Hà Tĩnh: Phản đối sáp nhập trường, 9 phụ huynh “dính” án

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.
(PLO) - Sáng 23/4, TAND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) mở phiên sơ thẩm xét xử vụ phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường đối với 9 bị cáo cùng trú tại xã Hương Bình về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Theo cáo trạng, thực hiện chủ trương sáp nhập trường của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đầu năm học 2014 - 2015, 247 học sinh của Trường THCS Hương Bình phải chuyển sang Trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng (huyện Hương Khê) để học. Cho rằng khi chuyển trường con em mình phải đi lại đường sá xa xôi (xa nhất là 8km tới điểm trường mới), nhiều phụ huynh đã tập trung treo băng rôn, khẩu hiệu tại Trường THCS Hương Bình để phản đối, đồng thời cho con nghỉ học nhiều tháng để yêu cầu giữ lại trường. 
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2014, bị cáo Trần Hữu Bá cùng với Phan Ngọc Lai, Bùi Xuân Đường, Phan Thế Vỵ, Dương Đức Lý, Lê Đăng Thắng, Phan Thị Lý, Đặng Thị Hoa, Hoàng Thị Liên cùng trú tại xã Hương Bình dùng lời nói, hành động xúi giục nhiều người dân xã Hương Bình tụ tập tại khu vực Trường THCS Hương Bình (xã Hương Bình). 
Tại đây những người này chửi bới, hò hét, đe dọa ngăn cản nhiều gia đình không cho con đi học để phản đối chính sách của tỉnh Hà Tĩnh về việc sáp nhập trường. Hậu quả của những việc làm này khiến hơn 500 học sinh trong xã ở cả ba cấp (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) trong thời gian gần 4 tháng không được tới trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giáo dục đào tạo, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Đến cuối tháng 12/2014, khi tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo, đồng thời áp dụng nhiều chính sách như thuê xe buýt đưa đón học sinh, học sinh không phải đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học, hỗ trợ gạo, xe đạp thì tình hình mới ổn định.
Tại phiên xét xử, các bị cáo đều ăn năn, hối lỗi về những việc làm mà mình đã gây ra và mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về với gia đình. Là người được cho là đứng đầu lôi kéo, xúi giục phụ huynh cho con nghỉ học, ông Trần Hữu Bá đã đứng ra xin nhận tất cả mọi trách nhiệm. 
Ông Bá thừa nhận khi có chủ trương sáp nhập trường, ông đứng ra viết đơn gửi đi nhiều cấp, đó là việc làm xuất phát từ lương tâm của bản thân, bởi vì thấy học sinh đi học tới cơ sở mới là xa; sau đó đã nhận ra rằng tuy việc làm của mình xuất phát từ ý tốt nhưng lại vi phạm pháp luật, đi ngược lại chủ trương của Nhà nước nên cảm thấy hối hận. 
Trong vụ án này còn có Lê Đức Bình, tuy nhiên đối tượng này đã bỏ trốn khỏi địa phương, hiện đang bị truy nã toàn quốc.
Bị cáo Đặng Thị Hoa trình bày tại tòa: “Bản thân có con gái đang học lớp 9, bị bệnh tim bẩm sinh. Khi có đề án sáp nhập trường, lo ngại cho sức khỏe của con vì phải di chuyển quãng đường xa tới trường, do đó đã cùng người dân tập trung tại trường để xin giữ lại, ngoài ra không có ý gì khác. Việc làm là do tự nguyện chứ không bị xúi giục”. 
Xét thấy hành vi của các bị cáo là do thiếu hiểu biết, lập trường không vững vàng nhưng đã gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, sau khi cân nhắc, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo: Trần Hữu Bá 30 tháng tù giam; Phan Ngọc Lai, Bùi Xuân Đường, Phan Thế Vỵ, Dương Đức Lý cùng mức án 26 tháng tù giam; Lê Đăng Thắng, Đặng Thị Hoa, Hoàng Thị Liên và Phan Thị Lý cùng bị phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo./.

Đọc thêm

Khởi tố 5 đối tượng mua bán người

Lực lượng công an họp bàn phá án.
(PLVN) - Các lao động Việt Nam sau khi bị bán sẽ bị nhốt tại trụ sở Công ty, xung quanh có hàng rào thép và người canh gác 24/24; bị ép làm việc liên tục, nếu không làm đủ doanh số sẽ bị các quản lý đánh đập, tra tấn, bỏ đói, chích điện...

Xử phạt 7,5 triệu đồng đối với người lập nhóm 'báo chốt' CSGT

Xử phạt 7,5 triệu đồng đối với người lập nhóm 'báo chốt' CSGT
(PLVN) - Thông tin từ Công an huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), ngày 06/01 đơn vị này đã ra Quyết định xử phạt đối với 1 trường hợp là trưởng nhóm Zalo có hành vi vi phạm là thông báo các chốt Cảnh sát giao thông trên địa bàn huyện Vị Xuyên để người vi phạm giao thông tìm cách đối phó.

Cảnh giác tội phạm lừa đảo dịp giáp Tết

Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi sử dụng các dịch vụ dịp cận Tết, tránh bị mắc bẫy lừa đảo. (Ảnh minh họa: T.Thương)
(PLVN) - Thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng các dịch vụ như thuê người, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, đổi tiền mới... tăng cao. Đây cũng là lúc các đối tượng lừa đảo hoành hành, “đánh” vào nhu cầu của người dân để “móc túi” họ một cách bất chính.

Tài xế hất cảnh sát lên nắp capo lãnh 13 năm tù

Bị cáo tại tòa.
(PLVN) - Bị yêu cầu hạ cửa kính để kiểm tra giấy tờ và nồng độ cồn, do không có Giấy phép lái xe và đã sử dụng ma túy, Cường sợ bị phát hiện nên không chấp hành. Sau đó, Cường tăng ga đâm thẳng về phía cảnh sát giao thông đang đứng trước đầu xe.