Ký ức mong manh
Đầu năm 1990, Luo là một cậu bé mới học mẫu giáo tên Huang Jan, sống tại ngôi làng Yaojia thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Cha cậu là một thợ xây, còn người mẹ mở một tiệm tạp hóa nhỏ để buôn bán. Luo còn có một em trai nữa. Tuổi thơ của cậu trôi qua bình dị nhưng hạnh phúc. Cho đến một ngày, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. “Tôi còn nhớ rõ lúc tôi đang tới trường mẫu giáo thì gặp một người đàn ông và một phụ nữ. Họ giới thiệu là bạn của bố tôi nên tôi đã tin và đi theo họ. Sau đó, tôi bị đưa từ xe này sang xe khác. Cuối cùng, tôi được những người quanh đó nói rằng tôi đang ở một vùng núi ở tỉnh Phúc Kiến”, Luo kể lại.
Tại đây, Lou được đặt cho cái tên mới và được giới thiệu với các chị em khác trong “gia đình”. Luo trở thành một trong hàng nghìn trẻ em bị bắt cóc mỗi năm tại Trung Quốc, mà trong số đó có rất ít người tìm được đường trở về nhà. Chính sách một con và việc thiếu các quy định về vấn đề con nuôi đã khiến thị trường ngầm buôn bán trẻ em rất phát triển tại nước này. Cảnh sát trưởng tỉnh Phúc Kiến hồi đầu năm 2013 nói rằng, chỉ riêng tại tỉnh này, trong năm 2012 đã có hơn 100.000 trẻ em là nạn nhân của tệ buôn người.
Luo cho biết, lúc đó anh đã rất sợ hãi. “Nhưng tôi đã bị bắt cóc và tôi không có lựa chọn nào khác” – Luo kể. Sau những ngày đầu tiên buồn bã, anh đã quyết định bắt đầu học cách sống chung với gia đình mới và bắt đầu cố ghi nhớ những ký ức về gia đình ruột thịt của mình với ý chí một ngày nào đó anh sẽ sử dụng những ký ức đó để tìm đường về nhà. Vì thế, mỗi đêm, Luo đều cố gắng nhớ về cuộc sống trước khi bị bắt đi.\
Trong ký ức của cậu bé mới 5 tuổi luôn hiện lên hình ảnh cậu và em trai chơi đùa trên một cây cầu cũ đối diện ngôi nhà mái ngói nhỏ của gia đình. Luo cũng nhớ rõ có lần cậu đã bị ngã khỏi cầu và bị thương ở lưng. Ngoài ra, Luo cũng nhớ quanh nhà cậu có 2 con suối nhỏ và cả những buổi 2 anh em cùng nhau băng qua cánh đồng lúa để đến trường.
Cha mẹ mới của Luo không bao giờ giải thích tại sao cậu lại bị đưa đến Phúc Kiến. “Ông bà” nội cũng không nói thêm gì kể từ khi họ đưa Luo về nuôi sau khi cha mẹ nuôi qua đời sau đó 2 năm. “Tôi rất tức giận vì điều này nhưng họ đối xử với tôi rất tốt” – Luo nói về người mà giờ anh gọi là ông nội và bà nội. Theo tìm hiểu của Luo, có vẻ như cha mẹ nuôi của anh đã trả cho những kẻ buôn người khoảng 5.000 nhân dân tệ để chúng đưa anh đến cho họ.
Trong khi đó, tại Tứ Xuyên, gia đình của Luo đã vô cùng đau khổ trước sự biến mất của anh. Cảnh sát địa phương sau một thời gian dài vào cuộc vẫn không điều tra được manh mối nào. Quá sốt ruột, mẹ anh là bà Dai Jianfang và cha là ông Huang Qingyong đã tự mình đi in tờ rơi để đem đi phát ở những thị trấn lân cận, đồng thời đăng tin tìm kiếm Luo trên báo chí.
Hành trình tìm lại gia đình
Cùng thời điểm đó, Luo đã tốt nghiệp trung học và được nhận vào đội cứu hỏa của địa phương. Mặc dù cuộc sống mới cũng khá ổn định nhưng trong anh chưa bao giờ dừng khát vọng được đoàn tụ cùng gia đình. “Lá rụng về cội” – Luo dẫn thành ngữ cổ để giải thích về ước muốn của mình. Để tăng hy vọng, anh đăng ký trên một trang web do chính phủ Trung Quốc lập ra để giúp những đứa trẻ bị bắt cóc được đoàn tụ với gia đình họ. “Dù đã nhiều lần thất bại nhưng tôi vẫn không từ bỏ ý định” – Luo kể lại.
Đến tháng 10/2012, Luo, khi đó đã 27 tuổi, đăng ký tham gia vào diễn đàn dành cho bậc cha mẹ và trẻ em bị bắt cóc chia sẻ các thông tin về vụ việc của họ. Luo cũng đăng tải tất cả những thông tin mà anh có thể nhớ được. “Lúc đó tôi cao khoảng 110cm. Mắt tôi to. Trên bàn tay trái của tôi có một vết sẹo do lúc chuyển đá ở bờ sông rơi trúng” – Luo viết.
Luo không thể nhớ được tên ngôi làng mình sống nhưng anh nghĩ rằng nó thuộc tỉnh Tứ Xuyên vì khi còn nhỏ, một người hàng xóm ở Phúc Kiến nói rằng anh dùng tiếng địa phương ở Tứ Xuyên. Luo cũng đăng tải một bức ảnh anh được cha mẹ chụp cho ít lâu sau khi bị bắt cóc. Anh cũng tả chiếc áo len màu đỏ có hình con thiên nga trắng anh mặc khi bị bắt đi do mẹ đẻ đan cho.
