt sẽ có chiều dài khoảng 5 km. Tính ra, 1 lít xăng cày 5 sào đất ruộng khô, như vậy máy làm 3 việc trong ngày được 8 sào. Còn để cày đất bằng trâu bò và gieo trỉa hết khoảng 3 công lao động/sào, tính ra chiếc máy cày sẽ giảm được gấp 20 lần công lao động so với người làm”.

Chưa hài lòng máy cày ở đất khô, hiện ông Dũng đã thiết kế thành công máy cày ruộng đất ướt. Máy được cấu tạo giống máy cày đất khô, tuy nhiên phía sau được thiết kế 2 bánh. Máy vận hành dễ dàng, giảm được công lao như máy cày đất khô.

Thấy được hiệu quả hai loại máy ông Dũng sáng chế, hiện nhiều người trong vào ngoài huyện đến đặt hàng. Mỗi chiếc máy có bán giá 3 triệu đồng/chiếc, trừ chi phí ông Dũng có lãi khoảng 1 triệu đồng.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.