Khổ vì… xưởng mộc
Xưởng mộc của bà Liên đã hoạt động trong khu dân cư được 7 năm, 2 năm trở lại đây thì xưởng mộc thường xuyên hoạt động gây bụi bặm, tiếng ồn, đặc biệt là quá trình xử lý phun sơn, mùi gỗ ngâm hóa chất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.
Anh Dũng, người dân sống gần xưởng mộc cho biết, mặc dù nằm trong khu dân cư nhưng cơ sở mộc này hoạt động không có biện pháp che chắn cho nên tiếng ồn và bụi mùn cưa phát tán ra khắp nơi. Các hộ gia đình xung quanh xưởng mộc lúc nào cũng phải đóng cửa kín mít. Không chỉ bụi mà chúng tôi còn phải hứng chịu mùi sơn gỗ nồng nặc mỗi lần thợ sơn phun sản phẩm. Mùa lạnh còn đỡ, chứ vào trưa hè, không gian xung quanh đây đặc quánh mùi hóa chất ngâm gỗ và sơn các loại. Lo lắng nhất là người già, trẻ nhỏ hay bị tức ngực, khó thở, lúc nào cũng phải lấy tay che mũi, bịt miệng và bịt khẩu trang. Ngày càng nhiều người bị mắc các bệnh lao, phổi…
Điều khiến người dân bức xúc hơn là xưởng mộc hoạt động suốt ngày, có hôm 9, 10 giờ đêm vẫn phun sơn khiến không khí xung quanh trở nên ngột ngạt, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù đã nhiều lần góp ý nhưng xưởng mộc của bà Liên vẫn phớt lờ các ý kiến, vô tư hoạt động. Vì thế các hộ dân phải làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp.
Theo quan sát của phóng viên, xưởng mộc của hộ bà Liên không hề có biện pháp nào nhằm hạn chế bụi, tiếng ồn cũng như mùi sơn. Do đó, nếu bất cứ ai đến khu vực này đều cảm thấy ngột ngạt, khó chịu vì bụi, mùi sơn… mỗi khi xưởng hoạt động.
Không có hồ sơ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường
Sau khi kiểm tra, tại Báo cáo số 347/BC-STNMT ngày 28/12/2015 của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc về “kết quả kiểm tra, xác định đơn kiến nghị của một số công dân thôn Nho Lâm, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc” đã khẳng định: “Việc các hộ dân phản ánh hộ bà Lê Thị Liên trong quá trình sản xuất đồ gỗ tại khu dân cư thôn Nho Lâm, xã Tam Hồng có gây mùi trong quá trình sơn theo phản ánh của người dân là đúng. Mặt khác, hộ bà Liên cũng không có bất cứ hồ sơ gì liên quan đến việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường”.
Qua đó, Sở này kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc biện pháp xử lí như: Giao UBND huyện Yên Lạc chỉ đạo các phòng, ban thuộc UBND huyện và UBND xã Tam Hồng thống nhất ra thông báo yêu cầu hộ bà Lê Thị Liên phải dừng sản xuất đồ gỗ trên diện tích đất của ông Lê Văn Thường, thôn Nho Lâm trước ngày 30/01/2016, vì trong quá trình sản xuất gây mùi và bụi nên không được hoạt động trong khu dân cư theo Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Sau ngày 30/1/2016, hộ bà Lê Thị Liên không thực hiện thì tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định tại Điều 12 và Điều 30 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nếu hộ bà Liên tiếp tục không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật”.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản giao cho UBND huyện Yên Lạc thực hiện theo báo cáo của Sở TN&MT. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 07/1/2016 UBND huyện Yên Lạc đã có Văn bản số 24/UBND-VP “giao Chủ tịch UBND xã Tam Hồng tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc xong trước ngày 30/1/2016 để báo cáo UBND tỉnh theo quy định”.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hòa - Phó Chủ tịch xã Tam Hồng khẳng định: “Vấn đề ô nhiễm môi trường là có, nhưng về mức độ thì không biết thế nào để dừng. Sau khi kiểm tra, UBND xã đã xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Theo công văn của tỉnh thì đến 31/1/2016 xưởng mộc phải đóng cửa”.