“Mẹ tôi hay nấu mỳ hoặc cây lúa miến với thịt cho cả nhà ăn. Ngôi nhà của tôi được xây bằng gạch, nhìn không có gì đặc biệt. Con đường trước nhà là đường nhựa, mới làm. Hàng ngày có rất nhiều xe tải chạy qua. Hình như đó là đường lớn. Quanh nhà tôi có nhiều ngọn đồi nhỏ. Có một con sông chảy về hướng thị trấn. Ở khu nhà tôi không có đường sắt, chỉ có đường nhựa. Một cơn lũ đã cuốn trôi cây cầu trước nhà tôi” – Luo kể lại.
Những thông tin mà Luo chia sẻ nhanh chóng nhận được sự chú ý của những người tình nguyện trên website. “Vào năm 1990, người dân ở khu vực lưu vực phía Đông Tứ Xuyên không trồng cây mỳ hoặc cây lúa miến. Nếu có đường nhựa thì đó không phải là một khu vực nghèo khó mà phải là một vùng ngoại ô” – một người suy luận.
Tiếp sau đó, Luo bắt đầu vẽ lại một bản đồ ngôi làng của anh theo trí nhớ. Những cây cầu. Con đường đi bộ tới trường qua các cánh đồng lúa. Trong những tháng sau đó, trường hợp của Luo được thảo luận trên diễn đàn và những người tình nguyện đã đăng tải tên của nhiều thị trấn cho anh suy nghĩ. Tuy nhiên, kể cả Luo đã đúng khi nghĩ anh đến từ tỉnh Tứ Xuyên thì đây vẫn là một khu vực rộng đến 500.000km2, với dân số đến hơn 80 triệu người.
Đến tháng 3/2013, cuộc tìm kiếm của Luo bắt đầu có đột phá. Một người tình nguyện đã tìm được tấm bản đồ đường cao tốc từ năm 1990. Các tình nguyện viên cho rằng, nếu Luo thực sự sống ở gần đường cao tốc thì cuộc tìm kiếm sẽ được thu hẹp đáng kể vì tấm bản đồ ở thời điểm đó cho thấy chỉ có 2 con đường cao tốc ở trong khu vực Tứ Xuyên. Họ bắt đầu tìm kiếm những con sông đổ về các thị trấn và nơi người dân trồng cây mì và cây lúa miến.
Ngày 26/4 vừa qua, Luo được các tình nguyện viên cung cấp bản đồ họa của ngôi làng Yaojia ở huyện Linshui. Trên bản đồ, anh nhìn thấy 2 cây cầu bắc qua một con sông với một đoạn rẽ khá đặc biệt. Luo nhận ra đó có thể là ngôi trường cũ của anh. Đối diện chỗ đó, nơi Luo nhớ rằng có một công trường xây dựng giờ đã có một nhà máy gạch men.
Một tình nguyện viên đã đồng ý đến ngôi làng để kiểm tra. Quả thực tại đó vẫn còn một ngôi trường và một trong những cây cầu đã bị hư hại do trận lũ năm 1989, đúng như Luo nhớ. Cùng lúc, nhóm tình nguyện nhận được một mẩu tin đặc biệt. Một cặp vợ chồng có con mất tích vào cùng thời điểm Luo bị bắt đi đã đến gặp tình nguyện viên. Họ nói rằng con của họ tên “Xiaodong”, trong khi Luo nói rằng khi còn nhỏ anh được gọi với tên “Zhendong”.
Cuộc đoàn tụ đẫm tình người
Sáng 9/5/2013, Luo đã bay tới Trùng Khánh rồi tới Tứ Xuyên từ sớm. Đến 9h20 cùng ngày, anh đã gặp được cha mẹ ruột của mình. “Tôi vẫn cố giữ bình tĩnh nhưng mẹ tôi rất phấn khởi, bà ấy khóc suốt” – Luo nhớ lại. Cả làng nghe được tin Luo trở về đã kéo đến để chung vui. Họ bắn pháo hoa và bày cỗ thịnh soạn khắp con phố nhà Luo. Em của Luo là Huang Chao hỏi anh có nhớ về thùng nước để giữa nhà. “Có chứ. Hồi trước còn có một cái tủ ở trên. Em vẫn thường trèo lên để lấy kẹo trong tủ” – Luo hào hứng đáp.
Đoạn băng về cuộc đoàn tụ của Luo sau đó được một đài truyền hình phát lại và ông bà nuôi của Luo ở Phúc Kiến cũng tình cờ xem được dù trước đó họ không hề biết Luo đã đi tìm cha mẹ ruột. “Họ gọi điện cho tôi, giọng rất buồn bã. Ông bà nói rằng việc tôi tìm được quê hương là rất tốt, nhưng họ cũng dặn tôi ở lại chơi ít ngày rồi trở về nhà. Tôi đã ở lại đó 8 ngày rồi về với ông bà”, Luo cho hay.
Hiện nay, Luo đã dọn về sống với cha mẹ ruột của mình. “Gia đình nuôi của tôi đã nuôi nấng tôi 23 năm nhưng cha mẹ ruột vẫn là cha mẹ ruột. Tôi đã để lại ông bà nuôi ở Phúc Kiến nhưng tôi vẫn coi cả 2 nơi là gia đình của mình”, Lou cho hay. Cuộc đoàn tụ cũng giúp anh thanh thản khi hoàn thành được lời hứa sẽ chỉ tổ chức hôn lễ với bạn gái khi tìm được cha mẹ ruột. Họ dự kiến sẽ tổ chức hôn lễ trong năm nay và sẽ mời cả 2 gia đình tới dự.