“Lò luyện” vẫn nóng
Dẫu các trường chuyên, trường chất lượng cao, trường dân lập “thương hiệu” ở Hà Nội như Trường THCS Amsterdam, Trường THCS Lương Thế Vinh, Trường THCS Cầu Giấy... chưa công bố phương án tuyển sinh tối ưu của mình khi có lệnh cấm thi, song tỷ lệ “chọi” các năm có khi lên tới 1/20.
Thế nên, để chen một chân vào những trường này, các em học sinh tiểu học đã phải bắt đầu “cuộc đua” từ năm lớp 4, thậm chí lớp 3.
Năm nay, dự báo số hồ sơ dự tuyển thậm chí còn đông hơn nếu chỉ xét tuyển theo học bạ.
Mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng tại các lò luyện ở Hà Nội vẫn chật kín học sinh từ ca chiều đến ca đêm, nhất là những ngày thứ bảy, chủ nhật. Các trung tâm luyện thi lớn như Trung tâm Bồi dưỡng Học mãi, Trung tâm Trí Đức... học sinh tấp nập đến học thêm.
Trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội nhiều năm có tỷ lệ học sinh đậu vào THCS Amsterdam cao, có chương trình học khá bài bản và sát sao các cuộc thi tuyển. Thế nhưng, các em học sinh ở trường này vẫn miệt mài tham gia học thêm ở ngoài.
Nhiều em sau giờ tan trường, ăn tạm chiếc bánh mì và đợi bố mẹ chở thẳng đến nơi học thêm. Thậm chí có em đang học dở ca này phải bỏ để kịp một ca khác quan trọng hơn. Mỗi học sinh ngoài những giờ học chính khóa còn có thêm ít nhất 2 đến 4 buổi đi học thêm toán và tiếng Việt ở các trung tâm.
Chưa kể tới, học sinh muốn thi vào trường nào phải tìm đến thầy cô dạy trường đó để luyện. Và mỗi em phải theo ít nhất hai lò luyện. Thậm chí, học ở trung tâm, học ở trường chưa đủ, các phụ huynh còn thuê giáo viên dạy riêng.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho rằng, dù có dùng các hình thức thay thế khác thì trước sau cũng sẽ quay lại tình trạng ôn luyện bởi cầu lớn hơn cung nhiều lần. Theo ông Vũ, bỏ thi là phương thức quản lý đúng nhưng cần nhiều cải tiến đồng bộ. Với cách học, cách bố trí hệ thống, mô hình giáo dục bây giờ thì với bất cứ hình thức tuyển sinh nào thì trước sau gì phụ huynh, giáo viên cũng tìm ra cách để luyện thi cho con em mình.
Phụ huynh… “thi”?
Trong khi khoảng hai tháng nữa mùa tuyển sinh đầu cấp sẽ bắt đầu với những trường có nguồn tuyển vượt quá mức chỉ tiêu, nhưng ngoài đời thực, cuộc “chạy đua” của cha mẹ học sinh ở các đô thị lớn vào các trường này thì đã bước vào thời kỳ cao điểm.
Người chạy đôn chạy đáo, người dò hỏi khắp nơi, người lo lắng chực chờ... Lý lẽ của không ít phụ huynh cho rằng: nếu không thi thì chỉ còn phương án xét tuyển, mà xét tuyển thì làm sao bảo đảm công bằng được.
Học sinh lớp 5 rất dễ đạt điểm tối đa với hai môn toán và tiếng Việt trong kỳ kiểm tra học kỳ 2. Bé nào cũng 20 điểm, nhà trường sẽ lấy ai, bỏ ai?
Thế nên, nhiều khi thi tuyển vào lớp 6 nhưng không phải là tất cả học sinh đỗ vào trường đều đúng với thực lực của các cháu mà đa phần là “mối quan hệ” của phụ huynh với nhà trường, thầy cô giáo.
Và để “yên tâm”, bên cạnh việc ráo riết cho con luyện thi, ngay từ đầu học kì hai, các phụ huynh đã rỉ tai nhau lo “xí chỗ” cho con. Bởi năm nay con không thi thì… phụ huynh thi nên để chọn lớp, chọn thầy… đúng tuyến, sơ sơ cũng tiền triệu. Còn với những trường “ nóng” thì đương nhiên được tính theo hàng ngàn USD trở lên…
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh bày tỏ quan điểm: “Tôi thật không biết Bộ và Sở sẽ quyết thế nào, nhưng ngoài việc tổ chức thi tuyển đầu vào, những trường như trường tôi thật khó có thể tìm một hình thức thi tuyển vừa hiệu quả, vừa minh bạch, không gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh. Hàng năm trường tôi có 4.000-5.000 hồ sơ, phải gạt đi rất nhiều để tuyển lấy 600 học sinh.
Và vấn đề theo PGS Văn Như Cương bày tỏ đó là: “Tôi lo nhất là tiêu cực sẽ xảy ra và tăng vọt khi không còn thi nữa”.
Bởi thường những hình thức tuyển chọn không minh bạch, không rõ ràng và không sát thực tiễn bao giờ cũng là cơ sở cho tiêu cực nảy sinh. Theo ông, một trường hợp được tuyển hay bị từ chối, nếu có kỳ thi, có kết quả thi thật thì đều là căn cứ cụ thể, rõ ràng. Và đối với các trường có “cầu vượt cung” thì quyền được lựa chọn học sinh có trình độ phù hợp với các tiêu chí của trường là một quyền chính đáng.
Nhưng nay không thi, sẽ có nhiều trường hợp mà nhà trường buộc phải nhận không theo tiêu chí rõ ràng. Người tuyển, người dự tuyển, người tác động vào quá trình tuyển sinh đều có thể dễ dàng thực hiện các hành vi tiêu cực hơn nếu không còn kỳ thi mà việc xét tuyển nằm trong ý chí chủ quan của một cá nhân hay một nhóm người nào đó.
Đồng tình với quan điểm trên, một phụ huynh chia sẻ, thi tuyển là một sự cạnh tranh tự do và công bằng. Không thi mà xét thì tiêu chí thế nào khi mà học sinh tiểu học bây giờ không đánh giá học lực giỏi, khá, trung bình? Hay làm thế chỉ tạo điều kiện cho phụ huynh “thi”?