“Chạy đua” với Uber

Cung cấp dịch vụ wifi miễn phí, taxi Tiên Sa muốn nắm ưu thế cạnh tranh
Cung cấp dịch vụ wifi miễn phí, taxi Tiên Sa muốn nắm ưu thế cạnh tranh
(PLO) - Taxi Uber sẽ được ứng xử như thế nào vẫn chưa ngã ngũ, nhưng rõ ràng việc Uber xuất hiện trên thị trường Việt Nam đã phần nào “đánh thức” tiềm năng đang “ngủ quên” đâu đó trong cả doanh nghiệp taxi và cơ quan quản lý nhà nước.
Đánh thuế Uber hoàn toàn khả thi
Cuối tuần trước, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tìm hướng quản lý ứng dụng Uber sau khi Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh “kêu cứu” lên Thủ tướng. Đây cũng là câu chuyện “đau đầu” của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải và các lĩnh vực liên quan những ngày qua.
Một trong những tranh cãi về hoạt động của ứng dụng “taxi Uber” là việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế sẽ tính thuế GTGT trên doanh thu với Uber theo hình thức kinh doanh vận tải và ở mức là 3%. Thuế thu nhập DN trên doanh thu với ngành tương ứng là 2%. Tổng cục Thuế đã tính toán thận trọng với các vấn đề liên quan để đảm bảo quyền lợi các bên, như ai sẽ khấu trừ thuế (người sử dụng dịch vụ, người cung cấp dịch vụ hay trung gian Uber).
Theo đó, Tổng cục Thuế đã làm việc cụ thể với đại diện Cty Uber International Holding B.V và xác định các khoản thu nhập phát sinh của đơn vị này tại Việt Nam. Hiện Uber đang có 3 khoản thu nhập gồm: Phí đăng ký mở tài khoản, phí hủy chuyến và cước phí thanh toán thực tế từ khách hàng qua các thẻ thanh toán Visa Card, MasterCard, AMEX. 
Theo đó, Uber sẽ chuyển 80% cước cho DN vận tải và hưởng phí dịch vụ 20%. Mọi hoạt động liên quan đến việc ký kết hợp đồng, thu tiền khách hàng đến chi tiền cho DN vận tải đều do Uber International Holding B.V thực hiện.
Cty TNHH Uber Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký từ ngày 14/10/2014 chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, makerting nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo và chưa đến kỳ khai nộp thuế. Tuy nhiên, các dữ liệu, chứng từ thanh toán được lưu trữ đồng thời ở máy chủ nước ngoài và ở cả phía Việt Nam. Do vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để đối chiếu, kiểm chứng khi cần thiết.
Tung “chiêu” công nghệ
Hiện hoạt động của Uber đang gây tranh cãi ở Việt Nam, đặc biệt các hãng taxi truyền thống có phản ứng khá mạnh với loại hình kinh doanh mới này. Trong khi chờ các cơ quan chức năng có phán quyết, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cùng với Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức buổi giới thiệu về ứng dụng LiveTaxi, dùng để gọi và tìm taxi trên điện thoại di động, được coi là ứng dụng cạnh tranh có nhiều lợi thế hơn so với Uber.
Đây là ứng dụng di động có một số tính năng tương tự như các ứng dụng gọi xe khác như Uber hoặc GrabTaxi, EasyTaxi… Ứng dụng LiveTaxi trước đó đã được triển khai thử nghiệm trên một số taxi thuộc các công ty Mai Linh và Vinasun. Đây là một phần trong dự án nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ trên taxi do Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường -  Chất lượng TP.HCM chủ trì.
Đại diện Cty Huy Hoàng - đơn vị chịu trách nhiệm triển khai, thử nghiệm ứng dụng LiveTaxi cho một số Cty taxi tại TP.HCM – cho biết, ứng dụng LiveTaxi chỉ là công cụ hỗ trợ cho các DN kinh doanh vận tải, hiện chưa thay thế cho đồng hồ tính tiền (taximet). Đây sẽ là ứng dụng cung cấp thông tin về hành trình (điểm xuất phát, điểm đến), đơn giá, cước phí phải trả… và gửi hoá đơn tính tiền qua tin nhắn SMS cho khách hàng.
Khác với Uber, ứng dụng LiveTaxi còn cung cấp giao diện điều hành, quản lý cho các Công ty taxi nhằm quản lý các đầu xe taxi, kiểm soát hành trình. Bản thân các tài xế sẽ phải trang bị smartphone hoặc máy tính bảng có khả năng kết nối Internet qua mạng di động 3G khi sử dụng LiveTaxi, trong khi hành khách sử dụng LiveTaxi để tìm và gọi taxi qua smartphone hoặc máy tính bảng. Ứng dụng này được sử dụng như một phần mềm bình thường, và khác với Uber, đơn vị cung cấp ứng dụng này không kinh doanh trên hệ thống của mình.
Một hãng taxi khác, dù chưa bị dính đòn Uber cũng vừa tiên phong cung cấp wifi miễn phí cho khách đi taxi của hãng này nhằm tạo thuận lợi cho hành khách liên lạc, xác định vị trí… Đó là Cty Phú Hoàng – chủ thương hiệu Taxi Tiên Sa (Đà Nẵng). Trước mắt, Taxi Tiên Sa cung cấp wifi miễn phí trên dòng xe Vios của hãng tại Đà Nẵng (40 xe), sau đó sẽ hợp tác với Mobifone cung cấp wifi miễn phí cho toàn bộ các dòng xe của hãng tại Đà Nẵng và các chi nhánh trên toàn quốc.
Dự kiến trong tuần này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có cuộc gặp quan trọng với đại diện Cty Uber về hoạt động của ứng dụng này tại Việt Nam./.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.