Hoạt động do Hiệp hội Tơ lụa Thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á lần đầu tổ chức tại Việt Nam, mục đích nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa tơ tằm ở Việt Nam (Vạn Phúc, Hội An, Duy Xuyên, Bảo Lộc, An Giang…) đã có từ lâu đời; động viên tinh thần các nhà sản xuất, nghệ nhân gìn giữ những giá trị truyền thống; đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên thương trường của ngành sản xuất tơ lụa.
Ngoài ra, Festival còn giới thiệu Di sản văn hóa thế giới Hội An ra thế giới, kết nối mô hình dịch vụ “Thành phố may đo thời trang cho cả thế giới thông qua khách du lịch” với các tập đoàn sản xuất tơ tằm lớn trên thế giới.
Trong khuôn khổ Festival đã tái hiện lễ phục dựng Con đường Tơ lụa trên biển từ thương cảng Hội An sang Trung Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây cách đây 300 năm. Con đường Tơ lụa này còn cung cấp những loại tơ hảo hạng của Quảng Nam cho nước ngoài, tạo nên sự thịnh vượng của một vùng đất xứ Đàng Trong. Tiếp đó là lễ dâng hương Bà Chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi, người có công trong việc thành lập nghề dệt lụa ở Quảng Nam…
Theo ông Li Jilin, Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Thế giới, Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á là một sáng kiến thú vị làm nổi bật văn hóa tơ lụa, làm cho những người sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ cho tinh thần của những nhà sản xuất tơ lụa. Làng lụa Hội An đã và đang trở thành một mô hình “Bảo tàng sống trong lòng di sản sống Hội An về nghề tơ lụa”, với việc hoàn thiện quy trình ươm tơ dệt lụa, bổ sung hiện vật, trưng bày hiện vật tơ lụa của các nước châu Á.., để người xem có đối sánh về tơ lụa mỗi dân tộc.