Đông Nam Bộ dẫn đầu về chỉ số phát triển kinh tế - xã hội
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh cho biết, PII là bộ chỉ số tổng hợp duy nhất hiện nay cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của từng địa phương. Việc xây dựng chỉ số PII của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá rất cao. Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới xây dựng thành công chỉ số này.
Theo kết quả phân tích, đánh giá PII 2024, trong 10 địa phương dẫn đầu PII 2024, có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 5 địa phương có công nghiệp, dịch vụ phát triển. Cụ thể, 3 địa phương không thay đổi vị trí dẫn đầu là Hà Nội xếp hạng 1, TP HCM xếp hạng 2 và Hải Phòng xếp hạng 3. Các địa phương tiếp theo gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hạng 4 (PII 2023 xếp hạng 7), Đà Nẵng xếp hạng 5 (PII 2023 xếp hạng 4), Quảng Ninh xếp hạng 6 (PII 2023 xếp hạng 9), Cần Thơ xếp hạng 7 (PII 2023 xếp hạng 5), Bình Dương xếp hạng 8 (không thay đổi so với PII 2023), Thái Nguyên xếp hạng 9 (PII 2023 xếp hạng 10) và Bắc Giang xếp hạng 10 (PII 2023 xếp hạng 11).
Trong 10 địa phương dẫn đầu PII 2024, có 3 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), 3 địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ (TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương), 2 địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc (Thái Nguyên, Bắc Giang), 1 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (Đà Nẵng) và 1 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ). So với bảng xếp hạng top 10 năm 2023, Bắc Ninh bị tụt hạng xuống vị trí 11, thay vào đó là Bắc Giang.
Năm 2024, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã vượt qua các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng để có điểm trung bình cao nhất trong 6 vùng KT-XH với 43.10 điểm. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao thứ hai, đạt 42.77 điểm, tiếp đến là các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 35.64 điểm và Đồng bằng sông Cửu Long với 33.69 điểm. Hai vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên tiếp tục có điểm số thấp nhất, lần lượt là 32.03 điểm và 31.60 điểm.
Xếp theo nhóm thu nhập, nhìn chung điểm số PII 2024 của các địa phương có tương quan với mức thu nhập bình quân đầu người. Các địa phương có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao đạt điểm trung bình cao nhất, 44.55 điểm. Các địa phương có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp có khoảng cách về điểm số khá xa so với nhóm thu nhập cao, kém tới 17.33 điểm.
Cung cấp căn cứ khoa học để phát triển kinh tế - xã hội
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, trên thế giới, trước Việt Nam, cho đến nay cũng mới chỉ có 4 quốc gia đã xây dựng và triển khai thành công chỉ số PII là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Colombia và Trung Quốc. Việc xây dựng chỉ số PII của Việt Nam được Tổ chức WIPO đánh giá rất cao.
Sau khi PII 2023 được công bố, nhiều địa phương đã tích cực tìm hiểu ý nghĩa, nội hàm, phương pháp tính toán của từng chỉ số thành phần, tổ chức nghiên cứu, phân tích kết quả để ban hành và thực hiện các chính sách nhằm phát huy các điểm mạnh và khắc phục các điểm yếu mà kết quả PII 2023 đã chỉ ra. Đến nay, đã có hơn 30 địa phương ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số PII.
Kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả PII 2024 với thực trạng phát triển KT-XH của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng), có ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động KH,CN&ĐMST mạnh mẽ. Ngược lại, các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển KT-XH, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH (tập trung ở các vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc).
Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh, Chỉ số PII cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương. Qua đó giúp lãnh đạo của địa phương xác định, lựa chọn các chủ trương, các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH của địa phương, cũng chính là để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.