Ít nguồn lực nhưng đóng góp không hề nhỏ
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khu vực tư nhân ở Việt Nam chỉ thực sự ra đời sau khi tiến hành đổi mới, với chính sách về đổi mới trong đó có phát triển kinh tế nhiều thành phần. Dịch vụ tư nhân chỉ có thể ra đời sau chiến tranh, mặc dù từ trước đó trong nền kinh tế cũ ở miền Nam Việt Nam cũng đã có một khu vực tư nhân rất rộng lớn.
Trong quá trình phát triển đó, Việt Nam đã tạo nên nền tảng chính sách và luật pháp rất quý cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Nếu không có hàng loạt luật ra đời cho doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân trong nước, và các luật khác về thuế, thương mại, và các nhân tố đầu vào (đất đai, tín dụng, lao động…) thì chúng ta không có khu vực tư nhân như hiện nay với khoảng nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động.
Dù phát triển nhanh, doanh nghiệp tư nhân vẫn có nhiều hạn chế, đặc biệt là đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng GDP, bà Lan nói.
Dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, bà Lan cho rằng tổng tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước tương đương với 70% GDP. Với khu vực nhà nước nắm giữ lượng tài sản khổng lồ như vậy, đồng thời nguồn lực còn được dành cho các khu vực kinh tế nhà nước khác, hợp tác xã và đầu tư nước ngoài, thì “phần còn lại dành cho khu vực tư nhân Việt Nam còn bao nhiêu đâu!”
Thiếu thốn nguồn lực là nhân tố hàng đầu gây trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam phát triển, bà Lan nói.
Mặc dù rất ít nguồn lực, nhưng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế không hề nhỏ, đặc biệt trong tạo việc làm và tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, hiện kinh tế tư nhân có tỷ trọng đóng góp 39-40% vào GDP. Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành đặt ra mục tiêu nâng tỷ trọng này lên khoảng 50% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030.
Vì sao năng suất của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam giảm sút?
Theo bà Lan, năng suất của khu vực doanh nghiệp tư nhân thấp là do doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ, và phụ thuộc nhiều vào vốn. Còn các doanh nghiệp lớn không chỉ ít về số lượng mà hiệu quả cũng không cao vì tập trung đầu tư vào những ngành không có năng suất cao như tài chính, bất động sản.
Đi sâu vào phân tích nguyên nhân về chính sách và thể chế, bà Lan nói, khu vực kinh tế nhà nước vẫn lớn và cung cấp đầu ra cho thị trường. Khi khu vực này không thành công hoặc có năng suất thấp, đầu vào của các khu vực kinh tế khác trở nên đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, sự phân biệt đối xử đối với khu vực tư nhân trong nước hiện còn khá nặng nề, đặc biệt là quyền tiếp cận nguồn lực, quyền kinh doanh. Do đó, hiệu suất của họ thấp và ngày càng suy giảm.
Giữa tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổ chức cuộc đối thoại với doanh nghiệp, 20 năm sau khi lần đầu có đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp vào năm 1997 do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khởi xướng.
Nhìn lại các cuộc đối thoại này, những vấn đề doanh nghiệp đặt ra năm 2017 so với cách đây 2 thập kỷ gần như còn nguyên. Các bức xúc vẫn là đất đai, tín dụng, chính sách thuế, sự nhũng nhiễu của bộ máy, tham nhũng. Thậm chí những vấn đề đó còn phức tạp và nặng nề hơn nhiều, bà Lan trăn trở.
So với trước, quy mô tham nhũng bây giờ lớn hơn, và chi phí đầu vào cũng tăng cao hơn nhiều. Nói cách khác, chi phí tiếp cận các nguồn lực và chi phí tuân thủ luật pháp hiện giờ cao hơn trước rất nhiều. “Các chi phí đó chiếm tới 39% tổng lượng nợ của doanh nghiệp thì còn lấy đâu [nguồn lực] nữa để họ phát triển được?”
Một yếu tố khác là cách tiếp cận không đồng đều của các khu vực kinh tế trong cải cách. Trong khi chúng ta tuyên bố phát triển kinh tế thị trường, đến nay kinh tế nhà nước vẫn là chủ đạo. Doanh nghiệp nhà nước là công cụ để Nhà nước điều tiết chính sách và điều tiết thị trường.
Với vai trò như vậy, doanh nghiệp nhà nước có thế thượng phong hơn hẳn các khu vực doanh nghiệp khác, bà Lan nói.
Không thể ép khu vực phi chính thức chuyển đổi thành doanh nghiệp
Bà Lan nhắc lại thực tế rằng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần đa số (97%) khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam.
Bên cạnh khu vực doanh nghiệp chính thức, Việt Nam còn có một khu vực phi chính thức rất lớn, đó là 4,6 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Đây chính là đối tượng mà Chính phủ đang nhắm tới để khuyến khích họ trở thành doanh nghiệp chính thức trong tương lai.
Để họ đăng ký trở thành doanh nghiệp chính thức, cần một loạt thể chế và chính sách hỗ trợ cho họ, chứ không thể dùng các biện pháp ép buộc để khu vực này chuyển đổi, bà Lan nhấn mạnh.