Phải đến 3 năm sau, khi Bộ Y tế trao Bằng khen cho bà thì tiếng oan ấy mới được hóa giải, mọi người mới hiểu được những gì bà phải chịu đựng và càng cảm phục hơn tấm lòng cao thượng ấy. Người phụ nữ trong câu chuyện trên là bà Nguyễn Hồng Son, 59 tuổi, ngụ tại Củ Chi (TP.HCM).
Hiến thận của con trai để cứu hai mạng người
Những giọt nước mắt hạnh phúc chảy tràn khi bà Son kể lại nỗi oan ức mà bà cùng gia đình đã phải chịu. Theo đó, bà Son là người ở xã Tân An, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), cách đây hơn 10 năm bà cùng con gái và hai cậu con trai chuyển về mảnh đất này sinh sống. Ở quê chỉ còn lại cậu con trai cả là anh Trần Quốc Tiến (SN 1976) và ông Tư Năm (chồng bà – PV).
Nguyên nhân của sự chia cắt gia đình này, bà Son giải thích cũng vì giữa hai vợ chồng không được hòa hợp.
Dẫn đến việc như vậy, bà Son cũng rất buồn rầu vì ăn ở với nhau đến gần hết đời người, đến lúc gần đất xa trời thì lại xảy ra chuyện. Điều chẳng ai muốn, nhưng với hoàn cảnh hiện tại, ly thân có lẽ là lựa chọn tốt nhất của cả ông Năm và bà Son. Hơn nữa, có tuổi người ta sống vì con vì cháu nhiều hơn.
Nói là ly thân, nhưng lúc ông Năm bị tai biến nằm một chỗ mấy năm, cũng một tay bà chăm sóc cả.
Anh Tiến cũng chính là cậu con trai xấu số của vợ chồng bà Son. Dù lớn tuổi nhưng Tiến vẫn chưa có vợ, thậm chí đến lúc chết chàng trai này cũng chưa kịp cầm tay con gái lần nào. Tiến làm thợ sửa xe máy ngoài trung tâm thị trấn, thu nhập cũng ổn định, nhưng vì lúc đó ông Năm bị tai biến nằm viện nên lương tháng của anh cũng không đủ chi phí thuốc thang.
Như những gì bà Son thuật lại, anh Tiến là người hiền lành, tốt bụng. Dù hoàn cảnh của mình khó khăn nhưng Tiến hay giúp đỡ những người cơ nhỡ trong ấp. Do vậy, không ít người đã nhận Tiến làm con nuôi.
Tai nạn đến với Tiến vào một ngày hè cuối tháng 6/2012. Một hôm khuya, bà Son đột ngột nhận được tin con trai bị chấn thương nặng. Một thanh niên trong ấp đã lấy cây gỗ lớn đập vào đầu con trai bà chỉ vì Tiến can ngan hai vợ chồng nhà này đánh nhau.
Bà Son kể lại, Tiến được mọi người đưa đi Bệnh viện Vĩnh Long cấp cứu, nhưng vì không có tiền nên sau 4 hôm nằm viện, anh đã xin về nhà dưỡng thương. Lúc đó, bệnh tình của Tiến rất nghiêm trọng, cần phẫu thuật, một số người dân biết chuyện không đành lòng nên đã điện báo tin cho bà Son.
Ngay trong đêm ấy, bà Son cùng hai con trai út về quê, vay mượn tiền bạc để đưa Tiến vào Bệnh viện Vĩnh Long điều trị tiếp. Nhưng sức khỏe Tiến trở nặng nên đã được chuyển ngay lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ thông báo cho gia đình bà biết: “Bệnh nhân không thể cứu được”. Bà Son khóc thảm thiết vì thương con, còn hai người con út thì đi làm thủ tục để đưa anh Tiến về quê. Đúng lúc này, một cô hộ lý đến bên bà hỏi: “Có muốn làm việc nhân đạo không?”.
Việc làm nhân đạo mà cô hộ lý đề cập đến là hiến tạng cứu người. “Thoáng nghe chuyện này tôi phản ứng ngay, tôi bảo rằng con tôi đã chết oan khuất, giờ lại còn lấy tạng của nó sao được. Nhưng khi nghe cô hộ lý kể về tính mạng của hai người bị bệnh thận đang bị nguy hiểm vì không có ai hiến thận thì tôi đã suy nghĩ khác” - bà Son nhớ lại.
