Khi gia đình không còn là tổ ấm
Bắt đầu hoạt động từ năm 2000, Trung tâm Chăm sóc tư vấn sức khỏe thuộc Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) là một địa điểm đáng tin cậy của những nạn nhân bị bạo hành gia đình.
Phòng làm việc của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm chưa đầy 10m2, chất chồng những tập hồ sơ, tài liệu. Ánh mắt đầy suy tư, bác sĩ Quyết chia sẻ về những số phận bệnh nhân bị bạo hành đã tìm đến đây.
Ngày đầu năm 2009, một người phụ nữ được chuyển tới trong trạng thái tâm thần hỗn loạn, luôn gào rú, sợ sệt bất kể thứ gì xung quanh. Qua 10 ngày được các y bác sĩ động viên chăm sóc, bệnh tình của chị mới dần ổn định, nhưng mỗi lần nhìn thấy người đàn ông lạ mặt lại hoảng sợ. Qua tìm hiểu, các bác sỹ biết chị bị ám ảnh vì bất hạnh từng trải qua.
Vốn là cô gái đẹp, nết na có tiếng trong vùng, chị từ chối nhiều người để lấy một chàng trai bần nông, chịu thương chịu khó. Cuộc sống hạnh phúc chỉ kéo dài vài năm, người chồng sinh tật rượu chè, cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Mỗi lần rượu say, thua bạc về nhà lại trút lên đầu vợ những trận đòn “thập tử nhất sinh”, còn bắt vợ phục vụ nhu cầu tình dục bệnh hoạn.
Bất cứ khi nào nổi hứng, hắn lại lôi vợ ra trói chân tay vào chân giường để hãm hiếp. Người vợ bị thương tổn nặng về thể xác, tinh thần hoảng loạn đến mức nhập viện.
Những bệnh nhân khác của Trung tâm, có người bị chồng đánh gãy chân tới bốn lần, có người bị chồng thường xuyên dùng vật nhọn rạch, cứa nhằng nhịt khắp cơ thể mỗi khi bạo hành.
Phần lớn những nạn nhân được chuyển đến Trung tâm đều trải qua một quá trình dài cam chịu, nhẫn nhục trước sự hành hạ của chồng, không cầu cứu cơ quan pháp luật. Bác sĩ Quyết nhận định một phần do họ chưa hiểu biết về pháp luật, một phần do tâm lý e sợ, xấu hổ đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều phụ nữ.
“Hung thần” trong những gia đình này không chỉ có các ông chồng, nhiều nạn nhân còn bị chính những đứa con dứt ruột đẻ ra đối xử tàn tệ. Người từng nhiều lần gõ cửa Trung tâm xin cứu mạng là bà Nguyễn Thị Thêm (SN 1955, ngụ xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Bà lấy chồng năm 22 tuổi, có ba mặt con. Để nuôi các con ăn học, vợ chồng bà Thêm đã không quản đêm hôm, mưa nắng, quanh năm suốt tháng làm việc quần quật. Đứa con trai duy nhất (SN 1977) càng lớn càng hư hỏng, khó bảo. Được mẹ xin cho học một trường bổ túc sau khi thi trượt cấp ba, anh ta càng lêu lổng ăn chơi, mười mấy tuổi đã dính vào nghiện ngập.
Từ trại cai nghiện về, anh ta chửi bới, đánh đập cả bố mẹ. Tháng 8/2009, nghịch tử uống rượu say, chửi bới bố mẹ, sau đó định sát hại họ. Quá hoảng sợ, bà Thêm vội chạy ra ngăn cản, người chồng chạy thoát.
Tháng 1/2013, bà Thêm đang bán hàng tạp hóa tại chợ Ninh Hiệp bỗng nhiên bị con trai phóng xe máy tới, đánh đập.
Có mặt tại Trung tâm, bà Thêm tâm sự: “Hiện giờ vợ chồng tôi sống không bằng chết. Ngay cả bố mẹ đẻ mà nó còn đối xử không bằng một con vật thì còn gì là tính người. Giờ tôi chỉ mong muốn các cơ quan pháp luật có thể đứng ra bảo vệ cho vợ chồng tôi khỏi bạo hành”.
Tìm nơi “giải cứu”
Chiều giáp Tết tại Trung tâm, những nữ bệnh nhân lầm lũi, đầu tóc rối bù, ánh mắt vô hồn, sợ sệt khi thấy người lạ. Hàng ngàn phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, lạm dụng tình dục được chuyển tới đây điều trị trong trạng thái tinh thần không ổn định.
Một người phụ nữ bị con trai bạo hành |
Có rất nhiều nạn nhân vào đây không có một người thân chăm sóc, không một đồng tiền để trang trải viện phí, thuốc men. Trong trường hợp đó, Bệnh viện Đức Giang sẽ miễn phí cho bệnh nhân các khoản như tiền giường, tiền phẫu thuật trong trường hợp các vết thương nặng và cả tiền thuốc men điều trị; Trung tâm sẽ hỗ trợ tiền ăn uống và đi lại cho các bệnh nhân này, giúp họ dần hồi phục sức khỏe lẫn tinh thần để sớm có thể hòa nhập lại với cuộc sống.
Không chỉ tiếp nhận các trường hợp được đưa tới bệnh viện, các y bác sỹ thuộc Trung tâm chăm sóc tư vấn sức khỏe còn trực tiếp lặn lội tới nhiều vùng xa xôi, hẻo lánh để tuyên truyền vận động và giải thoát cho nhiều phụ nữ đang bị nạn bạo lực gia đình hủy hoại chính cuộc đời họ.
Có cả những chuyến đi trong đêm, đến được nơi có người đang cầu cứu, đoàn công tác đã gặp phải không ít khó khăn trở ngại như: địa hình lạ lẫm, hiểm trở; có những nơi ngay cả cán bộ địa phương cũng không nhận thức được đầy đủ về vấn nạn bạo lực gia đình.
Nhiều trường hợp sau khi giải cứu được người vợ đưa về Trung tâm điều trị, đang đêm bác sĩ nhận được cuộc gọi từ số máy lạ chửi rủa, đe dọa vì đã “dám” đến mang vợ họ đi.
Trong những ngày Tết, Trung tâm càng trở nên bận rộn hơn. Mới đây, đoàn công tác của Trung tâm đã tổ chức chương trình quyên góp áo ấm mùa đông dành cho những bệnh nhân bị bạo lực gia đình ở Bệnh viện đa khoa Đức Giang và nhiều nơi khác.
Đối với những bệnh nhân không có người thân, vẫn còn phải tiếp tục nằm điều trị, Trung tâm và lãnh đạo Bệnh viện hàng năm vẫn sắm Tết đầy đủ giúp họ có thể đón năm mới vui vẻ, ấm áp trong viện. Mong rằng, những mô hình như Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe – Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sẽ ngày được nhân rộng để những nạn nhân bị bạo hành gia đình có thêm một chốn nương nhờ.