Vấn đề đang được dư luận quan tâm là quyền lợi của các nạn nhân trong vụ “siêu” lừa này sẽ được giải quyết ra sao?
Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nạn nhân của vụ lừa đảo này lên đến 45 nghìn người, với số tiền bị lừa khoảng 1.900 tỷ đồng. Nếu nhìn dưới góc độ xã hội, 45 nghìn người đã nộp tiền cho Liên kết Việt là “bị hại”.
Theo nguyên tắc, mọi thiệt hại gây ra đều phải được bồi thường. Tuy nhiên, do chưa có kết luận điều tra chính thức về vụ việc nên chưa thể xác định trong 1.900 tỷ đồng, Ban lãnh đạo Liên kết Việt đã dùng bao nhiêu để chi trả hoa hồng cho những thành viên tham gia trước.
“1.900 tỷ là con số thống kê ban đầu, cơ học khi nhân số lượng thành viên với số tiền mà họ phải nộp về Liên kết Việt. Theo tôi, đây không phải là thiệt hại của vụ án”, Luật sư Tuấn Anh nêu ý kiến.
Ông phân tích thêm, bản chất hoạt động đa cấp của Liên kết Việt là lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Người trước được hưởng hoa hồng từ người sau nên không thể coi tất cả 45 ngàn người là “bị hại”.
Chỉ những người bị thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội của những người đứng đầu Liên kết Việt gây ra mới có thể được xác định là “bị hại” và có quyền yêu cầu trả lại tiền. Theo luật sư, để đòi lại tiền đã mất, bị hại trong vụ án này cần làm đơn trình báo với cơ quan tiến hành tố tụng, nêu rõ thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, theo Luật sư Hà Huy Từ (Giám đốc Công ty Luật Hà Huy), khả năng lấy lại tiền của đương sự trong vụ án hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là rất thấp, do các bị can đã cố tình tẩu tán toàn bộ hoặc phần lớn tài sản.
Nếu được lấy lại thì số tiền cũng rất thấp so với số tiền đã bỏ ra, đồng thời phải mất khá nhiều thời gian, công sức. “Tôi phải chia sẻ với đương sự rằng, hành trình đi đòi lại tiền của họ khá gian nan, vất vả như dân gian ta thường nói là “thả gà ra đuổi”, Luật sư Từ nhận định.
Theo Luật sư Tuấn Anh, số tiền 45 tỷ đồng còn trong tài khoản của Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt rất khó xác định là tài sản do phạm tội mà có. Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được chính xác nguồn gốc của số tiền này mới có thể xử lý số vật chứng này một cách đúng pháp luật, tránh xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của bị can, bị cáo cũng như những người có quyền lợi liên quan trong vụ án này.
Về nguyên tắc chung, thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường toàn bộ. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được số thiệt hại mà Liên kết Việt gây ra thì những người đứng đầu Liên kết Việt phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ đối với thiệt hại đó. Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền kê biên các tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của người phạm tội để đảm bảo thi hành án.
Người vào trước bị coi là đồng phạm?
Công ty Liên kết Việt hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người này trả lãi cho người kia, người tham gia trước hưởng lợi nhuận từ tiền của người tham gia sau. Theo Luật sư Tuấn Anh, trong trường hợp này, nếu cơ quan điều tra chứng minh được hành vi cố ý lôi kéo người tham gia hệ thống nhằm thu lợi bất chính thì những người vào trước hoàn toàn có thể bị coi là đồng phạm với vai trò người giúp sức đối với những người thuộc Ban lãnh đạo của Liên kết Việt.
Tuy nhiên, nếu những người vào trước cũng chỉ nghe theo lời dẫn dụ của những kẻ chủ mưu và tham gia với tư cách thành viên, sau đó thấy có lợi nhuận cao thì giới thiệu những người khác vào với mong muốn họ cũng nhận được lợi ích như mình thì họ là nạn nhân.
Tương tự ý kiến trên, Luật sư Hà Huy Từ cho hay, mặc dù Công ty Liên kết Việt hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người này trả lãi cho người kia, người tham gia trước hưởng lợi nhuận từ tiền người tham gia sau nhưng sau khi họ đã phải nộp tiền vào công ty thì số tiền của người tham gia trước hay người tham gia sau cũng đều bị lãnh đạo công ty này chiếm đoạt.
Bản thân người tham gia trước không có ý thức chiếm đoạt, không có lỗi cố ý chiếm đoạt tiền của người tham gia sau. Do đó, không có đủ căn cứ để khẳng định người vào công ty trước cũng “lừa” người vào sau vì chung quy lại thì người tham gia trước hay người tham gia sau cũng cùng một cảnh ngộ là người bị hại.
Mức án sẽ phải đối diện?
“Theo Luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Cty Luật Bảo An (Hà Nội), phiên tòa hình sự tới đây sẽ giải quyết luôn vấn đề bồi thường của các bị cáo đối với bị hại trên cơ sở yêu cầu của 45 nghìn bị hại. Theo khung hình phạt trong luật hình sự, lãnh đạo Công ty Liên kết Việt có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân”.