"Chà đạp" nhau để cướp lộc
Dù năm nay an ninh được thắt chặt nhưng cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, cướp lộc tại đền Trần (Nam Định) lại diễn ra hỗn loạn như những năm trước. Khi đoàn rước kiệu ấn vào sân, nhiều người không sờ được vào kiệu ấn thì vò tiền ném thẳng vào kiệu ấn.
Một số người đứng xa cũng cố gắng vo tiền ném trúng kiệu ấn khiến tiền rơi vương vãi khắp nơi. Rất nhiều thanh niên quá khích, bất chấp sự an toàn của những người xung quanh đồng loạt trèo qua hàng rào sắt để vào trong đền.
Một biển người gào thét, giẫm đạp lên nhau để xông vào trong bàn thờ nội cung cướp lộc. Từ bông hoa, gói bánh, trái cây cho đến những miếng xốp đều bị người dân hò hét lao tới cướp sạch. Cảnh hỗn loạn trong đêm khai ấn đã tạo rất nhiều cơ hội cho những kẻ móc túi, trộm cắp hoành hành, có nhiều du khách đã mất sạch ví, điện thoại trong lúc chen lấn vào trong đền cướp lộc.
Chứng kiến cảnh này, không ít người chua xót: “Chứng kiến cảnh hỗn loạn, cướp lộc ngay bàn thờ đến kinh hoàng, lại bị tiền vo ném tới tấp vào mặt, không biết thánh hiển linh có nổi cơn thịnh nộ?” .
Lễ hội “Đả cầu cướp phết” tại Lập Thạch (Vĩnh Phúc) diễn ra trong một không khí hỗn loạn. Cũng như mọi năm, điểm nhấn của mùa lễ hội chính là màn cướp phết. Đây cũng là lúc mất an toàn và hỗn loạn nhất.
Vì máu ăn thua, phần hội cướp phết đã bị biến tướng, việc ẩu đả diễn ra thường xuyên khiến nhiều người dân hãi hùng không dám lại gần. Không ai chịu kém ai, các nhóm thanh niên của từng xóm lao vào ẩu đả, giẫm đạp lẫn nhau để cướp phết.
Thanh niên lực lưỡng đi như “khinh công” trên đầu cả đoàn người đông đúc, họ đấm đá, choảng nhau kinh dị. Phết bay đến đâu là ruộng đồng nát nhừ đến đó. Có thanh niên bị đánh, giẫm đạp đã nằm ngất ngay trên bãi đất.
Mặc dù Ban Tổ chức đã bố trí lực lượng công an để đảm bảo an ninh, tuy nhiên vì lực lượng quá mỏng nên không “cầm cương” được tình hình.
Hồn vía lễ hội đang dần tan biến
Văn hoá Việt ngày càng đi xuống, tính hiếu thắng và bạo lực luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, chỉ cần một sự kích động nhỏ cũng có thể gây ra bạo lực trong lễ hội. Việc dùng bạo lực, gậy gộc lao vào để cướp giật lễ vật là phi văn hóa, phi tín ngưỡng.
Nguyên nhân là do sự mê tín thái quá. Nhưng thực tế sẽ chẳng có may mắn, hạnh phúc nào đến với hành vi cướp giật. Hơn nữa, lễ vật chỉ là biểu tượng chứ không có giá trị về vật chất. Nếu không lao động, không có sự cần cù, chịu khó thì không có may mắn nào đến với mình.
Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam nhận định, nhiều người đi lễ hội nhưng không biết ý nghĩa, mục đích của lễ hội là gì. Họ chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để có được lộc.
Vì không có tâm thế của người đi chơi hội, họ đã có những hành động phản cảm, phi văn hóa. Việc giành giật, chửi bới, đánh nhau để cướp được lộc chẳng khác gì phỉ báng thánh thần.
Người xưa đi lễ hội rất tao nhã. Họ thưởng thức không khí lễ hội tôn nghiêm và những trò chơi dân gian vui nhộn. Họ cầu khấn thánh, thần một năm mới may mắn, nâng niu lộc thánh, chứ đâu giống một số người đi lễ ngày nay. Một số người đi lễ hội ngày nay đã biến lễ hội thành một hiện tượng xã hội trục lợi. Nơi tôn nghiêm bị biến thành những “chợ giời” bát nháo, biến thành “đấu trường” một mất một còn.
Tâm lý chạy theo những cái “nhất” như độc đáo nhất, to nhất, thậm chí tai tiếng nhất, miễn sao thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận, khách tham dự lễ hội càng đông càng tốt đang rất thịnh hành ở các lễ hội, trong khi giá trị đích thực của các lễ hội là những yếu tố văn hóa lại ít được quan tâm.
Hồn vía lễ hội dần tan biến. Dường như đồng tiền, bạo lực đang “phủ” đầy lễ hội truyền thống Việt Nam.
Lễ hội là của nhân dân, điều ấy không có nghĩa là khoán hết cho dân, phó mặc dân làm gì thì làm. Đúng là không phải chuyện nào chính quyền cũng can thiệp, nhưng khi lễ hội vượt quá giới hạn thì nhất thiết các cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Với sự phổ biến của các phương tiện truyền thông, ngày nay lễ hội không còn bó hẹp ở phạm vi gia tộc, thôn xóm, làng xã hay tỉnh thành, mà đã trở thành bộ mặt của nền văn hóa quốc gia. Chính quyền không thể làm ngơ trước việc lễ hội cổ truyền bị biến tướng, tha hóa, đầy chất thực dụng thô thiển.
Làm lễ hội mất đi sự lành mạnh, trong sáng là do chính quyền, nhất là cấp địa phương sở tại thiếu trách nhiệm. Các nhà nghiên cứu văn hóa, dư luận bất bình, nhưng đến nay các vị lãnh đạo địa phương ấy vẫn “bình thản”, không phải chịu bất kỳ trách nhiệm, kỷ luật nào.
Không có chế tài xử phạt cho Ban Tổ chức, cộng thêm sự thiếu ý thức của người dân, câu chuyện về sự lộn xộn, hỗn mang, bạo lực tại mùa lễ hội năm 2016 lại không hồi kết.