“Lớp học quần soóc” là cách gọi hài hước mà một giáo viên tiểu học trên địa bàn Hà Nội đặt cho lớp học có số lượng học sinh nam áp đảo của mình. Theo giáo viên này, lớp cô có 30 học sinh nam và 1 học sinh nữ. Lúc đầu mới vào lớp chưa quen nhau, bạn nữ duy nhất này luôn bị các bạn nam trêu chọc giật tóc, vẽ lên áo. Còn khi đã học một thời gian thì bạn nữ cũng “biến” thành bạn nam luôn với những trò chơi đấm nhau, la hét, nhảy lên bàn ghế.
Một lớp học khác ở nhà trẻ thị trấn Tây Đằng (Ba Vì) dù ở độ tuổi nào, trong các lớp học quân số trẻ trai luôn áp đảo trẻ gái. Chị Trang - cô giáo ở nhà trẻ - cho biết, trung bình mỗi lớp có khoảng 30 - 35 cháu thì trẻ trai luôn khoảng 20 - 22 cháu. Từ 5 năm nay, các cô giáo trong trường cũng đã nói đến chuyện này và chuẩn bị phương án để thích ứng. Bởi quản lý lớp học nhiều trẻ trai sẽ vất vả hơn, nên thường phải thêm 1 cô cho mỗi lớp học so với trước.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Từ 5 - 7 năm nay, thành phố Hà Nội đã bắt đầu báo động về mất cân bằng giới tính khi sinh. Mới đây nhất, tại hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011-2015, ông Tạ Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đang ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước.
Hiện tỷ số đang duy trì ở mức 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái (trong khi toàn quốc là 112,7/100). Các quận, huyện có tỷ số giới tính cao trên 120/100 như Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín. Theo các nhà chuyên môn, chỉ số giới tính khi sinh được coi là bình thường trong khoảng 103 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Tạ Quang Huy, là do tâm lý các cặp vợ chồng vẫn muốn sinh con trai đã khiến công tác khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 gặp khó khăn.
Được biết, Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội giai đoạn 2016 -2020” đang được xây dựng để trình phê duyệt vào quý 4 năm nay.
Cụ thể là, quy mô dân số không quá 8,5 triệu người vào năm 2020, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 12,5%, tỷ lệ thai phụ được sàng lọc trước sinh ít nhất là 80%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt ít nhất 85%, giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động và giáo dục về bình đẳng giới và vị trí, vai trò của nữ giới trong sự phát triển bền vững của gia đình, xã hội.