Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho hay trên VietNamNet, trước khi nhập viện, hôm 18/1, bệnh nhân Dương Châu Toàn bị ngã xe máy, đập gối trái xuống đất dẫn đến đau, mất vững vùng khớp.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước, gãy mâm chày, phù nề mâm chày ngoài. Bệnh nhân được hội chẩn và có chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng, cắt lọc sụn chêm khớp gối trái.
17h20 ngày 18/1, bệnh nhân được gây tê tủy sống, ca phẫu thuật được tiến hành. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật hoàn tất, bệnh nhân được ra phòng hậu phẫu, được dùng 1 lọ thuốc giảm đau Mobic 15mg.
Đến 4h45 ngày 19/1, bệnh nhân Toàn đột ngột lên cơn gồng cứng, co giật, mạch chậm, huyết áp tụt. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu: ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, dùng các thuốc chống co giật, thuốc vận mạch nâng nhịp tim, huyết áp.
Sau khi có mạch và huyết áp trở lại, bệnh nhân được chuyển Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Nhận thấy trường hợp đặc biệt, lãnh đạo bệnh viện đã cho hội chẩn liên viện với chẩn đoán: Hôn mê sâu sau ngưng tim ngưng thở, nguyên nhân chưa được xác định rõ, nghi ngờ có thể do rối loạn nhịp tim do bệnh lý tim mạch tiềm ẩn chưa phát hiện được trước đó.
1 tuần kế tiếp, bệnh nhân Toàn tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa phẫu thuật gây mê hồi sức.
Ngày 26/1, bệnh nhân có biểu hiện suy thận, có chỉ định lọc máu, được chuyển tiếp đến khoa hồi sức tích cực chống độc điều trị bằng phương pháp thở máy, dùng kháng sinh và lọc máu liên tục.
Sau 25 ngày điều trị, do tình trạng quá nặng, tổn thương não không hồi phục nên gia đình đã xin đưa về và bệnh nhân tử vong tại nhà vào ngày 13/2.
GS.TS Nguyễn Đức Công |
Ngày 18/2, lãnh đạo bệnh viện đã gặp gia đình bệnh nhân Dương Châu Toàn để giải đáp các thắc mắc về nguyên nhân tử vong và chia buồn cùng gia đình, tuy nhiên chưa nhận được sự đồng thuận.
"Chúng tôi đã nỗ lực hết sức song cái chết của bệnh nhân Dương Châu Toàn là trường hợp vô cùng đáng tiếc", GS Nguyễn Đức Công chia sẻ.
Ông Công cho biết thêm, bệnh viện sẽ nhận trách nhiệm về rủi ro này và sẽ tổ chức kiểm điểm để rút kinh nghiệm về mặt chuyên môn cũng như y đức để tránh tối đa những sự cố sau này, đồng thời sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân (nếu có).
Liên quan đến vụ việc, đứng trên góc độ chuyên môn, bác sĩ Võ Xuân Sơn, một người nhận được lời kêu gọi tham gia chiến dịch “Công lý cho Toàn” cho rằng, việc bệnh nhân Toàn bị co giật rất ít khả năng do chích thuốc Mobic gây ra.
Việc bệnh nhân cùng lúc có các cơn gồng cứng, co giật, mạch chậm, huyết áp tụt là biểu hiện kết hợp giữa những dấu hiệu của nhiều loại nguyên nhân khác nhau.
Ngay sau đó bệnh nhân đã được cấp cứu ngay nên không thể nói bệnh viện tắc trách. Chưa kể bệnh viện đã mời cả những bác sĩ viện khác mà gia đình tín nhiệm để cùng hội chẩn.
"Việc tổ chức những chiến dịch như này chỉ làm phức tạp thêm tình hình, khiến cho nhân viên y tế hoang mang", ông nói.
Những ngày qua, cư dân mạng lan truyền một đường link, trong đó có status "Chiến dịch Công lý cho Toàn - Đi tìm sự thật về cái chết bí ẩn của chàng tiếp viên hàng không 28 tuổi". Trong đó, có bài viết với nội dung: Toàn bị ngã xe máy do tránh một người chở hàng vào ngày 6/1, bị trầy chân và đau đầu gối vào bệnh viện Thống Nhất, làm phẫu thuật nối dây chằng. Nửa đêm kêu đau, Toàn được tiêm một mũi thuốc. Ngay sau tiêm Toàn bị co giật, chảy nước dãi nhiều, rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Gần một tháng sau, ngày 13/2, Toàn qua đời.
Những người đăng tải bài viết trên cho rằng "Từ một vết thương nhỏ ở chân, vào bệnh viện, Toàn đã mất cả cuộc sống của mình", và kêu gọi cộng đồng mạng hưởng ứng "chiến dịch" để Bộ trưởng và Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc tìm ra nguyên nhân cái chết của Toàn.
Thống kê từ diễn đàn đăng tải bài viết, có hàng trăm comment về vụ việc.