Sau đó, bà Son đã đem nỗi phân vân chia sẻ cùng các con, bà nhận được sự ủng hộ của họ: “Giờ không thể cứu được anh con. Nếu hy sinh nỗi đau ấy để cứu người khác là việc nên làm. Chưa kể được làm việc thiện anh con sẽ thanh thản và sớm siêu thoát”.
Nỗi đau buồn khi mất con làm bà nghĩ đến nỗi đau buồn của những người mẹ khác. Bà nhận thấy việc hiến tặng hai quả thận của con trai bà là việc làm ý nghĩa vì nó mang lại mầm sống cho hai người khác. Nghĩ vậy, bà cùng gia đình đồng ý hiến tặng hai quả thận của con trai để cứu người, thậm chí đồng ý hiến cả nội tạng cho công tác nghiên cứu. Còn về phần người thanh niên đã gây ra cái chết cho anh Tiến, bà cũng xin cho giảm án.
Thấy lòng thiện của bà, Tòa chỉ kết án người thanh niên ấy 6 năm tù.
Bà Son chia sẻ lại sự việc hiến thận của con trai để cứu hai mạng người |
Lần gặp bác sĩ để làm thủ tục hiến tạng, bà nhấn mạnh bà làm việc này vì nhân đạo cứu người, tuyệt đối không mua bán dù kinh tế gia đình bà đang gặp rất nhiều khó khăn, tiền điều trị cho con đều phải vay mượn.
Biết gia cảnh khó khăn của gia đình bà, có không ít mạnh thường quân đã ngỏ ý muốn giúp đỡ, nhưng bà đã nhất quyết từ chối. Bà nói với người ấy: “Tôi khó khăn thật, nhưng trên đời vẫn còn nhiều hoàn cảnh neo đơn, ốm đau bệnh tật cần sự giúp đỡ này rất nhiều”.
Ngày đưa con về quê ở xã Tân An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long an táng, gia đình bà Son đã phải lấy lá dừa dựng chòi làm đám. Ngày đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi một vòng hoa đến viếng cùng 20 triệu đồng hỗ trợ gia đình bà. Nhìn thấy vòng hoa của Bệnh viện Chợ Rẫy, người dân lối xóm thắc mắc nên bà Son đã giải thích do con bà hiến tạng.
Nhưng ngay cả khi bà đã giải thích như vậy, những người dân địa phương cũng vẫn không tin. Có không ít người cho rằng, bệnh viện đã làm gì đó sai sót nên mới đến viếng vòng hoa, nhiều điều tiếng xì xào rằng gia đình bà bán thận của con trai để lấy tiền vinh hưởng cuộc sống. Lúc đó, con út của bà Son nghe thấy đã tức giận và không giữ được bình tĩnh nên lớn tiếng với những người này. Chính vì vậy mà những lời đồn thổi của dư luận càng ghê gớm.
Hơn nữa, trong hai ngày tang lễ của Tiến, trời Vĩnh Long mưa tầm tã, người ta lại càng vin vào đó và đặt điều cho rằng nạn nhân chết oan khuất.
“Biết không ngăn được miệng lưỡi thế gian, tôi đã động viên con cái rằng mình không làm điều gì sai trái thì không việc gì phải bận tâm. Nhưng nói vậy, chứ tránh làm sao khỏi những điều này không ảnh hưởng tới mình được” - bà Son chua xót.
Những lời soi mói, nguyền rủa từ miệng lưỡi người đời càng ghê gớm hơn khi mà sau đám tang của anh Tiến, những tai ương liên tiếp đã xảy ra với người thân trong gia đình bà. Đầu tiên là ngay trong phiên xử án người đã gây ra cái chết cho anh Tiến, bà Son bị tai nạn giao thông và phải nhập viện cấp cứu. Sau đó là đến lượt con trai út của bà gây tai nạn, và cũng lĩnh án 5 năm tù. Cách đây 2 năm, ông Năm đột ngột chết...
Vậy là rất nhiều người quanh ấp đồn rằng bà bán thận con trai nên bị trời quả báo.
Và rồi, nỗi oan ức của bà Son và gia đình cũng được giải tỏa khi bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy gọi điện mời bà đến dự Lễ vinh danh những người hiến tạng. Cầm Kỷ niệm chương do chính tay Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng trên hội trường của Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 21/3, bà Son như trút được gánh nặng trong lòng./.