Làm nhiều việc cùng một lúc
Đây là lý do làm nhiều việc một lúc thường đạt hiệu quả không cao. Earl Miller, nhà thần kinh học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã chứng minh não người sinh ra không để hoạt động đa nhiệm. Khi làm nhiều việc cùng một lúc, não bộ của chúng ta phải chuyển liên tục từ trạng thái này sang trạng thái khác, khiến cho năng lượng bị tiêu hao nhiều hơn, dẫn đến cơ thể nhanh chóng mệt mỏi, uể oải.
Ngoài ra, khi làm nhiều việc cùng một lúc, não sẽ tăng tiết những chất gây căng thẳng thần kinh như cortisol và adrenaline. Những chất này sẽ ngăn cản suy nghĩ sáng tạo, đồng thời khiến chúng ta dễ mệt mỏi và cáu bẳn hơn bình thường.
Nạp quá nhiều chất béo
Có một sự thật nguy hiểm mà không phải ai cũng nhận ra là chất béo có khả năng gây nghiện. Chúng ta càng ăn nhiều đồ béo thì càng có xu hướng thèm hơn trong khi thân hình ngày càng phì nhiêu, còn não bộ thì ngày càng trì trệ.
Kết quả nghiên cứu của ĐH Montreal (Canada) đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa không chỉ khiến cơ thể uể oải mà còn khiến não bộ trở nên… chậm chạp. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thử cho chuột và một số loài động vật khác ăn đồ ăn chứa nhiều chất béo và họ nhận thấy các loại động vật thí nghiệm bị suy giảm nhận thức, kém linh hoạt và phản ứng chậm hơn hẳn so với bình thường. Nguyên nhân là do chất béo cản trở dopamine - chất truyền dẫn thần kinh liên quan đến vận động.
Không biết liền hỏi “giáo sư Google”
Đây là bệnh phổ biến của thời đại công nghệ khi công cụ tìm kiếm Google dần trở thành “giáo sư biết tuốt” của nhân loại. Rất nhiều người trong chúng ta đang dựa dẫm quá nhiều vào Google mà vô tình quên mất rằng trong cơ thể mình vẫn đang tồn tại một bộ máy lưu trữ thông tin tự nhiên là não bộ.
Các nhà nghiên cứu của ĐH Columbia (Mỹ) đã chỉ ra rằng, con người hiện đại đang có một cách ghi nhớ khác so với ngày xưa, đó là nhớ vị trí lưu trữ thay vì nhớ thông tin. Tức là thay vì nhớ nội dung thông tin là gì thì chúng ta lại chỉ nhớ mình đã ghi chép, lưu giữ thông tin đó vào đâu. Chẳng hạn, chúng ta thường không ghi nhớ số điện thoại của bạn bè mà chỉ nhớ đã từng lưu số điện thoại đó ở đâu để lôi ra tìm.
Việc này khá tai hại khi gặp những trường hợp khẩn cấp phải gọi điện thoại mà chẳng nhớ nổi số của ai để gọi. Nhưng sâu xa hơn, thói quen dựa dẫm quá nhiều vào những công cụ, tài liệu ghi nhớ xung quanh khiến não bộ trở nên chây ỳ, không thể tập trung suy nghĩ mỗi khi cần thiết.
“Cày” phim cả ngày
Ai cũng biết xem phim, show truyền hình nhiều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là mắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những bộ phim, show truyền hình còn ảnh hưởng tới nhận thức của chúng ta. Nguyên nhân là do những chi tiết, nội dung trong phim ít nhiều sẽ chi phối suy nghĩ và hành động của bạn.
Hệ quả là sau khi xem xong, thỉnh thoảng những hình ảnh về bộ phim/show đó sẽ xuất hiện trong đầu bạn, có thể bạn sẽ bất giác buồn cười hoặc hành động giống nhân vật trong phim/show. Điều này đặc biệt biểu hiện rõ ở trẻ em, khi chúng thường hay bắt chước những hành động của các siêu anh hùng trong phim hoạt hình. Do đó, những bộ phim kinh dị hay bạo lực thường cấm trẻ em xem.
Thường xuyên đi du lịch nước ngoài
Du lịch nước ngoài có thể tốt cho trải nghiệm của bạn nhưng lại không tốt chút nào cho nhịp sống sinh học của bạn. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi trong vòng một ngày sau khi tiếp xúc với một múi giờ mới, nhưng cả tuần sau đó, tác hại của việc lệch múi giờ mới thực sự phát tác.
Một nghiên cứu trên chuột hamster cho thấy, việc thường xuyên bị rối loạn đồng hồ sinh học khiến số lượng neuron thần kinh được sinh ra ở khu vực xử lý bộ nhớ bị giảm đi 50%. Dù rằng sau đó chúng đã trở lại nhịp sinh hoạt bình thường nhưng tác hại vẫn kéo dài đến cả tháng trời.
Vì vậy, nếu bạn định chọn những nghề nghiệp thường xuyên phải thay đổi nhịp độ sinh học như tiếp viên hàng không, nhân viên y tế, nhân viên làm ca đêm thì bạn nên cân nhắc kĩ những ảnh hưởng của giờ làm việc đến sức khỏe.