Hôm qua (3.9), giá xăng RON 92 đã giảm lần thứ 6 liên tiếp, về mức chỉ còn 1.198 đồng/lít. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với chi phí giá xăng chiếm khoảng 39% trong giá thành vận tải taxi, thì với giá xăng hiện nay, giá taxi đã phải giảm ít nhất 500-600 đồng/km.
Tuy nhiên, cho đến hôm nay (4.9), vẫn chưa có hãng vận tải, hãng taxi nào tuyên bố giảm giá cước. Nhà nước có nhiều qui định về kê khai, quản lý cước vận tải, nhưng với thực tế như hiện nay, có thể nói, các biện pháp quản lý này đã không hiệu quả.
Sự bất lực của quản lý
Căn cứ theo những quy định về quản lý cước vận tải như bắt kê khai giá, đăng ký giá…, nhiều người cho rằng, có thể kiểm soát được cước phí vận tải qua việc kiểm tra, thanh tra, xử phạt…nếu DN không chấp hành. Không phải trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã không làm điều này, cũng đã có không ít DN bị phạt nhưng vấn đề ở chỗ, việc thanh tra, kiểm soát gia được vận tải không được làm thường xuyên. Chủ yếu, các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi công văn yêu cầu các Sở Tài chính, Sở GTVT tăng cường biện pháp quản lý. Nhưng rõ ràng, chỉ có thế thôi, thực tế đã cho thấy, cách làm này không đem lại hiệu quả.
Ghi nhận trong ngày 3.9 và 4.9, khi giá xăng đã giảm lần thứ 6 liên tiếp cho thấy: ở đa số các địa phương kể cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…các hãng xe, các DN kinh doanh taxi đều bất động, không có một động thái giảm giá cước dù mức giảm giá xăng lần này khá mạnh. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã triển khai, gửi công văn tới các DN yêu cầu giảm giá, nhưng các DN xin để lại mấy ngày tới mới giảm”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, ông Thân Văn Thanh cho biết, hiệp hội này đã đề nghị các thành viên giảm giá cước. Ông Thanh nói “Giá xăng dầu giảm 10%, dứt khoát phải giảm cước. Nếu không, khách hàng, xã hội sẽ không chấp nhận. Tuy nhiên, xăng dầu vừa qua biến động tăng giảm liên tục, có hãng giữ giá từ đầu năm, vì thế cần phân loại giữa các DN, không thể đánh đồng”. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay (4.9), vẫn chưa có thành viên nào của hiệp hội này giảm giá.
Nhiều người dân hiện đã chủ động sử dụng những loại hình dịch vụ mới như Grabtaxi hoặc Taxi Uber |
Chuyên gia kinh tế Ngô trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho rằng, tình hình cho thấy, có những dấu hiệu DN liên kết để không giảm giá. Các cơ quan chức năng phải vảo cuộc để xử lý, nhất là Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, nhưng có vẻ như, trước nay, Cục này đã quên mất mảng dịch vụ vận tải, taxi ?.
Phải có cách thức khác
Với thực tế thị trường dịch vụ vận tải, taxi có rất nhiều DN tham gia nhưng lại có sự chây ì, giữ giá, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng như vậy cho thấy, các biện pháp quản lý, can thiệp hành chính của nhà nước đã không mấy hiệu quả.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế VN: “Vấn đề giá taxi, cước vận tải không giảm dù giá xăng dầu từ đầu năm đến nay đã giảm xuống khá nhiều là trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành như: Giao thông, Tài chính. Khi chi phí đầu vào của nền kinh tế giảm, lợi ích cho ngân sách mới xuất hiện trở lại. Giờ không kiểm soát được việc giá cước vận tải, taxi, để cho sự độc quyền phân mảng như hiện nay thì rất khó”.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, bản chất là cạnh tranh và giá cả phải phản ánh đúng qua sự cạnh tranh của các DN. Và chỉ qua cạnh tranh của DN mới thấy sự can thiệp của nhà nước cần thiết ở khâu nào. Theo chuyên gia này, qua thực tế các DN taxi không giảm giá cước, cần phải nhìn lại toàn bộ thị trường, mức độ cạnh tranh, sự minh bạch về thông tin để cơ quan quản lý xem xét, can thiệp ở chỗ có vấn đề nhất.
Một điểm đáng chú ý là vừa qua, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề xuất xem xét và chấp nhận Đề án thí điểm “triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Grabcar)” tại 5 tỉnh, thành phố :Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Đây là một bước đi để dần chấp nhận dịch vụ kết nối với xe hợp đồng, cho phép triển khai các dịch vụ như Grabtaxi, Livetaxi…
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) cho rằng, nếu Đề án được Chính phủ phê duyệt và cho triển khai rộng, sẽ thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ vận tải bằng taxi và người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương cũng cho rằng, việc cho pháp thực hiện những dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, thông tin di động …như grabtaxi sẽ tạo cạnh tranh và đem lại nhiều tiện lợi cho cả người tiêu dùng và DN vận tải.
Các DN kinh doanh vận tải, taxi rõ ràng đang có những biểu hiện liên kết độc quyền, neo giá do đó, việc ra đời của loại hình Taxi kiểu mới ( như đề án thí điểm GrabCar), theo các chuyên gia kinh tế, giao thông là một biện pháp tốt để tăng tính cạnh tranh qua việc phá vỡ tính độc quyền trong ngành taxi, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng xe sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và lợi ích cho người dân (nhờ quản lý giao thông đô thị tốt hơn). Do đó, ngành taxi cần phải chuẩn bị để ứng phó với xu thế này và chấp nhận cạnh tranh, vì quyền lợi của người tiêu dùng.